Đọc sách: Cái tát của thời gian

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 25/05/2021 07:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn tiểu thuyết "Gã điên & Ngõ thiên đường" của nhà văn Phạm Thanh Khương.
Bình luận 0
Đọc sách: Cái tát của thời gian - Ảnh 1.

Ngõ thiên đường vốn tên không phải là ngõ Thiên Đường. Nó cũng không phải là cái ngõ lâu đời mà là mới có. Từ khi làng thành phố, vùng đất quê vốn làm nghề đúc bị giải tỏa và được quy hoạch, thì cái ngõ mới xuất hiện. Mà nó lại mang tên một con số - ngõ Ba Mươi, là nét vạch ngang của chữ H nối hai con phố cũng mới được lập ra. Nhưng nó bị chặn đầu bởi cái đền thờ ông tổ nghề đúc của làng gọi là đền Phúc Đẳng Thần Kim Thiên Đường nên thành ra mọi người nhất tề gọi là ngõ Thiên Đường.

GÃ ĐIÊN & NGÕ THIÊN ĐƯỜNG

Tác giả: Phạm Thanh Khương

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021

Số trang: 295 (khổ 13x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 117.000

Sống trong ngõ ấy có một bà lão thành, một ông nhà văn, một đôi vợ chồng ông thợ đóng gạch – bà bô lô ba la và cô con gái sập gụ của họ, một ông mất cà, một ông ưỡn bụng, một bà hừ hứ, một đám choai choai thích xe phân khối lớn. Và một gã điên, có tật nói bỏ phụ âm đầu, con của một gái làng tha hương trở về rồi bị chết thảm, để lại đứa con dị tật trên đời, nhưng rồi ra lại là nhân vật bất ngờ nhất của truyện. Chừng ấy người đã là một xã hội thu nhỏ. Hai nhân vật hoạt động nhất trong ngõ và trong truyện là ông ưỡn bụng giữ cái chức trưởng ngõ và bà hừ hứ kinh doanh làm ăn liên kết với nhau tìm cách sở hữu khu đất của ngôi đền. Nhưng chuyện đất đai chỉ là cái cớ cho nhà văn nói chuyện thời nay. Không đặt tên riêng cho các nhân vật mà gọi bằng các danh xưng nghề nghiệp, tính cách, nhân dạng, lại dồn họ vào trong một không gian sống vừa có tính hiện thực vừa mang tính biểu tượng, Phạm Thanh Khương đã tạo được một không gian nghệ thuật để khai triển nội dung tư tưởng của tác phẩm. Tất cả mọi sự đều từ cái đền có cái tên hay ho, đẹp đẽ này mà ra. "Có thể nó là kho báu, nhưng cũng có thể đấy là cái bẫy để đưa con người ta vào sự mê hoặc đi đến một cõi không tưởng. Và ở đó, khi đã bước vào cõi mê thì chính bản thân đã chấp nhận cái chết, chấp nhận sự dối trá, lọc lừa. Nó là canh bạc của cuộc đời. Một canh bạc có thắng có thua. Một canh bạc mà biết trước ở đó là những trò lừa bịp, dối trá và sự gian manh. Biết nhưng vẫn đặt cược vào đó để chơi thì tất nhiên phải chấp nhận quy luật của cuộc chơi." (tr. 173-174)

Để âm mưu thôn tính ngôi đền lấy đất, tác giả đã bằng con mắt bà hừ hứ đánh giá các nhân vật trong ngõ "tất cả chỉ là con số không dài vô tận". Bà lão thành thì "tuy là người có công dựng nên thể chế nhưng cũng đã hết thời", giờ chỉ còn biết bảo thủ và kể công. Vợ chồng lão thợ đóng gạch và bà bô lô ba la thì 'chỉ là kẻ lấy sức mà lo cho cái dạ dày". Lão mất cà (bị mất bộ phận sinh dục trong chiến đấu) thì chỉ biết bảo thủ, cố chấp với lý tưởng đã theo, "với họ niềm tin là duy nhất, trung thành là tuyệt đối". Gã điên thì chỉ là "một khối u, một khối thịt nhô ra thừa thãi trên cơ thể xã hội con người". Ông ưỡn bụng với bà thì là "mặt cưa mướp đắng đôi bên một phường". Người mà bà hừ hứ lo lắng nhất là ông nhà văn. Tác giả luận một đoạn dài trong suy nghĩ của nhân vật để nói về tầng lớp gọi là "đại trượng phu" này. "Họ là thế lực thứ tư trong đời sống xã hội. Một khi họ xác định đúng thì họ sẽ làm và làm đến cùng bằng tất cả những gì họ có." (tr. 240).

Cái nhìn này của bà hừ hứ sẽ được soi chiếu qua lại với cái nhìn của bà lão thành, ông nhà văn, ông mất cà, ông ưỡn bụng, chúng trái chiều, phân cực, qua đó tác giả đưa lại cho người đọc một cái nhìn chung đa chiều về thời thế thời cuộc thời sự hiện nay. Người kể chuyện trong sách này bình luận, nhận xét, đánh giá rất nhiều về người và việc bằng một giọng điệu nửa tranh cãi nửa diễu cợt, hài hước. Câu văn vì thế cũng được viết như văn nói để kể, chấm câu ngắt câu không theo ngữ pháp, văn phạm. Tôi cho đó là nằm trong ý đồ của tác giả. Nhờ đó người đọc vừa được nghe câu chuyện kể vừa như được dự vào câu truyện. Lắm lúc cũng hoang mang, bực tức, cũng muốn cãi lại nhân vật, cãi lại tác giả, cứ như đang ở tại ngõ Thiên Đường vậy.

