Dân Việt

Mệnh lệnh khẩn cấp trên không phận Belarus: Nguyên cớ sâu xa và hệ luỵ trực tiếp

Đại sứ Trần Đức Mậu 01/06/2021 11:46 GMT+7
Ồn ào giữa Ukraine và Nga vừa tạm lắng xuống thì đã lại sôi động bởi chuyện chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Anh) khi bay qua không phận của Belarus đã bị chính phủ nước này buộc phải hạ cánh xuống sân bay Minsk ở thủ đô của Belarus.
Mệnh lệnh khẩn cấp trên không phận Belarus: Nguyên cớ sâu xa và hệ luỵ trực tiếp - Ảnh 1.

Phía Belarus viện dẫn lý do được cảnh báo có bom đặt trên chiếc máy bay này. Chiếc máy bay rồi được phép cất cánh bay đi, nhưng hai hành khách là nhân vật đối lập người Belarus Raman Pratasevich và bạn gái bị chính quyền Belarus bắt giữ.

 EU phản ứng rất quyết liệt, không cho phép máy bay của Belarus bay qua không phận các nước thành viên EU và dự định trừng phạt trực tiếp nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước và quan chức chính phủ của Belarus.

Những cáo buộc của EU đối với Belarus hết sức nặng nề, từ bắt cóc máy bay đến khủng bố nhà nước, từ đe doạ an toàn hàng không đến đe doạ an ninh của cả EU. Vụ việc ngay lập tức được EU coi trọng đặc biệt trên chương trình nghị sự của EU như hội nghị cấp cao của EU, hội nghị cấp cao tới đây của nhóm G7 và của Nato (với sự tham dự trực tiếp của tổng thống Mỹ Joe Biden) và chắc chắn cả ở cuộc gặp giữa ông Biden và giới chức lãnh đạo EU.

Tuy không nói thẳng ra nhưng EU xa gần rằng Nga đóng vai trò quan trọng trong vụ việc này. Khi ông Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin tới đây gặp nhau ở Geneve (Thuỵ Sỹ), vụ việc này chắc chắn cũng không thể thiếu trên chương trình nghị sự của sự kiện.

EU phản ứng và đối phó rất quyết liệt bởi đối với EU thì phía Belarus đã vượt quá cái gọi là lằn ranh đỏ.  Trong thực chất, điều khiến EU hậm hực đến mức phẫn nộ không hẳn là việc chính quyền Belarus bắt chiếc máy bay của hãng Ryanair phải hạ cánh xuống Minsk mà là việc phía Belarus dùng cách này để bắt giữ nhân vật đối lập Raman Protasevich.

Trên phương diện pháp lý quốc tế hiện có 2 hiệp ước quốc tế chế tài mọi hành động liên quan đến an ninh của hàng không dân dụng là Hiệp ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế và Hiệp ước Montreal về chống những hành vi gây nguy hại đến an toàn trong hàng không dân dụng. EU cho rằng phía Belarus đã vi phạm cả hai hiệp ước ấy.

Cứ cho là cáo buộc Belarus này của EU có lý đi thì ngay đến chính EU cũng đã vi phạm hai hiệp ước ấy hồi năm 2013 với việc không cho chuyên cơ của tổng thống Bolivia Evo Morales bay qua không phận một số nước thành viên để rồi buộc phải hạ cánh xuống sân bay Viên (Áo) để tiếp nhiên liệu và lợi dụng vụ việc để lục soát chiếc chuyên cơ với lý do nghi ngờ trên chiếc chuyên cơ có cựu nhân viên cơ quan an ninh Mỹ Edward Snowden.

EU vốn đã không còn công nhận tổng thống đương nhiệm của Belarus Alexander Lukashenko và hậu thuẫn phe đối lập đấu tranh lật đổ quyền lực của người này ở Belarus. EU còn đồng thời rất gay gắt với Nga - đồng minh quan trọng nhất mà ông Lukashenko hiện tại còn có được - trong nhiều chuyện nhưng đặc biệt trong chuyện phía chính quyền Nga đối xử phe đối lập ở Nga.

Cho nên EU không thể không vô cùng bực bội khi thấy ông Lukashenko trấn áp và truy sát phe đối lập bằng mọi giá và mọi cách như thế mà lại còn được phía Nga hậu thuẫn công khai. Cho nên phía EU vừa muốn vừa buộc phải trừng phạt Belarus với mức độ quyết liệt như chưa từng thấy từ trước đến nay.

Vụ việc này càng củng cố quyết chí của EU đối địch Belarus và Nga đến cùng trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền bởi chỉ như thế EU mới đạt được mục đích là vừa trấn an và khích lệ phe đối lập ở Belarus và Nga vừa răn đe mạnh mẽ chính quyền Belarus và Nga.

Hệ luỵ trực tiếp của vụ việc đối với EU là EU nhìn nhận nó như một cách ông Lukashenko gián tiếp tuyên chiến với EU và EU sẽ chỉ lại bình thường hoá quan hệ với Belarus khi ông Lukashenko bị mất quyền hoặc tự thoái vị.

EU sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn trước áp lực đối với Nga để Nga dùng ảnh hưởng buộc ông Lukashenko phải ra đi. Như thế có nghĩa là mối quan hệ giữa EU với Belarus và Nga sẽ thêm phức tạp, căng thẳng và gay cấn.

Cùng với Nato, EU sẽ chính trị hoá vụ việc này thành chuyện khủng bố và an toàn hàng không cũng như an ninh chung để trên cơ sở ấy có những điều chỉnh chính sách mới và sẽ kích hoạt vận hành những cơ chế hiện có hoặc sẽ có thêm nhằm cô lập Belarus và Nga về chính trị, trừng phạt họ về kinh tế, thương mại và tài chính, tăng cường hậu thuẫn phe đối lập ở Nga và Belarus, tức là vừa tìm cách hợp pháp hoá lại vừa tăng cường mức độ thể chế hoá việc đối phó Nga và Belarus. Châu Âu lại sôi động về chính trị và an ninh.