Dân Việt

Đọc sách: Người hai trong một

Phạm Xuân Nguyên 04/06/2021 11:05 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn "ngẫu văn" mang tên "Hai phía chân dung" của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Đọc sách: Người hai trong một - Ảnh 1.

Hồi nhỏ ở quê Hà Tĩnh tôi đã nghe đến tên anh. Cái tên Lê Quốc Hán đi cùng tiếng khen giỏi toán và tiếng đồn lận đận. Giỏi đến mức năm 1974 lần đầu tiên đoàn học sinh Việt Nam tham dự thi toán quốc tế đạt giải cao, anh Hán ở vùng quê xa giáp Đèo Ngang khi biết đề thi đã tự nhốt mình trong phòng làm bài và anh đã giải được hết, chỉ có dư ra vài phút thời gian theo quy định. Ấy là tôi, một học trò trường làng kém anh dăm bảy tuổi, được nghe các thầy cô kể lại thế, như một cách khích lệ động viên học tập, chả là hồi ấy tôi cũng đang học chuyên toán. 

Hồi đó bọn chúng tôi cũng hay được các thầy cho đọc báo "Toán học và Tuổi trẻ", mở số nào ra gần như đều có tên Lê Quốc Hán dưới các bài làm giải toán. Nghe thế, thấy thế chúng tôi phục lăn. Lận đận là học hành giỏi giang suốt thời phổ thông nhưng đến khi thi đại học đậu rồi lại không được đi học vì lý lịch gia đình, vì nhà theo đạo. 

Mãi đến sau 1975, khi mà các bạn bè cùng trang lứa đã học xong ra trường đi dạy, anh mới được ra học Đại học Vinh nhờ sự giúp đỡ của một giáo sư toán học đầu ngành. Đấy lúc nhỏ ở quê tiếng đồn lời khen một người mang tên Lê Quốc Hán đến tai chúng tôi là vậy. Và khi đó tôi cũng chưa gặp anh vì hai người cùng tỉnh nhưng ở hai huyện khác nhau, cách nhau khá xa, vả lại đang thời buổi chiến tranh.

Sau đó, khá lâu sau, tôi đã được gặp anh thảng hoặc đôi lần trong những lần tôi về Vinh. Anh đã tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh), ở lại khoa giảng dạy, đã trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ Toán học, được phong Nhà giáo Ưu tú. Điều này là hẳn nhiên với năng khiếu của anh từ hồi trẻ mà tôi đã nghe biết. Nhưng điều bất ngờ với tôi là thấy tên anh trên các trang sách trang báo với… thơ. Một nhà toán học mang hồn thi sĩ. Đọc thơ anh thấy bao nỗi niềm, tâm trạng của một con người và một thân phận, những niềm riêng trong một phận chung. Và tôi cũng chỉ dừng ở đó cái biết về Lê Quốc Hán trong sự cảm phục và vui mừng cho anh đã có được một sự nghiệp toán và một công trình văn.

HAI PHÍA CHÂN DUNG

Tác giả: Lê Quốc Hán

Nhà xuất bản Nghệ An, 2021

Số trang: 355 (khổ 14,5x20,5)

Số lượng: 500

Giá bán: 150.000

Cho đến bây giờ khi cầm trên tay cuốn sách "Hai phía chân dung" anh gửi tặng tôi mới được biết toàn bộ cuộc đời anh. Anh gọi 69 bài viết tập hợp lại sách này là "ngẫu văn" hiểu như là những bài tản mạn ngẫu hứng, ngẫu nhiên viết ra lúc này lúc khác, trong nhiều hoàn cảnh, tâm tình khác nhau. 

Nhưng hợp lại trong một cuốn sách 69 bài đó đã vẽ nên chân dung Lê Quốc Hán nhìn từ hai phía – phía toán và phía văn, và cũng là phía bản thân anh và phía quê hương, dòng họ, gia đình, bản quán, vợ con, bạn bè. Đọc vào đây tôi mới biết tỏ tường thực hư những câu chuyện được nghe về anh từ nhỏ. Đúng là Lê Quốc Hán có tư chất cả toán và văn mà hồi đầu học trường làng văn lại trội hơn toán. 

Đúng là anh đã từng thi đậu cả Chuyên toán tỉnh và Chuyên toán trường Vinh nhưng không được xã chứng nhận lý lịch cho đi học. Đúng là anh đã từng gõ đầu trẻ ở làng rồi đi học trường sư phạm "10+1" (loại hình trường thời chiến, lấy học sinh đã tốt nghiệp lớp 10 học thêm một năm ra làm giáo viên) của tỉnh để lại về dạy học ở quê. 

