Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, gửi hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết), bà Phạm Thị Quyết (SN 1967, vợ ông Lẫm) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", được quy định tại Khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, Công an tỉnh Thái Bình qua điều tra kết luận, ông Lẫm, bà Quyết có khoản vay 400 triệu, 500 triệu của ông Đỗ Văn Tới (SN 1956, phường Phú Khánh, TP.Thái Bình, Thái Bình).
Ban đầu bị can Nguyễn Văn Lẫm, bị can Phạm Thị Quyết lập 2 bản hợp đồng vay của ông Tới với tổng số tiền 900 triệu, thế chấp xe ô tô Camry mang biển kiểm soát 17K 9966 là ngay thẳng, nhưng sau đó đã gian dối ngay từ việc bán chiếc xe ô tô Camry cho ông Tự khi chưa trả số tiền vay, không hỏi ý kiến ông Tới về việc bán xe ô tô trên.
Khi ông Tới đòi nợ, ông Lẫm, bà Quyết đã khất lần, sau đó tạo dựng lên việc đã trả tiền cho ông Tới, và ông Tới có viết giấy biên nhận, để từ bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ, chiếm đoạt số tiền 900 triệu của ông Tới.
Hành vi của bị can Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình nhận định là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của ông Đỗ Văn Tới và vợ là bà Lê Thị Tuyết.
Công an tỉnh Thái Bình đã nêu ra 4 lý do và căn cứ đề nghị truy tố vợ chồng bị can Nguyễn Văn Lẫm.
Thứ nhất, căn cứ 2 bản hợp đồng vay vốn ngày 23/1/2013 và ngày 20/1/2016 ông Tới cung cấp cho Cơ quan điều tra, giám định chữ viết và chữ ký trên 2 hợp đồng đều do ông Lẫm, bà Quyết viết và ký.
Tại khoản 6 hợp đồng ngày 23/1/2013, 2 bên thỏa thuận thế chấp chiếc xe Camry. Khoản 2, hợp đồng ngày 20/1/2016 tiếp tục thể hiện "tài sản thế chấp cùng với khoản 6 hợp đồng vay vốn ngày 23/1/2013".
Như vậy, ông Tới cùng vợ chồng ông Lẫm ký hợp đồng ngày 20/1/2016, lúc này hợp đồng ngày 23/1/2013 đang có hiệu lực; bản hợp đồng ngày 20/1/2016 được kế tiếp bản hợp đồng ngày 20/1/2013 và từ thời điểm này, 2 bản hợp đồng cùng có hiệu lực.
Thứ hai, về việc trả tiền cho ông Tới, theo Công an tỉnh Thái Bình, bị can Lẫm khai khoản tiền vay năm 2013 và 2016 khi hết hạn vay, vợ chồng ông Lẫm mời ông Tới đến Công ty Lâm Quyết trả luôn một lần theo từng hợp đồng, ông Tới đã viết giấy biên nhận tiền.
Nhưng bị can Quyết lại khai, sau khi cho vay, nhiều lần ông Tới đến công ty yêu cầu trả dần, mỗi lần ông Tới đến nhận tiền, vợ chồng bị can Lẫm Quyết đề yêu cầu ông Tới viết giấy biên nhận.
Lần cuối cùng ông Tới đến công ty lấy các giấy biên nhận trước đó, cộng lại ra số tiền ông Tới đã nhận, đối chiếu với số tiền gốc còn bao nhiêu, vợ chồng ông Lẫm trả hết tại thời điểm hết hạn hợp đồng, yêu cầu ông Tới viết giấy biên nhận chung.
Khi trả tiền cho ông Tới đều do 2 vợ chồng ông Lẫm cùng trả, nhưng mỗi người lại khai khác nhau về việc trả tiền, như vậy, Công an tỉnh Thái Bình nhận định, lời khai của ông Lẫm mâu thuẫn với lời khai của vợ, thể hiện sự gian dối và không có việc 2 bị can trả 2 khoản tiền cho ông Tới.
Thứ 3, bị can Lẫm cho rằng ông Tới nhắn tin đòi tiền là khoản bà Tuyết cho bà Quyết vay. Xét thấy bà Tuyết có cho bà Quyết vay hơn 1 tỷ đồng có giấy biên nhận và không thế chấp tài sản gì.
Bà Tuyết, bà Quyết và ông Lẫm đều khai đây là khoản vay mượn riêng giữa bà Tuyết và bà Quyết, không liên quan đến ông Tới và bị can Lẫm. Các tin nhắn qua lại giữa ông Tới và bị can Lẫm không có tin nhắn nào thể hiện việc đòi khoản tiền riêng mà bà Tuyết cho bà Quyết vay.
Như vậy, xác định ông Tới nhắn tin cho bị can Lẫm là đòi khoản tiền vay có thế chấp chiếc xe ô tô Camry, việc bị can Lẫm khai ông Tới nhắn tin cho bị can Lẫm đòi khoản tiền bà Tuyết cho bị can Quyết vay là không đúng.
Thứ tư, khi ông Tới yêu cầu đưa xe ô tô Camry thì ông Lẫm không nói đã bán cho một người khác mà nói xe bị bắt nợ. Trong khi xe ô tô này được ông Lâm gửi tại nhà anh Khiên (Vũ Hội, Vũ Thư).
Sau đó bị can Lẫm tháo biển kiểm soát 17K 9966 để tránh sự phát hiện của ông Tới và những người khác, việc này thể hiện sự cố ý của bị can Lẫm không trả khoản vay 900 triệu đồng cho ông Tới đã được vợ chồng bị can thế chấp xe ô tô.
Ở một diễn biến khác, về việc tố cáo Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình) chiếm giữ công ty và vợ Đường Nhuệ cho ông Lẫm, bà Quyết vay 1,7 tỷ đồng có phạm tội cho vay lãi nặng hay không, Công an tỉnh Thái Bình qua điều tra đủ cơ sở kết luận, bị can Lẫm, bị can Quyết không trả số tiền 900 triệu đồng cho ông Tới. Việc 2 bị can khai đã trả tiền cho ông Tới và ông Tới có viết giấy biên nhận là không có thật.
Việc Đường Nhuệ và con nuôi có chiếm giữ Công ty Lâm Quyết, lấy đi tài sản, giấy tờ của vợ chồng ông Lẫm hay không là vụ việc khác, không liên quan, không ảnh hưởng đến bản chất vụ "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra, về khoản vay 1,7 tỷ đồng vợ chồng ông Lẫm vay của Dương Đường có giấy biên nhận vay tiền, nhưng không thể hiện lãi xuất vay, thời hạn trả nợ. Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) khai lãi suất được tính theo lãi suất ngân hàng. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan điều tra không đủ cơ sở kết luận Dương Đường có hành vi cho vay lãi nặng.
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ án của bố mẹ mình, anh Nguyễn Văn H – con trai vợ chồng ông Lẫm cho biết, gia đình anh không quá bất ngờ trước các thông tin liên quan sau khi nhận được kết luận từ Cơ quan điều tra.
Anh H cho biết, anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho bố mẹ bởi chuyện không phải ngày 1, ngày 2, và gia đình cũng đã nghĩ đến chuyện sau giai đoạn truy tố, xét xử, vụ án sẽ không dừng lại ở phiên sơ thẩm.
Hiện tại, theo chia sẻ của con trai chủ Công ty Lâm Quyết, đang có 3 luật sư đồng hành cùng bố mẹ anh trong vụ án này và gia đình đã có những chuẩn bị cần thiết cho các bước tiếp theo.