Rốt cuộc thì ngôi đền Phúc Đẳng Thần Kim Thiên Đường bị cháy. Cháy do ai đó tẩm dầu vào chuột đốt rồi thả vào đền. Gã điên vì tứ cố vô thân ở tạm trong đền nên bị bỏng nặng. Khi mấy người trong ngõ kéo đến bệnh viện thăm thì không biết ai đã đón gã đi mất. Bất ngờ một thời gian sau, trong cuộc họp dân trong ngõ với nhà đầu tư vào khu đất đền bị cháy bỏ hoang lâu nay, mọi người thấy ông chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn Phạm Trịnh Group trông giống gã điên hồi trước. "Giọng nói lơ lớ, hơi giật cục như người nước ngoài tập nói tiếng Việt chưa sõi chứ không bỏ hẳn âm đầu của từ." (tr. 22) Chẳng lẽ đó là gã điên, một con người khốn khổ, một thân phận nhục nhã đã được mọi người trong ngõ thương xót, cưu mang, giúp đỡ, đến mức như bà lão thành còn di chúc để lại căn nhà của mình cho gã và khi tưởng gã đã bị chết cháy thì bà đã sốc mà qua đời, chẳng lẽ gã đó bây giờ lột xác trở thành nhà đầu tư đến chiếm đoạt mảnh đất này? Chẳng lẽ gã điên ngay từ trong bụng mẹ đã được "cài cắm" bởi một kẻ giấu mặt nói giọng xủng xoảng, và đến lượt gã lại tiếp tục cài cắm nòi giống của mình trong bụng cô sập gụ? Nếu vậy thì khủng khiếp quá. Nếu vậy thì lời Mở đầu sách của tác giả như cách dẫn chuyện, như chỉ dấu cách đọc, nhưng cũng là một cách thách đố và báo hiệu người đọc, vì câu truyện được kể không chỉ là về đất đai. Từ chương I thì hiện tại lần lại quá khứ, tác giả dẫn người đọc đi vào cái ngõ Ba Mươi được gọi là ngõ Thiên Đường vì có ngôi đền Phúc Đẳng Thần Kim Thiên Đường chặn đầu để gặp gỡ các nhân vật của mình, cùng họ sống thời của mình. Và từ trong cái ngõ đó mà nhìn ra lịch sử đời người trong tâm trạng của ông nhà văn không thể tin nổi gã điên lại có thể là ông chủ đầu tư giọng lơ lớ: "Những năm tháng đã qua như dấu hằn trong quãng đời ông sống trên trần gian, ở cái ngõ Ba Mươi mà dân cứ nhất quyết gọi là ngõ Thiên Đường. Thời gian có thể là bàn tay xoa, làm dịu những nỗi đau, hàn gắn những vết thương. Thời gian cũng là cái tát. Cái tát của cuộc sống vào chính những người đang sống, một khi, niềm tin yêu bị đánh cắp." (tr. 23-24).

Chữ "thời gian" ở đây không có nghĩa là thời gian thông thường. Nó phải hiểu là thời đại, thời thế, thời cuộc, là quãng đời và cuộc đời ta đang sống. Thành ra là ngôi đền có chữ Thiên Đường trong tên gọi bị bỏ hoang cho chuột bọ sinh sôi, cho rác rưởi chất đống, để rồi cuối cùng bị thiêu rụi. Thành ra cái ngõ ăn theo ngôi đền mà gọi tên cũng bị tàn lụi trong những thân phận méo mó, dị dạng về nhân cách. Thành ra là những nhân vật không tên, những "người không phẩm chất" ("man without qualities") nói theo tên một tác phẩm của nhà văn Áo Robert Musil, đều bị đẩy vào cảnh khốn cùng của kiếp nhân sinh. Ngay cả ông nhà văn cũng thúc thủ, cam chịu đến thành bàng quan, thờ ơ trước những cảnh đời và phận người diễn ra trước mắt mình. Bà lão thành chết "khuôn mặt úp nghiêng xuống đất" (tr. 277) như một ẩn dụ của sự uất ức và tuyệt vọng đau đớn. "Cơ sự làm sao đến nỗi này?" người đọc có thể phải mượn câu thơ đó của Lưu Quang Vũ để thốt lên khi đọc hết cuốn sách. Đến nỗi gã điên không hẳn là điên, mà chính những người khác mới là điên. Lại vẫn lời ông nhà văn khi nói với ông thợ đóng gạch: "Cả ông, cả tôi, cả ngõ này, xóm này, làng này rồi đất này cũng đang điên đấy. Ông có thấy thế không? Mà có khi điên thật chứ chả cả ngẫn như nó đâu. Ông với tôi chỉ khác nó là biết giấu cái điên đi." (tr. 279).

Phạm Thanh Khương đã quyết liệt bóc trần hiện thực, vén màn sự thật. "Đền thiêng từ người không thiêng bởi đền" - câu đề từ tác phẩm gợi ra nguyên nhân của mọi sự đổ vỡ, suy tàn ở trong cái ngõ ấy và không chỉ ở trong đó. Cuộc sống rồi ra sẽ phải thế nào, nên như thế nào? Nhà văn có để nhân vật suy nghĩ điều này đây đó trong truyện và người đọc phải tự mình suy ngẫm. Người đọc phải tự mình nhận cái tát của thời gian để được tỉnh ra và sống khác.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 24/5/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem