Giải mã cuộc gặp Putin-Biden liệu có bất ngờ đến phút chót

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 27/05/2021 19:38 PM (GMT+7)
Ngày 16.6 tới này, tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau tại Geneve (Thuỵ Sỹ). Thời còn là thượng nghị sỹ và phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã nhiều lần đi Nga và gặp ông Putin.
Bình luận 0
Giải mã cuộc gặp Putin-Biden liệu có bất ngờ đến phút chót - Ảnh 1.

Cuộc gặp tới sẽ là lần đầy tiên ông Biden gặp ông Putin trên cương vị tổng thống Mỹ. Sự kiện này diễn ra ở chặng cuối của chuyến đi châu Âu đầu tiên và cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Trước khi đến Thuỵ Sỹ gặp ông Putin, ông Biden tới Anh tham dự hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G7, sau đó đi Brussel (Bỉ) tham dự hội nghị cấp cao thường niên của Nato và gặp lãnh đạo EU.

Như thế có nghĩa là ông Biden có thể thống nhất quan điểm với các đồng minh và đối tác ở châu Âu về Nga hoặc ít nhất cũng biết rõ quan điểm chính sách của đồng minh và đối tác ở châu Âu về Nga trước khi bước vào đối thoại trực tiếp với ông Putin.

Cuộc gặp này của hai người ở Geneve là sự kiện lớn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Người tiền nhiệm của ông Biden, ông Donald Trump, trong cả nhiệm kỳ cầm quyền đã gặp ông Putin một lần ở Helsinki (Phần Lan). Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga ở thời ông Trump là tổng thống Mỹ không tiến triển đáng kể gì và còn căng thẳng và tồi tệ thêm kể từ khi ông Biden kế nhiệm ông Trump. Ông Biden tỏ ra cứng rắn và gay gắt với Nga hơn hẳn so với người tiền nhiệm.

Thoả thuận duy nhất đạt được cho tới nay giữa Nga và Mỹ từ khi ông Biden lên cầm quyền là gia hạn thời gian hiệu lực của Hiệp ước New Start về giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, ông Biden đưa chuyện dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền thành nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ nói chung và đối với Nga nói riêng.

Với cáo buộc Nga tiến hành tấn công mạng can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và đàn áp phe đối lập, ông Biden tăng cường mức độ và mở rộng phạm vi áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Cùng với EU và Nato, ông Biden gay gắt với Nga trong vấn đề Ucraine, đứng hẳn về phía Ucraine trong quan hệ giữa Nga và Ucraine. Liên quan đến dự án Nord Stream 2 hợp tác giữa Nga và một vài thành viên EU, ông Biden quyết định không trừng phạt phía EU nhưng duy trì các biện pháp chính sách trừng phạt phía Nga.

Bao trùm lên trên tất cả là nhìn nhận của phía Mỹ coi Nga đe doạ sự ổn định và cân bằng chiến lược ở châu Âu cũng như thách thức an ninh trực tiếp đối với Mỹ và các đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ ở châu Âu. Sự bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích giữa Mỹ và Nga vừa cơ bản vừa mang tính nguyên tắc tới mức hiện tại và cả trong thời gian tới nữa cũng rất khó có thể được khắc phục. Điều này đã bộc lộ rất rõ ở kết cục cuộc gặp vừa mới đây giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước ở Ireland.

Cho nên hai câu hỏi được dư luận quan tâm đến nhiều nhất ở sự kiện lớn sắp đến này đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Nga là vì sao hai người ấy vẫn gặp nhau và kết cục cuộc gặp sẽ ra sao.

Họ gặp nhau xem ra vì Mỹ và Nga dẫu bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích với nhau đến mấy thì vẫn không thể không cần nhau và phải hợp tác với nhau về chính trị an ninh châu lục và thế giới. An ninh cho châu Âu, vấn đề Ucraine hay Belarus, tương lai của Nato và của Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rút quân, vấn đề Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên đều là những hồ sơ cần giải quyết mà phía Mỹ luỵ Nga hơn ngược lại.

Ngoài ra, những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác được với nhau là chống biến đổi khí hậu trái đất và ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Nhu cầu và khả năng hợp tác này buộc hai bên phải duy trì tiếp xúc và đối thoại, tham vấn lẫn nhau và cùng hành động kể cả khi các vướng mắc trong quan hệ song phương chưa thể được khắc phục. Cũng chính vì thế mà phía Mỹ phải xác nhận rằng ông Biden gặp ông Putin không phải để đề cao ông Putin mà để gây dựng mối quan hệ ổn định và có thể lường trước được, tức là có thể kiểm soát diễn biến được giữa Mỹ và Nga.

Cả hai phía đều công khai thổ lộ là không kỳ vọng sự kiện lớn này đưa lại bước chuyển mang tính đột phá cho quan hệ giữa hai bên. Thật ra, họ không chủ định theo đuổi mục tiêu ấy vì biết rằng rất khó khả thi nên chỉ cùng chủ trương đạt được kết quả cụ thể nào thì phấn đấu đạt được.

Điều quan trọng và quyết định nhất là bên này làm cho bên kia hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn, bên này thể hiện cho bên kia thiện chí duy trì quan hệ hợp tác và hai bên cùng nhau xác định cách tiếp cận dẫu bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chưa được khắc phục thì vẫn có lợi ích chung thiết thực nứu kéo hai bên vào việc duy trì hợp tác với nhau. Kết cục nhỏ vì thế không ảnh hưởng tiêu cực tới ý nghĩa chính trị của sự kiện lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem