Theo khảo sát, giá thép trong nước đang có xu hướng giảm. Các nhà cung cấp cho biết giá thép trong tuần này đã hạ nhiệt, các thương hiệu thép như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức… đang ở vùng giá từ 17 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã giảm tối đa khoảng 1 triệu đồng/tấn so với lúc đỉnh điểm và quay về vùng giá đúng 1 tháng trước.
Cụ thể, giá thép cuộn Hòa Phát CB240 trên thị trường hiện ở mức từ 17,2 triệu đồng/tấn, thép cây D10 CB300 giá 17,05 triệu đồng/tấn tùy vùng. Cũng hai loại thép này, Công ty thép Việt Đức báo giá lần lượt là 17,25 triệu đồng/tấn và 17,18 triệu/tấn.
Pomina bán thép cuộn CB240 từ 16,75 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 17,2 triệu/tấn cho hai thị trường miền Trung và miền Nam. Còn thép Việt Đức, giá mã CB240 từ 17,2 triệu đồng/tấn, mã D10 CB300 từ 17,18 triệu đồng/tấn tùy vùng.
Như vậy, sau khi liên tục "lên đồng" và đạt đỉnh 18,3 triệu đồng/tấn trong nửa cuối tháng 5, giá thép trong nước đã giảm từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tùy loại và thương hiệu.
Tuy nhiên, hiện giá thép vẫn nằm ở vùng trên 17 triệu đồng mỗi tấn và cao gấp rưỡi so với thời điểm quý III/2020.
Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của thép hiện nay là quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite. Đa phần các loại nguyên liệu này đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, giá các nguyên liệu quan trọng nhất là quặng sắt trên thế giới đang có xu hướng giảm.
Tại sàn giao dịch Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 9 hôm 8/6 còn 173 USD/tấn, mức thấp nhất từ đầu tháng 6. Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại thị trường Singapore giảm 2%, còn 190 USD/tấn. Giá các nguyên liệu khác để sản xuất thép cũng giảm 0,5-1,3%, tuỳ loại.
Trong văn bản "cầu cứu" Chính phủ và các Bộ ngành khi giá thép tăng đột biến, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định các nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản bởi thép chiếm từ 20-30% tổng giá trị dự án.
Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị các Bộ ngành sớm kiểm tra nguyên nhân, đồng thời, cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.
Vấn đề giá thép tăng nhận được sự quan tâm lớn của người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Thời gian qua, có thông tin về việc đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn giá thép. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Quỹ bình ổn mặt hàng thép là phi thị trường và bất hợp lý bởi thép không nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ không đề xuất, kiến nghị thành lập Quỹ bình ổn giá thép.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã yêu cầu VACC và một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn, rà soát, xem xét các vấn đề liên quan nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu lớn trong nước, tăng nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu lớn và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.