Kể chuyện làng: Nhớ vị tày lồng ệp quê nhà

Trà My Thứ tư, ngày 19/05/2021 17:00 PM (GMT+7)
Các anh chị về quê lên đều mang quà. Tôi cũng vậy, tôi không quên mang theo chiếc bánh tày lồng ệp do chính tay ông ngoại làm. Lúc nào ông cũng dặn: “Lên đấy nhớ chia phần cho các bạn, nếu muốn ăn thêm thì ông lại làm tiếp”.
Bình luận 0

Như mọi lần, dạo qua mấy khu hàng quán trên phố là tôi sẽ sà vào để tận hưởng những món ăn mà lúc trước ở quê tôi từng ao ước có một lần được đánh chén. Vậy mà hôm nay lại khác, tôi cứ đi ra đi vào để lục tìm một thức quà và tôi phát hiện rằng nó không có. Cái bánh mà tôi vẫn thường quen miệng gọi là "bánh bò". Bánh này rán lên vào lúc mưa lạnh ngon cứ gọi là hết sảy.

Kể chuyện làng: Nhớ vị tày lồng ệp quê nhà - Ảnh 1.

Tày lồng ệp cắt nhỏ dễ thưởng thức.

Bánh bò chỉ là cách tôi gọi cho gọn và cũng bởi nó có màu nâu vàng đặc trưng giống màu da con bò. Nó có tên gọi dân dã là "tày lồng ệp". Đọc lái đi có thể là "bánh tài lộc". Ngoài ra cũng có thể gọi bằng nhiều tên khác: "bánh tổ, hay xì lồng cấu". 

Mấy cô bán hàng kể lại rằng bánh này có nguồn gốc từ người Hoa rồi sau đó được người Sán Dìu sinh sống ở khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) làm theo. Món ăn nhanh chóng trở thành đặc sản hấp dẫn của vùng này. Nó được xem là quà vặt dễ ăn, giá rẻ mà nguyên liệu cũng rất gần gũi.

Kể chuyện làng: Nhớ vị tày lồng ệp quê nhà - Ảnh 2.

Bánh hấp chín để nguội, đặc sản vùng than Quảng Ninh (ảnh sưu tầm).

Để làm ra được một chiếc bánh tày lồng ệp khá kì công. Cho đủ hỗn hợp đường nâu, gừng tươi thái lát mỏng và gạo nếp, gạo tẻ vào chung một nồi. Tỉ lệ ba phần gạo nếp bảy phần gạo tẻ. Sau đó thì đổ thêm một ít nước và trộn đều. Đặt hỗn hợp trên bếp và liên tục quấy đều đến khi cảm thấy nặng tay tuyệt đối là không đun sôi. 

Bắc nồi xuống là lọc qua mảnh vải hoặc rây để tách gừng ra khỏi hỗn hợp. Đó là cách làm bánh mà các cô bán hàng làm để lấy thành phẩm còn khác với trước kia, bột nhào bằng tay. Khi bột không còn dính tay nữa mới coi như hoàn thành nửa quá trình làm bánh. Dùng lá chuối để đặt bánh lên, lúc bánh chín sẽ có hương thơm dịu của lá. 

Công đoạn cuối cùng đó là hấp chín bánh. Nếu bánh mỏng thì từ 6-8 tiếng còn giày bánh khoảng 12 tiếng. Trong khoảng thời gian đó sẽ đi rang vừng. Muốn biết bánh đã chín thì đặt một chiếc que tre vào giữa bánh, nếu que khô ráo thì thành công. 

Rắc vừng và để qua một đêm bánh sẽ ngon hơn. Với nhiều người thì sẽ ăn luôn bánh nhưng tôi thường đem những chiếc bánh đã cắt mỏng rán với mỡ. Ăn như vậy bánh sẽ thơm và đậm vị hơn. Bên ngoài vỏ bánh giòn trong mềm dẻo rất dễ ăn.

Kể chuyện làng: Nhớ vị tày lồng ệp quê nhà - Ảnh 3.

