Đám trẻ chúng tôi là bận rộn hơn cả, hết hò nhau đu xe văn công lưu động tuyên truyền lại đến xếp gạch đặt chỗ... Đứa nào đứa nấy sau một ngày mệt nhoài chạy đuổi theo xe chỉ để gào: "Văn công, văn công chúng mày ơi…" thì trông cứ gọi là giống ngợm hơn người.
Từ chiều, người già, trẻ nhỏ đã tấp nập kéo đến sân khấu nổi (khu vực tổ 3 Đồng Sơn, thị trấn Bằng Lũng) để khuân gạch, vạch chiếu mà đặt sẵn chỗ ngồi. Tối đến, người có tiền thì ung dung vào cổng, kẻ không tiền thì tất bật ngược xuôi, bảo vệ hở ra tí là lẻn vào như gió.
Cũng lạ, chỉ là vài viên gạch, manh chiếu rách nhưng đã đặt rồi thì cấm có ai tranh chỗ, kể ra, cái ý thức con người ngày ấy, về điểm này thật đáng để ước ao.
Đám trẻ con chúng tôi tuyệt đại đa số chẳng thằng nào có vé, bé thì đi kèm, nhớn hơn tí thì trèo rào, nhảy tường, chui vách. Chắc chắn kiểu gì loay hoay chừng 15-20 phút cũng sẽ có mặt trong sân bãi.
Có thiệt hại gì đâu, chúng tôi chỉ xem người, chỉ để hưởng cái không khí đông vui thôi mà, chứ chèo với tuồng thì làm sao mà nuốt nổi.
Lúc này trong sân, các anh đã ung dung bá vai, bá cổ nhau mà chỉ trỏ cô nọ, chị kia, còn các chị hẳn nhiên cũng khấp khởi trong lòng. Chúng tôi vào vai sứ giả, chạy đưa thư, chuyển tin cho các anh, các chị.
Ngày đó, tôi có anh bạn ở quê lên nhà trọ học, nhà tôi sát ngay cạnh khu sân khấu nổi. Mỗi bận văn công về huyện, y rằng hắn không ăn, không uống, trốn cả học mà ngẩn tò te nhìn các diễn viên khuân đồ, dựng sân khấu.
Sau này hắn bảo, thị trấn nhỏ nên biết hết nhau, lâu lâu mới thấy người lạ, mà người lạ ở đoàn văn công ai cũng xinh như tiên nữ, không chiêm ngưỡng thì phí lắm!
Còn nhớ có lần, đến giờ diễn vở Phạm Công Cúc Hoa, sân khấu đã chật kín người mà đợi mãi vẫn chưa thấy diễn. Chừng lúc lâu loa phóng thanh thông báo, hiện tại đoàn bị mất đạo cụ, là những thanh kiếm gỗ, mũ quan nên tạm thời lùi thời gian, đợi tìm lại mới diễn được...
Thường mất những thứ như vậy chủ yếu là do trẻ con nghịch ngợm mà nên. Nhìn vẻ mặt căng thẳng của các diễn viên trong đoàn cải lương trong cánh gà, đám trẻ chúng tôi không đành, hò nhau túa ra tìm kiếm.
Rồi chúng tôi cũng tìm được đạo cụ cho đoàn. Kết thúc vở diễn, đám trẻ chúng tôi tràn cả lên sân khấu. Hồi đó chưa có máy ảnh hay smartphone như bây giờ, thằng bạn tôi có cái áo mới được mẹ mua, chạy thẳng lên sân khấu xin các anh chị diễn viên ký vào.
Cả cái áo trắng tinh mà mẹ nó gom tiền từ việc nhặt quả trám rừng dành mua chẳng mấy chốc nhằng nhịt chữ ký. Đêm về, nó ôm chiếc áo đó ngủ rồi sáng ra lặng lẽ cất vào hòm, còn chẳng dám giặt.
Ngày nghỉ nó về, chiều Chủ Nhật lên mắt sưng húp. Hỏi chuyện mới hay, cu cậu trót mang áo về khoe với mẹ, mẹ tiếc cái áo trắng đẹp bị làm bẩn uýnh trận no đòn, ấm ức khóc nguyên ngày nghỉ.
Hồi đó chúng tôi thích văn công còn bởi sau mỗi dịp văn công về huyện, thị trấn lại nhiều đám cưới hơn, đám trẻ chúng tôi lại được dịp rình cổng nhà cô dâu, chú rể mà dập pháo cối, pháo đùng…
Sau này, mỗi lần gặp nhau, ôn lại cảnh cả đám trẻ nhếch nhác chạy đuổi theo đít xe mà hò hét: "Văn công, văn công… chúng mày ơi! Văn... công!", rồi hồng hộc thở, đám chúng tôi không khỏi nhìn nhau ngây ngốc mà tủm tỉm cười.