Đúng là anh đã ham mê giải toán trên "Toán học và Tuổi trẻ" nhờ đó đã có cơ hội được gặp giáo sư Lê Văn Thiêm (1974) và được giáo sư giúp đỡ để có cơ may ra học ở Vinh. Cơ may này anh đã gọi là bước ngoặt cuộc đời như tên bài thơ anh viết tặng thầy về sau này: "Vạch cho em đường dẫn đến ngày mai / lát bằng gạch của một đời cần mẫn / lời khuyên ấy xin lấy làm lẽ sống / và bắt đầu từ khởi điểm hôm nay." Đọc những chuyện đó tôi hiểu thêm con người và cuộc đời Lê Quốc Hán, đã hẳn, nhưng tôi còn vỡ ra nhiều chuyện hồi nhỏ chỉ nghe mơ hồ và khi lớn lên muốn biết nhưng chưa có dịp. 

Những trang sách ở đây của Lê Quốc Hán đã mở rộng cho tôi biết thêm về những miền quê Hà Tĩnh, gặp được những con người có quen có lạ, từ đó hiểu sâu hơn địa dư lịch sử văn hóa của vùng đất quê hương. Tác giả chỉ kể chuyện mình và chuyện những người những cảnh thân thuộc với mình nhưng đã cho tôi, và người đọc, có cái nhìn rộng ra cả một thời và cả nhiều nơi. Mà không chỉ kể chuyện quê chuyện mình, trong sách này của Lê Quốc Hán còn có những bài như tiểu luận thơ, bình thơ, suy nghĩ thời cuộc. Đặc biệt những bài anh luận giải về mối tương quan toán và thơ, thơ và toán có nhiều điều thú vị cho người đọc.

Cái hay của cuốn sách "Hai phía chân dung" là ở giọng kể của Lê Quốc Hán. Một giọng văn kể chuyện dung dị, tự nhiên, nghe như thủ thỉ tâm tình giữa vợ chồng cháu con, giữa bạn bè thâm giao. Kể những chuyện xưa trớ trêu nghịch cảnh mà bình thản, thâm trầm. Kể những chuyện nay vui vẻ, đầm ấm mà lặng lẽ, kín đáo. Nhưng tôi vẫn cảm được suốt cả cuốn sách một nỗi buồn day dứt và một lòng tạ ơn sâu nặng của Lê Quốc Hán trước cuộc đời. Mỗi bài viết đều có một câu đề từ, là thơ, tục ngữ, câu hát, danh ngôn, như gói ghém suy nghĩ, cảm xúc của tác giả. 

Tên sách là "Hai phía chân dung" nhưng bìa sách in hình tháp Bayon bốn mặt của đất nước Chùa Tháp. Có phải tác giả muốn ngụ ý là anh còn những mặt khác, còn những phía nhìn khác? Tôi chợt nhớ đến bài thơ của Chế Lan Viên: "Anh là tháp Bayon bốn mặt / Giấu đi ba còn lại đấy là anh / Chỉ mặt ấy mà nghìn trò cười khóc / Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình". Hẳn nhiên, Lê Quốc Hán không bị ở trong bi kịch ấy của nhà thơ họ Chế. Nhưng hẳn anh biết bài thơ đó và đồng cảm với tác giả của nó.

Năm 2005 tôi giữ mục chọn thơ trên báo "Thể thao & Văn hóa". Trong một kỳ tôi có chọn một bài của Lê Quốc Hán. Khi đọc được anh đã viết thư cho tôi. Thư đề ngày 15.10.2005 từ Vinh: "Hán thật sự ngạc nhiên & cảm động khi thấy anh giới thiệu bài thơ "Tạ" của Hán trên báo Văn hóa & Thể thao vì hai lẽ: anh bận trăm công nghìn việc mà vẫn ghé mắt đến thơ của một bạn viết tỉnh lẻ & nhất là thơ người ấy quá cũ (chủ yếu là thơ truyền thống). 

Hán cũng muốn đổi mới thơ mình lắm, nhưng "đã quen mất nết đi rồi", hơn nữa Hán làm thơ chỉ để gửi gắm niềm tâm sự của mình nên cũng ít nghĩ đến cái mà người đời hay nói là "thi pháp" hay "trường phái" gì đó". Lê Quốc Hán là thế, bằng vào những gì tôi nghe tôi biết về anh, và bây giờ đọc cuốn sách này của anh, tôi có thể nói anh là một người khiêm cung sâu sắc. Anh đã biết giữ trọn mình và sống đúng mình. Giờ ở tuổi ngoài bảy mươi anh đã có thể thanh thản "Như giọt mưa mùa hạ / chưa chạm đất đã khô / Như que diêm trao lửa / thoắt biến vào hư vô."

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 4/6/2021