Chiếc bánh tày lồng ệp phủ vừng với kích thước lớn.

Vào những ngày mát trời, mấy chị em trong xóm lại lúi húi xuống bếp thổi lửa, rán bánh. Tôi nhớ như in cái mùi khói bếp xộc thẳng vào cánh mũi cay xè. Thỉnh thoảng bồ hóng nhuộm đen vạt áo nhưng cũng rất vui vì tâm trạng sắp được ăn tày lồng ệp. 

Bánh vừa đem xuống chẳng cần đợi qua một đêm, chúng tôi xúm xó bốc vội vàng lên ăn. Vừa thổi vừa ăn, cắn được một miếng bánh thôi mà ngỡ như đắm chìm vào sự ngọt dịu, thanh thanh. Vị bùi của vừng, vị thơm của đường làm cho chúng tôi nhìn nhau rồi gật gù khen ngon. 

Ngày ấy, có được một miếng bánh để ăn rất quý vì lúc đó mọi thứ đều thiếu thốn. Chiếc tày lồng ệp với khách du lịch còn hấp dẫn hơn bởi họ nói rằng duy chỉ ở vùng này mới có bánh tày lồng ệp thôi. Họ mua về làm quà cũng nhiều. 

Ăn một lần rồi lại tới lần hai, lần ba. Hương vị của tày lồng ệp khiến người ta cứ nhớ và nhắc mãi. Ngay chính tôi đôi khi còn thèm thuồng giữa thành phố hoa đèn. Tưởng chừng như cái gì cũng có nhưng rồi cuối cùng tôi mới biết ở đây thiếu một thứ, thứ ấy gọi là vị quê nhà.

Kể chuyện làng: Nhớ vị tày lồng ệp quê nhà - Ảnh 4.

Bánh ngon hơn khi cắt miếng nhỏ chiên lên (ảnh sưu tầm).

Thấm thoát cũng gần hai năm tôi đi học xa nhưng lúc nào những món ăn tuổi thơ cũng làm tôi nhớ nhất. Có rất nhiều thức quà vặt ngon hơn, lạ miệng hơn mà sự lựa chọn của bản thân vẫn chỉ có mộtQuả nhiên khi tôi mới vừa đem túi bánh ra mời mọi người trong phòng, các bạn đã không ngần ngại và thưởng thức rất nhiệt tình. 

Có đứa bông đùa: "Trước cứ nghĩ quê cậu có nhiều hải sản mà không nghĩ bánh tày lồng ệp này là đặc sản đâu". Tiếng cười lại được dịp vang lên trong căn phòng, hình ảnh này lại làm tôi nhớ đến lúc nhóm lửa, làm bánh hồi đó. Lúc mà còn là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ.

Ông ngoại tôi rất khéo làm những món ăn vặt cho các cháu: kẹo lạc, bánh khoai, bánh sắn,… nhưng với tôi bánh tày lồng ệp vẫn xếp vị trí đầu tiên. Mấy lần về quê, tôi bỏ cơm để ăn mỗi bánh. Đến khi no căng thì ông đưa cho cốc nước chè xanh. 

Ông bảo ăn nhiều ngọt rồi uống cái này vào để cân bằng vị mà lại không sợ ngán. Vị ngọt thanh của bánh với một chút chát của nước chè hoà quyện với nhau thật khó quên. Vào mùa mưa, ngồi lai rai vài miếng tày lồng ệp, nhâm nhi chén nước trà thì thật sự rất hạnh phúc. Ngồi nghe ông kể chuyện người xưa. Hai ông cháu tôi cứ vậy mà gắn bó với nhau suốt năm tháng kia.

Ngày nay, bánh tày lồng ệp không chỉ là thức quà quê mà còn được mang ra cúng tổ tiên vào các dịp lễ, Tết. Giá trị của chiếc bánh như được nâng lên, cũng có thể là biểu tượng truyền thống của một vùng quê nói riêng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

 


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem