Đọc sách: Chúng ta không là chúng tôi

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 01/06/2021 14:23 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mang đến bạn cuốn tiểu thuyết "Chúng tôi" của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin (1884 - 1937) qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của dịch giả Phạm Ngọc Thạch.
Bình luận 0

Cuốn tiểu thuyết mở ra ở thế kỷ XXVI. Khi đó trên lãnh thổ của nước Nga cũ xuất hiện một Quốc Gia Thống Nhất bảo đảm sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Trong quốc gia đó mọi con người được đánh mã số thay cho tên gọi thông thường. Họ sống trong thành phố làm bằng kính, mặc đồng phục xanh như nhau, ăn thức ăn tổng hợp từ dầu hỏa, sinh hoạt tình dục theo phiếu màu hồng được cấp, luôn nhất trí bầu chọn một Lãnh Tụ Thiện Nguyện duy nhất. Bất kỳ sự đi chệch nào khỏi trật tự lý tưởng này đều là tội chết.

Đọc sách: Chúng ta không là chúng tôi - Ảnh 1.

Quốc Gia Thống Nhất ngăn cách với bên ngoài bằng một Bức Tường Xanh. Ngoài đó là thế giới của những người hoang dã, sống vô tổ chức, không có Bảng Giờ như trong quốc gia này. Bảng Giờ là "trái tim và nhịp đập" của Quốc Gia Thống Nhất. "Bảng Giờ thực sự biến mỗi người trong chúng tôi thành nhân vật chính bằng thép với sáu bánh xe của bản trường ca vĩ đại. Mỗi sáng, với độ chính xác của sáu bánh xe, vào cùng một giờ, cùng một phút, chúng tôi cùng thức dậy, triệu người như một. Vào cùng một giờ, triệu người như một bắt đầu công việc, triệu người như một kết thúc công việc. Rồi như hòa vào một thân thể với hàng triệu cánh tay, vào cùng một giây do Bảng Giờ quy định trước, chúng tôi đưa thìa lên miệng, rồi lại vào cùng một giây chúng tôi bước ra đi dạo và đến thính phòng, vào phòn tập Taylor, chìm vào giấc ngủ..." (tr. 19-20). 

Đến cả chuyện sinh hoạt tình dục cũng được Bảng Giờ ấn định thành những Giờ Riêng Tư – từ 16 đến 17 giờ và từ 21 đến 22 giờ. Đến cả việc sinh con cũng không được phép nếu trái quy định. Mã số 0-90, cô gái được chỉ định chung giường với D-503, rất muốn sinh con nhưng cô không được phép vì "thấp hơn Tiêu Chuẩn Mẹ 10cm". Mà có phép màu cho cô được sinh con thì đứa con cũng bị tước khỏi cô ngay: công dân ở Quốc Gia Thống Nhất không có cha có mẹ, trách nhiệm nuôi dạy họ từ nhỏ là những người được đào luyện đặc biệt.

CHÚNG TÔI

Tác giả: Yevgeny Zamyatin

Dịch giả: Phạm Ngọc Thạch

Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017

Số trang: 292 (khổ 13,5x20,5)

Số lượng: 2000

Giá bán: 98.000

Cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng nhật ký ghi chép của mã số D-503, nhân vật chính của tiểu thuyết. Anh ta là tổng công trình sư của con tàu vũ trụ "Tích Phân" được chế tạo nhằm mang hạnh phúc đúng đắn như toán học đang được thực hành ở Quốc Gia Thống Nhất đến các hành tinh khác. Ghi chép của D-503 là đáp lời kêu gọi của Lãnh Tụ Thiện Nguyện: "Mọi mã số, nếu cảm thấy đủ năng lực, đều có nghĩa vụ sáng tác tiểu luận, thơ ca, tuyên ngôn, tụng ca hoặc những thể loại khác để tán dương cái đẹp và sự vĩ đại của Quốc Gia Thống Nhất. Đó sẽ là kiện hàng đầu tiên được tàu Tích Phân đem theo." (tr. 6) 

Nhưng một điều không lường trước đã xảy ra: D-503 đã đem lòng yêu mã số I-330, một cô gái hoạt động kháng chiến bí mật trong lòng Quốc Gia Thống Nhất nhằm chống lại cái thế giới kiểm soát và san bằng tất cả, đưa mọi người quay về với tự nhiên. Tình cảm sôi động này đã làm thay đổi nhân vật, buộc anh ta phải bước ra ngoài Bức Tường Xanh nơi những người bị coi là hoang dã sống, biến anh ta thành một nhà văn và một nhà cách mạng. 

