Bạn tra Google cái tên Lê Trung Tuấn sẽ có được thông tin chi tiết về tác giả cuốn sách này. Anh sinh năm 1977, quê Hà Nam, hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người sáng lập Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD). Năm 2016, anh trở thành một trong những người sáng lập Liên hiệp các Tổ chức Điều trị nghiện thế giới (ICARO) với 48 quốc gia thành viên.
Gặp anh ngoài đời bạn sẽ thấy một người đàn ông trung niên khỏe mạnh, hoạt bát, năng động, tích cực suy nghĩ và hành động cho lợi ích cộng đồng, nhất là những người đã trót bị nghiện ma túy. Có ai ngờ việc làm của anh hiện nay chính lại bắt nguồn từ bản thân anh – một con nghiện từ 25 năm trước. Cuốn sách "Nẻo về" là câu chuyện dính nghiện và thoát nghiện do chính Lê Trung Tuấn viết lại.
Tác giả: Lê Trung Tuấn
Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2013
Số trang: 262
Số lượng: 5.200
Giá bán: 59.000
Tuấn là đứa con trời sinh của bố mẹ anh, nếu có thể nói vậy, khi bà mẹ sáu lần có thai đều bị sẩy, trước đó đã phải nhận một đứa con nuôi để cho "đứng đầu đầu số" theo quan niệm dân gian. Cậu bé lớn lên khôi ngô, từng là học sinh thanh lịch, học tốt, từng là lớp trưởng.
Tốt nghiệp phổ thông, cậu thi đậu trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh (nay là trường Đại học Tài chính – Quản trị Kinh doanh thuộc Bộ Tài chính). Ấy vậy, trong một buổi tối năm 1996, tại thị xã Sơn La hồi đó, bị chúng bạn rủ rê, khích động, anh sinh viên đầy triển vọng Lê Trung Tuấn đã bập vào "nàng tiên nâu": "Tôi đã cười khẩy, bậm môi vào ống tẩu. Ống tẩu làm bằng tre nứa tươi, có chỗ châm thuốc, đốt lửa và rít như trong phim ảnh cổ xưa tôi vẫn hằng xem." (tr. 52). Từ đó Tuấn càng lún sâu vào sự nghiện ngập và tìm đủ mọi cách để có tiền mua thuốc, không từ cả việc tróc nã, lừa gạt bố mẹ, anh chị.
Có thể nói có bao nhiêu mánh khóe các con nghiện hay dùng để làm sao có tiền mua thuốc thì Lê Trung Tuấn đều đã sử dụng. "Đừng nghe con nghiện trình bày…" anh đã nhiều lần chua xót, đau khổ nhắc lại câu cửa miệng này của người đời ở trong sách. Nhưng ở anh có một điều khác nhiều con nghiện khác.
Đó là trong những cơn vật vã giãy dụa đói thuốc, thèm thuốc, trong những lúc cùng cực, bi thảm nhất của một kẻ nghiện, anh vẫn luôn có khát vọng và ý chí vươn lên hướng thiện, tìm cách chiến thắng mình để hoàn lương, để tìm nẻo về với cuộc sống con người. Khi mà cơn nghiện bùng lên biến con người thành con thú với tất cả bản năng tàn bạo, độc ác, sẵn sàng có những hành động chém giết bất kể thế nào, thì sự thiện lương có tự trong bản chất đã giữ Lê Trung Tuấn lại bên này tội ác.
Anh đã dừng tay dao lại trước cô bé học trò tiểu học trường Tô Hoàng (Hà Nội) khi đã dụ bé ra chỗ vắng định cướp sợi dây chuyền vàng. "Nó nhìn tôi, không kêu ca được, không van xin được, nó sợ quá, nó cứ lịm đi. Ánh mắt nó là một cái gì rất ám ảnh nhưng tôi không thể nào miêu tả được, có lẽ nó giống ánh mắt tuyệt vọng của một hoang thú trước khi bị giết. Tôi rùng mình, nó cũng như con của chị gái tôi, đứa cháu mà tôi đã thương yêu như con gái nhỏ của mình." (tr. 101-102).
Anh đã vứt súng xuống biển rồi quay lại bờ, trở về nhà, khi đang cùng một cậu bạn bắt một chủ thuyền chở ra hải phận quốc tế để vượt biên. Cái căn thiện lương đó cũng là cái cho mọi người nhìn thấy bên trong một "Tuấn Văn Điển" yêng hùng, bặm trợn phá phách là một thanh niên Tuấn có thể làm người sống tử tế. Vì thế ông chủ thuyền đã nói chuyện với anh như cha con.
Vì thế ông chủ cây xăng bị anh mua quỵt rồi bỏ chạy đã hô người rượt theo bắt được đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng, nhưng rồi "dường như đã thấy chút lương tâm của một người vốn tử tế trong tôi" anh đã đưa tên cắp xăng của mình về nhà cho ăn uống, cho quần áo mặc. Chuyện xảy ra ở Quảng Bình. Đây là lời người chủ cây xăng – vốn cũng là một con nghiện đã hoàn lương, nói với Tuấn: "Chú không phải là đứa ít học, gương mặt chú rất có hậu, sáng sủa. Anh không cần chú phải nói gì. Nhưng anh biết chú có thể bỏ thuốc phiện, heroin và làm lại cuộc đời được. Chú đi đi, đi đi mà tìm lại cái mà chú đã vô tình đánh mất. Anh biết chú sẽ tìm được." (tr. 110).
