Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, chị Huyền quá đỗi quen thuộc với việc cấy lúa, trồng rau. Năm 2003, chị theo gia đình lên thị trấn Sìn Hồ làm ăn sinh sống. Sau khi lập gia đình, năm 2007, chị Huyền bắt đầu tính đến chuyện trồng rau an toàn để phục vụ cho gia đình và kinh doanh.
"Hai vợ chồng tôi mở nhà hàng ăn uống nên đòi hỏi phải có lượng lớn rau xanh mỗi ngày. Ở thị trấn Sìn Hồ, rau cỏ khá đắt đỏ vì nguồn cung khan hiếm. Thay vì phải dậy sớm đi chợ mua rau xanh mỗi ngày, tôi bàn với chồng thuê 500m2 đất ruộng của người dân bản địa để trồng rau...", chị Huyền kể.
Chị Huyền cho biết, hồi còn ở quê, chị thường phụ giúp bố mẹ trồng, chăm sóc rau xanh các loại, nên cũng hiểu đôi chút về đặc tính cũng như cách chăm bón rau. Để sớm có sản phẩm, chị chọn trồng các loại rau ngắn ngày như: Mồng tơi, rau đay, rau muống... mỗi thứ một ít.
Một thời gian sau, nhà hàng ăn uống của của vợ chồng chị đã không phải nhập rau xanh từ ngoài nữa...
Kể từ khi chủ động được nguồn rau xanh, nhà hàng phục vụ ăn uống của chị Huyền đông khách hẳn lên. Khách đến ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon bởi đã có nhiều loại rau, số lượng lớn, lại còn đảm bảo yếu tố sạch sẽ, vệ sinh.
Nhiều người liền hỏi mua khi biết rau xanh do chính tay chị Huyền trồng. Nhận thấy khí hậu ở Sìn Hồ mát mẻ, có thể trồng rau quanh năm, nên chị Huyền mạnh dạn mở rộng diện tích.
"Khi thấy một số hộ dân bỏ đất hoang không sản xuất, tiếc quá tôi liền hỏi thuê để mở rộng diện tích trồng rau. Trên diện tích 5000m2 đất ruộng 1 vụ, tôi chia làm nhiều khoảnh nhỏ để trồng các loại rau xanh theo mùa. Vào mùa hè, tôi trồng các loại rau: Mồng tơi, rau muống, rau đay. Còn vào mùa đông, thì tôi trồng: Xu hào, bắp cải, súp lơ... mỗi thứ một ít" – chị Huyện cho hay.
Vì trồng theo kiểu gối vụ nên lúc nào chị Huyền cũng có rau xanh bán ra thị trường và sử dụng trong nhà hàng.
Chị Huyền vẫn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Trong quá trình trồng, chăm sóc rau xanh các loại, chị không lạm dụng phân bón hóa học, mà chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho rau.
Chị Huyền tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây rau. Theo chị Huyền, trong các loại rau xanh mà chị trồng, thì có cây bắp cải là nhiều sâu bệnh hại nhất.
"Trong quá trình chăm sóc bắp cải phải đặc biệt chú ý đến việc phòng trừ sâu non, sâu tơ ở thời kỳ cây vào cuộn. Nếu không diệt trừ sâu kịp thời, cây bắp cải rất dễ bị thối từ trong ra. Vào thời kỳ này, vì không sử dụng thuốc trừ sâu nên sáng nào tôi và mấy chị em làm thuê cũng dậy từ rất sớm để kiểm tra, bắt giết sâu non, ngắt ổ trứng khi chúng mới xuất hiện trên cây bắp cải. Làm theo cách này tuy tốn công, song đảm bảo an toàn của sản phẩm khi thu hoạch" – chị Huyền thông tin.
Để hạn chế sâu bệnh hại, chị Huyền áp dụng cách trồng luân canh các loại cây trồng khác nhau trên một ô đất. Tức là vụ này trồng bắp cải, thì sau khi thu hoạch xong chị Huyền không tiếp tục trồng bắp cải nữa, mà đưa cây súp lơ hoặc xu hào vào trồng.
Chị Huyền trồng rau xanh quanh năm, với nhiều lứa, nhiều loại cây khác nhau như: Xu hào, bắp cải, súp lơ, rau đay, mồng tơi, rau muống... Với các loại rau như: Rau đay, mồng tơi, rau muống thì chị Huyền bán theo mớ, với giá bình quân khoảng 5.000 đồng/mớ. Còn với xu hào, cải bắp, súp lơ, lạc thì chị bán theo cân, với giá cả phù hợp với từng thời điểm và từng loại khác nhau, dao động từ 15.000 – 50.000 đồng/kg.
Sản phẩm rau xanh các loại do chị Huyền trồng, không chỉ tươi ngon mà còn đảm bảo độ an toàn cao. Đều đặn mỗi ngày, chị Huyền thu khoảng 1,5 triệu đồng từ bán rau xanh ra thị trường. Đó là chưa kể lượng rau cung cấp cho nhà hàng mỗi ngày. Chị Huyền thuê 4 lao động phụ trách việc trồng, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, tưới tắm cho ruộng rau xanh của gia đình.