Bị lừa buôn hoa lan đột biến, một người Vĩnh Phúc than biết tìm người ở đâu để bắt đền!
Vĩnh Phúc: Bị lừa buôn hoa lan đột biến, giờ không biết tìm người ở đâu để bắt đền
Thứ sáu, ngày 04/06/2021 18:45 PM (GMT+7)
Những giao dịch hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng một cây hoa lan đột biến (lan Var) tùy loại được phát tán tràn ngập mạng xã hội. Việc này kéo theo rất nhiều người lao vào trồng, đầu tư, mua bán hoa lan đột biến và vô tình lấn sâu vào cuộc chơi đỏ đen.
Việc liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo vì mua lan đột biến giả thời gian gần đây cho thấy bong bóng đang vỡ. Không chỉ mất tiền, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng do nợ nần, thậm chí phải bỏ trốn vì trót… "giấc mơ lan".
May rủi của “người nhập môn”
“Số em nhọ. Vừa chốt được kie 3cm 5 cánh trắng Phú Thọ, giá 2 củ (2 triệu - PV) nhưng vào hội thì thấy chủ vườn có phốt trên hội vì bán cây không đúng chủng loại. Theo các bác em có nên hủy đơn cho quay đầu không ạ? Mong mọi người tư vấn giùm”; “Anh chị em chơi lan tránh xa nhà này nha, chị họ mình năm ngoái bắt đầu vào lan var, bị nhà này lừa. Giờ vào đòi bắt đền họ cãi bảo không bán cho chị ấy, thôi coi như bài học…”.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều tâm sự, được chia sẻ trong các nhóm chơi lan var đang ngập tràn trên mạng xã hội facebook.
Tại đây, không hiếm trường hợp người chơi lan bỏ ra cả trăm triệu để mua giống lan quý, sau hàng năm trời chăm sóc kỳ công, cây lan lại trổ ra mặt hoa phổ biến, giá trị thấp, dẫn đến tranh cãi, xô xát với người bán, nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.
Trường hợp của Nguyễn Văn K, ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) là một ví dụ.
Nhận thấy trên mạng xã hội có nhiều người bán lan đột biến, K. cũng đặt mua rồi đăng bài, livestream giới thiệu bán lại kiếm lời. Sau một số lần chuyển nhượng qua lại, K. có được khoản lợi nhận nhất định.
Tuy nhiên, sau gần một năm kinh doanh đến thời điểm hiện tại có không ít khách hàng tìm đến K để khiếu nại, yêu cầu bồi thường vì hoa ra không đúng chủng loại.
“Em cũng có tìm đến nơi cấp nguồn tận Hòa Bình nhưng không thấy người bán cho mình đâu nữa, gọi điện nhắn tin đều không liên lạc được. Hàng xóm ở đó cho biết họ chỉ là những người thuê đất và đã chuyển đi được một thời gian khá lâu. Giờ cũng chẳng biết tìm họ ở đâu để bắt đền bởi tất cả mọi giao dịch đều qua điện thoại hoặc facebook” - K ngậm ngùi chia sẻ.
Không chỉ riêng K, có rất nhiều người dù mới tập vào, không thạo nhiều về lan đột biến nhưng đứng trước sự “hào nhoáng” được tô vẽ tràn ngập trên mạng cũng bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn tín dụng đen để đầu tư với ước vọng đổi đời. Để rồi khi nhận ra mình bị lừa thì tất cả đã quá muộn màng.
Từng là nạn nhân của mánh lới thổi giá, đẩy giá do các anh “lớn” (nhà vườn có nhiều lan đột biến giá trị cao, nhiều người biết đến - PV) tạo ra, anh Nguyễn Huy T (phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) chia sẻ: Thật ra, thú chơi lan ngày nay nó biến dạng méo mó, nhiều nhà vườn vì muốn giàu nhanh, chụp ảnh sau đó đăng tràn lan, tạo giao dịch ghi thêm số tiền lên cho oách...
Tất cả những hành động đó chỉ nhằm chứng tỏ mình đẳng cấp, sau còn dễ bán lại cho những người mới chơi lan. Đằng sau những giao dịch đó là những cái bắt tay ngầm của các nhà vườn để cây đi “du lịch” khiến người mới chơi cứ tưởng hời ôm vào với mộng làm giàu nhanh.
Khi giá một kie lên đên hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, những người thân của nhà vườn ngấm ngầm bán ra để thu lãi khổng lồ. Chỉ khổ người mới chơi, cứ nuôi ảo mộng làm giàu nhanh, tin vào lời các anh lớn để rồi ôm cây đợi… phá sản”.