Nhưng cuối cùng D-503 đã lại chịu quy phục trật tự của Quốc Gia Thống Nhất. Những dòng ghi chép cuối cùng của anh ta là: "Và tôi hy vọng – chúng tôi sẽ chiến thắng. Hơn thế nữa, tôi tin chắc chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng. Bởi lẽ lý trí dứt khoát phải chiến thắng." (tr. 292) "Chúng tôi" đây là những con người đã cam chịu bị biến thành mã số. "Chúng tôi" số đông, tập thể, là đại diện cho Thượng Đế, còn "Tôi" số ít, cá nhất, là đại diện cho quỷ dữ (tr. 160).

Yevgeny Zamyatin viết "Chúng tôi" năm 1920, nhưng với nội dung như nói trên cuốn tiểu thuyết không in được ở Nga hồi ấy vì bị coi là biếm họa về chính quyền Xô Viết. Nó xuất bản lần đầu là qua bản dịch tiếng Anh (New York, 1924). Tiếp đó là bản tiếng Czech (Praha, 1927), tiếng Pháp (Paris) và trở nên nổi tiếng thế giới. Năm 1927 "Chúng tôi" được in bằng tiếng Nga đầu tiên trên một tạp chí ở Praha. Đến năm 1952 bản tiếng Nga đầy đủ của cuốn tiểu thuyết được in ở New York. Đến năm 1988 "Chúng tôi" mới được in lần đầu ở Liên Xô trên tạp chí "Ngọn cờ". 

Và một thế kỷ sau khi nó được viết ra "Chúng tôi" đã đến với bạn đọc Việt Nam. Bản dịch của Phạm Ngọc Thạch là một bản dịch tốt đối với một tiểu thuyết giả tưởng như thế này, khi tác giả phải tạo ra những từ mới, thuật ngữ mới để thể hiện nội dung của tác phẩm. Đây là tác phẩm đầu tiên của Yevgeny Zamyatin được dịch ở nước ta. Nhưng bằng cuốn tiểu thuyết chính này của ông, bạn đọc sẽ được biết tới một tác giả và tác phẩm quan trọng của văn học Nga-Xô Viết thế kỷ XX. Trên thế giới, năm 1982 "Chúng tôi" được chuyển thể thành phim ở Cộng hòa Liên bang Đức. Nước Nga thì đến năm 2018 mới bắt đầu đưa tác phẩm này lên màn ảnh.

"Chúng tôi" được coi là cuốn tác phẩm phản không tưởng đầu tiên, và nhiều điều tiên đoán trong đó đã thành hiện thực sớm hơn thời hạn tác giả trù tính. Đọc nó người đọc có thể nhận thấy nhiều thực tế và nguyên tắc của các nhà nước độc tài về sau, cũng như nỗi khiếp sợ trước sự đe dọa của nền văn minh máy móc đang tiến đến trước nhân loại. Để biết phản không tưởng là gì cần phải biết không tưởng là gì. Chữ "không tưởng" trong tiếng nước ngoài là "Utopia" có gốc từ tiếng Hy Lạp trong đó tiền tố "U" nghĩa là "không", còn từ gốc "Topia" theo từ "Topoc" nghĩa là "nơi chốn". "Utopia" như vậy có nghĩa là "nơi không tồn tại, nơi không thể có". 

Nhà tư tưởng người Anh thế kỷ XVI Thomas More (1478 – 1535), người thích bàn luận về sự tổ chức nhà nước và nghĩ ra những xứ sở nơi mọi người sống trong thanh bình, no đủ, phồn vinh, là người đầu tiên dùng cái từ này trong một tác phẩm của mình. Đó là  bản luận văn của ông xuất bản năm 1516 với cái tên dài dòng "Cuốn sách vàng vừa hữu ích vừa hài hước kể về một thiết chế nhà nước tốt nhất và về hòn đảo mới Utopia" (về sau nó được gọi gọn lại là "Utopia"). Một thế kỷ sau cuốn sách của Thomas More thì có cuốn "Thành phố Mặt Trời" của nhà tư tưởng Italia Tommaso Campanella (1568 – 1639). Đó là hai tác phẩm không tưởng tiêu biểu. 

Còn sau "Chúng tôi" của Yevgeny Zamyatin thể loại phản không tưởng đã có thêm những tác phẩm chấn động như "1984" của George Orwell (Anh), "Brave New World" của Aldous Huxley (Anh) Player Piano của Kurt Vonnegut (Mỹ)... Một ẩn dụ của Yevgeny Zamyatin về văn chương vẫn còn đúng đến hôm nay: "Văn chương sống động không sống theo những giờ hôm qua và những giờ hôm nay, mà theo những giờ ngày mai. Đó là người thủy thủ được phái lên cao trên cột buồm, từ trên đó anh ta thấy được những con tàu đang chìm, những tảng băng trôi và những mảnh vỡ là những thứ mà khi đứng trên boong tàu không phân biệt được."

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội 1/6/2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem