Gần 18 giờ, trước đây theo thường lệ, vợ chồng anh Triệu Tòn Nhỉ (thôn Phiêng Đoóng, xã Nậm Xây, Văn Bàn) bận rộn chăm sóc đàn lợn gầ 40 con, từng được ví như "cỗ máy" ATM của gia đình.
Tuy nhiên chỉ trong vài ngày vừa qua, đàn lợn gần 40 con của gia đình anh Nhỉ đã chết bởi dịch tả lợn châu Phi.
Giờ đây, vợ chồng anh chỉ có thể nhìn ngắm lại đàn lợn qua những video và bức ảnh lưu trên điện thoại.
Kinh nghiệm hơn 7 năm nuôi lợn, 2 lần thắng dịch tả lợn châu Phi và đã chủ động phòng dịch nhưng lần này gia đình anh không còn may mắn. Đàn lợn chết để lại cho gia đình khoản nợ gần 60 triệu đồng đầu tư trước đó. Xót xa nhưng anh vẫn mong hết dịch để được tái đàn.
Cách nhà anh Nhỉ không xa, gia đình anh Phạm Văn Tình cũng bị thiệt hại nặng bởi dịch tả lợn châu Phi. Là những người trẻ có suy nghĩ táo bạo trong phát triển kinh tế, vợ chồng anh Tình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt đầy đủ thiết bị (camera, quạt mát, điện chiếu sáng, hệ thống nước) để giám sát, chăm sóc đàn lợn của gia đình. 2 năm thành công trong chăn nuôi lợn, vợ chồng anh đã trả hết nợ, dành dụm được chút vốn liếng.
Tháng 3/2021, gia đình anh đầu tư hơn 90 triệu đồng mua 30 con lợn giống và cám chăn nuôi. Đến khi đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng thì mắc dịch tả châu Phi mà chết. Chuồng trại nay trống trơn, chỉ còn lại mấy chục bao cám. Anh quyết định chuyển sang nuôi gà thương phẩm.
Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát bất ngờ, không rõ nguyên nhân đã khiến cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Xây gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống. Xã đã thành lập 1 chốt kiểm soát dịch ngăn chặn người mang lợn ra, vào địa bàn.
Tuy nhiên đến hết ngày 26/5/2021, xã đã có 442 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 6,8 tấn. Dịch tả lợn châu Phi diễn ra liên tiếp tại các thôn trên địa bàn xã, ngày ít có khoảng 2 - 3 con chết, ngày nhiều có thể lên tới hàng chục con. Điều này đã khiến tổng đàn gia súc của xã giảm mạnh, nhiều hộ thiệt hại nặng nề.
Nhiều ngày liên tục cùng cán bộ xã tham gia trực tại chốt kiểm dịch, tiêu hủy lợn, gương mặt ông Triệu Nguyên Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Xây còn hằn nét mệt mỏi. Ông Hương cho biết: Tập quán nuôi gia súc thả rông và chưa chú trọng vệ sinh chuồng trại của người dân khiến dịch lây lan ra hầu hết hộ chăn nuôi ở 3 thôn giáp nhau là Nậm Van, Phiêng Đoóng và Nà Hằm.
Đảng ủy, UBND xã đang đẩy mạnh kiểm soát dịch; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan sang các thôn còn lại.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, từ đầu tháng 4 đến ngày 26/5, huyện đã tiêu hủy 806 con lợn mắc bệnh của 169 hộ trên địa bàn 8 xã (Nậm Xây, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Tân Thượng, Minh Lương, Nậm Mả, Thẳm Dương, Sơn Thủy) và thị trấn Khánh Yên.
Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy gần 28 tấn. Huyện đã cấp 169 lít hóa chất và 8,4 tấn vôi bột cho công tác tiêu độc, khử trùng.
Gần 2 tháng đã có hàng trăm hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Văn Bàn trắng tay vì dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, do vậy nguy cơ nhiều gia đình nông dân rơi vào tình cảnh tương tự rất cao nếu cơ quan chức năng, người dân và chính quyền các xã, thị trấn không vào cuộc quyết liệt.