Không phải tình cờ mà Trung Quốc-EU bất hòa bao nhiêu thì Ấn Độ-EU lại hữu hảo bấy nhiêu

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 20/05/2021 16:58 PM (GMT+7)
Trong những ngày tháng này, Trung Quốc có không thiếu nguyên do xác đáng để phải thật sự quan ngại không chỉ về Mỹ hay Australia mà còn cả về EU và Ấn Độ, đặc biệt từ sau cuộc thượng đỉnh trực tuyến vừa rồi giữa EU và Ấn Độ.
Bình luận 0
Không phải tình cờ mà Trung Quốc-EU bất hòa bao nhiêu thì Ấn Độ-EU lại hữu hảo bấy nhiêu - Ảnh 1.

Quan hệ Trung Quốc và EU có nhiều bất hòa và căng thẳng.

 

Không phải tình cờ mà quan hệ giữa EU và Trung Quốc bất hoà và căng thẳng thêm bao nhiêu thì quan hệ giữa EU và Ấn Độ hữu hảo và tin cậy thêm bấy nhiêu. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra nhấn chìm Ấn Độ đến mức thủ tướng nước này Narendra Modi không thể đích thân sang Porto (Bồ Đào Nha) để tiến hành cuộc cấp cao với EU như đã được dự định.

 Nhưng không phải vì thế mà kết quả của sự kiện không quan trọng đối với hai bên. Trái lại, sự kiện ấy lại đánh dấu bước chuyển quan trọng mới trong mối quan hệ song phương này khi hai bên đạt được nhận thức chung là phải phát hiện lại nhau, tức là lại phải cùng nhau gây dựng thời kỳ quan hệ hợp tác mới, tạo động lực và chuyển biến mới với chất lượng và tầm vóc chiến lược mới. 

Hai kết quả có ý nghĩa quan trọng nhất của sự kiện này là EU và Ấn Độ thoả thuận nối lại đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương và ký kết thoả thuận về Quan hệ đối tác kết nối. Điều đáng chú ý ở đây là hai bên không hề dấu diếm mà công khai mục tiêu thúc đẩy hợp tác để cùng đối phó Trung Quốc, cụ thể là tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở hai bên và đồng thời để có được những sự lựa chọn thay thế cho hoặc dự án hợp tác nhiều bên mới có thể cạnh tranh với sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, qua đó thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở những vùng mà con đường và vành đai của Trung Quốc dự kiến sẽ đi qua. Trung Quốc không thể không quan ngại thật sự bởi Ấn Độ cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia - được gắn cho biệt danh Bộ Tứ kim cương - đang dùng việc cấu trúc lại trật tự chính trị và kinh tế ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng nhằm để đối phó Trung Quốc, Ấn Độ với vị trí địa lý chính trị ở khu vực Nam Á là một trong những điểm chốt với khả năng tác động rất quyết định tới thành công hay thất bại của Trung Quốc khi thực hiện dự án lớn này. Còn EU thì có tiềm lực chính trị, tài chính, kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ đủ để cạnh tranh ngang ngửa với Trung Quốc.

EU và Ấn Độ khởi động quá trình đàm phán về hiệp định thương mại năm 2007 nhưng rồi ngưng trệ đàm phán vào năm 2013 do bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc và với mức độ quá sâu sắc. Quan hệ chính trị giữa hai bên tốt đẹp nhưng quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại lại tụt hậu. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy trao đổi thương mại của EU với Ấn Độ trong năm này chỉ có 65 tỷ Euro, trong khi với Trung Quốc là 586 tỷ Euro và đầu tư trực tiếp của EU vào Ấn Độ là 75,8 tỷ Euro trong khi vào Trung Quốc là 198,7 tỷ Euro.

Hai bên giờ quyết tâm phát hiện lại nhau để khai thác tiềm năng ở cả hai phía. EU cần Ấn Độ ở cùng phía để đối phó Trung Quốc và để có cửa ngõ cũng như bàn đạp tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sớm chứ không muộn nhằm cùng tạo luật chơi cho cuộc chơi mới ở khu vực này chứ không để cho Bộ Tứ kia dẫn dắt và quyết định tất cả. 

Ấn Độ cần EU vì EU có thể là đối trọng rất thích hợp cho Ấn Độ trong xử lý quan hệ của Ấn Độ với tất cả các đối tác lớn là Mỹ, Nga và Trung Quốc, đương nhiên trong đó đặc biệt với Trung Quốc bởi Ấn Độ bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và bị Trung Quốc ganh đua ảnh hưởng rất quyết liệt ở những nước láng giềng của Ấn Độ trong khắp khu vực Nam Á. 

Đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương sẽ không đơn giản và nhanh chóng có thể kết thúc thành công bởi những vấn đề đặt ra cho hai bên phải giải quyết động chạm đến lợi ích thiết thực của họ, cụ thể là EU đòi hỏi Ấn Độ mở cửa thị trường nông phẩm trong khi EU yêu cầu EU mở cửa thị trường lao động và dược phẩm.

 Lợi ích mới quyết định mục tiêu phấn đấu mới và mục đích mới sẽ dẫn dắt hai bên đến nhận thức cần phải nhưỡng bộ cho nhau và thoả hiệp với nhau. Thời thế thôi thúc như vậy nên hai bên xem ra đã xác định quyết tâm là lần khởi hành này sẽ để đi tới đích. 

Cho dù hiện chưa thể biết hai bên tới khi nào mới cùng nhau đến đích, tác động chính trị của việc họ lại khởi hành đã có khi Ấn Độ giúp EU can dự ngày càng nhiều hơn và sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem