Lạng ván gỗ cao su, trồng rau thủy canh, 2 thanh niên Bình Phước đều giàu lên
Bình Phước: Lạng ván gỗ cao su, trồng rau thủy canh, 2 chàng thanh niên nhanh làm giàu
Thứ bảy, ngày 05/06/2021 19:00 PM (GMT+7)
Cao su vốn là loại cây trồng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành nước ta. Tại tỉnh Bình Phước, diện tích trồng cây cao su là 240 ngàn ha. Hằng năm, có hàng trăm héc ta cao su bị thanh lý do hết tuổi khai thác mủ. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ.
Gỗ cao su là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ. Nắm bắt lợi thế này, nhiều người đã mạnh dạn mở nhà máy, xưởng chế biến nhằm tạo ra ván lạng cao su có chất lượng phục vụ thi công thiết kế đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ và nhiều lĩnh vực khác.
Điển hình như anh Hồ Công Thông ở ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành đã cùng 2 người anh của mình vay mượn đầu tư mở xưởng sản xuất ván lạng gỗ cao su.
Anh Thông chia sẻ, quyết định chọn nghề ván lạng cao su khởi nghiệp từ năm 2013. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, kinh phí lại hạn hẹp nên anh Thông cùng 2 người anh của mình thuê lại xưởng ván lạng ở ấp 3, xã Minh Hưng để làm.
Mới đầu cơ sở gặp không ít khó khăn do chưa có thị trường. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng ván lạng của gia đình anh hoạt động ngày một hiệu quả.
Có lượng khách hàng ổn định, anh Thông đã thuê đất và xây dựng xưởng chế biến ván lạng cao su trên diện tích 2 ha tại ấp 2, xã Minh Hưng. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và các tỉnh lân cận nên xưởng hoạt động liên tục.
Hiện cơ sở của anh Thông có 2 dàn máy bóc gỗ, trung bình 1 ngày xưởng chế biến được hàng chục mét khối ván lạng.
Để có gỗ thành phẩm đẹp, xưởng ván lạng của anh Thông luôn chú ý đến chất lượng. Trung bình 1 tháng, xưởng xuất ra thị trường khoảng 50m3 ván thành phẩm, đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Đồng thời, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, xưởng ván lạng của gia đình anh Thông còn đầu tư dựng nhà trọ hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho những lao động ở xa đến làm việc.
Hiện tại, xưởng gỗ có 8 phòng, đáp ứng chỗ ở cho gần 20 lao động. Trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống và làm việc tại xưởng.
Khởi nghiệp từ trồng rau thủy canh
Dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng với sự táo bạo, ham học hỏi, anh Phạm Văn Minh, Bí thư Chi đoàn ấp 8, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành đã thiết kế thành công mô hình trồng rau sạch theo hình thức thuỷ canh hồi lưu cho gia đình mình.
Anh Minh tốt nghiệp Đại học Công nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành tài nguyên - môi trường.
Ra trường, anh xin vào làm tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc ở bộ phận xử lý nước thải cho công ty. Sau đó, anh Minh xin nghỉ việc về phụ giúp gia đình làm kinh tế và bắt đầu tham gia công tác đoàn tại địa phương.
Năng động, nhiệt tình trong các hoạt động nên năm 2016 anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn ấp 8. Năm 2017, anh quyết định thực hiện trồng rau thủy canh trên diện tích vườn của gia đình khoảng 30m2.
Sau 1 năm thử nghiệm thành công tại nhà, đầu năm 2018, anh Minh triển khai thêm mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu trên diện tích 300m2 tại ấp 9, xã Minh Hưng, với số vốn đầu tư ban đầu 200 triệu đồng.
Hiện anh Minh tự ươm giống và trồng. Quá trình rau phát triển đến lúc thu hoạch, từng giàn rau sẽ được ghi chép, theo dõi sát sao các yếu tố kỹ thuật như nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng của nước và độ pH để đảm bảo năng suất, chất lượng cao.
Tùy từng loại rau mà thời gian thu hoạch có thể thay đổi, dao động từ 30-40 ngày. Do được trồng trong điều kiện môi trường thuận lợi nên anh Minh đã chủ động quay vòng sản xuất theo hình thức gối đầu nhằm tăng năng suất, đồng thời đảm bảo lượng rau cung ứng ra thị trường.
Với quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ ngay tại nhà nên lượng rau của gia đình anh Minh cung cấp ra thị trường luôn giữ được độ tươi và chất dinh dưỡng của sản phẩm. Trung bình 1 ngày, gia đình anh cung cấp ra thị trường hàng chục kilôgam rau các loại như xà lách, cải ngọt, cải thìa, cải xoăn. Mô hình này giúp mỗi năm gia đình anh Minh thu nhập trên 150 triệu đồng.
Phong trào lập thân, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Bình Phước những năm qua đã có nhiều khởi sắc, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Từ những ý tưởng táo bạo, mới mẻ cộng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.