Chia sẻ với phóng viên về những nguy cơ, rủi ro mà những người mới nhập môn lan đột biến có thể gánh chịu, Nguyễn Quang H - chủ một vườn lan khá nổi tiếng tại huyện Sông Lô cho biết: Đối với những người mới chơi lan, rủi ro là khá lớn vì không đơn giản như mọi người nghĩ mỗi giao dịch thành công là có thể đổi đời.
Bởi để có một cây hoa lan đột biến, người chơi phải "vào” một số tiền không hề nhỏ, được tính bằng cả gia sản có người phải tích cóp cả đời. Toàn bộ giá trị của cây chỉ nhìn thấy được ở nhà vườn chứ không có quy chuẩn, thước đo nào hết.
Việc giao dịch, mua bán cũng phải theo hội, theo nhóm, nhà vườn với những người trong "giới” chứ không phải cứ bê ra rao bán như cây rau ngoài chợ.
Nếu mình không tham gia hội, nhóm hay nhờ nhà vườn có uy tín chăm sóc, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng thì dù có quý, độc, đẹp đến mấy cũng chẳng ai dám "xuống" tiền mua.
Đến sự ra đi của những “anh lớn” trồng hoa lan đột biến
Vào lan đột biến là chấp nhận may ít, rủi nhiều. Đó là quy ước ngầm được rất nhiều dân chơi lan thừa nhận.
Thực tế chứng minh rằng, không chỉ những người mới nhập môn, ngay cả những anh lớn, vườn to, quan hệ rộng, khách ầm ầm cũng thất bại như thường.
Tâm lý hám lợi mong muốn dễ dàng kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn đã khiến không ít chủ vườn lớn bất chấp tất cả thực hiện những vụ lừa đảo lan đột biến giả.
Có trường hợp ở Hòa Bình đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì sử dụng phương thức tinh vi khi tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Một trường hợp khác ở Hòa Bình cũng bị công ăn bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội với tổng số tiền giao dịch lên đến 4,6 tỷ đồng.
Đáng nói nhất, ngày 12/4/2021, Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của 3 công dân phản ánh việc chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh tại xóm Chợ, thôn Đình Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, để mua lan đột biến.
Tuy nhiên, đến ngày giao cây, các khách hàng không liên lạc được với chủ vườn lan. Khi đến nhà, các khách hàng không gặp được và không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo khoảng 11 tỷ đồng.
Cùng ngày, giới chơi lan đột biến đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội rằng một chủ vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã "ôm" hàng trăm tỷ của khách hàng rồi bỏ trốn.
Theo đó, số tiền lên đến hàng trăm tỷ là do khách hàng đã đặt mua từ chủ vườn lan với nhiều loại lan có giá trị kinh tế cao như Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước... Đây là những loại lan theo định giá của giới chơi lan đột biến có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm.
Buồn thay, sự ra đi của hàng loạt “anh lớn” trong giới chơi lan đột biến trong thời gian qua vẫn không làm giảm đi nhiệt huyết, quyết chí làm giàu của rất nhiều người bất chấp những cảnh bảo liên tiếp từ những cơ quan chức năng.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, trước hàng loạt thông tin, vụ việc về các giao dịch liên quan đến lan đột biến, Công an tỉnh đã ban hành 3 văn bản, gồm Văn bản số 772 ngày 19/8/2020, Văn bản số 781 ngày 11/9/2020 và Văn bản số 347 ngày 18/3/2021 yêu cầu các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố triển khai nắm bắt tình hình, thực hiện việc rà soát, lập danh sách đánh giá hoạt động của các nhà vườn nuôi cấp, kinh doanh lan đột biến, hoạt động của các hội, nhóm chơi lan đột biến trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chủ động các biện pháp phòng ngừa, xử lý tình huống phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động kinh doanh, mua bán lan đột biến.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh, qua nắm bắt tình hình, các nhà vườn nuôi cấy hoa lan trên địa bàn tỉnh đều có giao dịch mua bán lan đột biến nhưng giá trị không lớn và chưa phát hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kinh doanh mua bán lan đột biến để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trước những thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới hàng trăm tỷ đồng gây náo loạn dư luận, ông Nguyễn Văn H - chủ một vườn lan có tiếng ở Lập Thạch, cùng nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đều có chung một nhận định: "Lan đột biến đẹp, quý, hiếm thật đấy nhưng chẳng có ai bỏ nhiều tiền như vậy theo kiểu “vàng thì có giá, hàng lá vô cùng” như vậy đâu.
Chỉ tiếc rằng, không ít người vẫn bất chấp tất cả, lợi dụng cơ hội làm giàu. Buồn thay, đại đa số đều may ít, rủi nhiều, nhiều người vì thiếu hiểu biết, không tỉnh táo lao vào để rồi không chỉ mất tiền, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng do nợ nần, thậm chí phải rời bỏ cả gia đình chỉ vì hoa lan đột biến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.