Anh đến khi trưởng thành đã gặp được những người phụ nữ yêu thương và chịu đựng mình hết mực, sẵn sàng hy sinh tất cả cho anh cắt được cơn nghiện, cai được ma túy. Những trang tự truyện về mẹ, về Hương vợ đầu, Bằng vợ sau đã được Lê Trung Tuấn viết đầy xúc động với tất cả lòng thương yêu, hối hận và biết ơn sâu sắc.
Cứ thế, vịn vào thiên lương của mình, vào sự đau khổ và trông đợi của cha mẹ, vào sự bao dung của người đời, vào tâm linh hình bóng người cậu liệt sĩ mang trong lòng mình từ ngày bé, Lê Trung Tuấn đã dũng cảm từng bước thoát khỏi vòng tay "ả phù dung". Trên hành trình này Tuấn đã trải qua hai lần chết lâm sàng vì sốc thuốc và phê thuốc, lần sau (23/2/2001) kéo dài đến 7 giờ. Trải nghiệm này như Tuấn nói về sau đã cho anh được đi vào cõi chết rồi trở lại cõi đời, được làm một vòng tử sinh luân hồi.
Có thể kinh nghiệm chết đó đã khiến anh sau này phát sinh khả năng ngoại cảm, từ việc tìm được mộ người cậu sau bao năm hy sinh đến việc lập ra cả một trung tâm lo giúp cho nhiều người tìm kiếm được người thân của mình. Chuyện này – chết lâm sàng và tìm mộ liệt sĩ, đã được Lê Trung Tuấn kể lại tỉ mỉ trong một cuốn sách khác mang tên "Trải nghiệm trong thế giới vô hình" (Nxb Hội Nhà Văn, 2017).
Thế là con nghiện đã trở lại con người. Sau 13 năm đày đọa trong hơi khói nâu đến mức như đã tự đào mồ chôn mình để quyết dứt cơn (tr. 68-71) Tuấn đã bỏ được ma túy. Anh trở lại cuộc sống bình thường của một con người bình thường làm ăn kiếm sống. Chật vật, thất bại, lỗ vốn, trắng tay, lại cũng có lúc gặp may, Lê Trung Tuấn đã dần từng bước khẳng định mình trên cõi đời.
Cho đến nay anh đã trở thành người nổi tiếng về các nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy. Anh đã được một tổ chức kỷ lục tặng bằng tiến sĩ danh dự với công trình khoa học "Phương pháp chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý".
Cuốn sách "Nẻo về" vì vậy, ngoài tính chất tự truyện, còn là lời cảnh báo đối với xã hội về tệ nạn ma túy và lời động viên cổ vũ những người đã trót nghiện ma túy. Lời cảnh báo là khi tác giả mấy lần nói đến việc người nghiện khó cắt cơn bỏ nghiện ngoài lý do họ không làm chủ được bản thân còn là do thuốc nghiện dễ mua quá, đâu cũng có bán (dù là bán mua lén lút).
Không triệt tiêu tận gốc những ổ mua bán ma túy này thì dù có bao nhiêu trại cai nghiện, dù những con nghiện có quyết tâm từ bỏ bao nhiêu họ vẫn rất dễ bị tái nghiện. Lời cổ vũ động viên là của một người đã từng nghiện ngập và đã chiến thắng được ma túy nói rất thật lòng: "Ma túy, tốt nhất nên tránh xa nó ra. Những với những người trót nghiện, dù khó, tôi nghĩ là nếu còn giữ được nhân cách, nếu quyết tâm thật sự, đối tượng hoàn toàn có thể cai được. Liệu câu chuyện đời đầy nước mắt của tôi có giúp gì được cho những người bạn "cùng hội cùng thuyền" với tôi độ ấy? Xin đừng cười tôi, bạn hãy tin là tôi rất chân thành, rất tha thiết muốn câu chuyện của tôi mang một điều gì đó tốt đẹp hơn cho bạn. Được như vậy thì tôi cũng thấy mãn nguyện rồi." (tr. 229-230).
Sách in ra Lê Trung Tuấn đã đưa tặng cho nhiều trại giam và trại cai nghiện trên cả nước. Năm 2018 tại khu du lịch Long Việt (Ba Vì, Hà Nội) do anh lập ra, Tuấn đã có riêng một khu trưng bày tác hại và đào tạo kỹ năng phòng chống ma túy cho mọi người tham quan, học tập.
"Nẻo về" là những chuyện đời thật của Lê Trung Tuấn, có sự hiệu chỉnh của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khi thành sách. Nhà báo đã kiểm chứng các sự kiện trong cách viết của Tuấn, đã dùng nghiệp vụ báo chí của mình mở thêm những "cửa sổ thông tin" qua lời kể của những người khác về Tuấn, để bảo đảm sự xác thực của những điều nói trong sách nhằm tạo sự tin cậy cho người đọc yên tâm đây là người thực việc thực được viết ra không phải nhằm tô vẽ, quảng bá cá nhân.
Trong sách còn có những bài viết của các nhà văn, nhà báo, giáo viên cảm nhận khi đọc sách này. Và sắp tới "Nẻo về" sẽ được một nhà văn biên kịch nổi tiếng chuyển thể thành phim truyền hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.