Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp lỗ sấp mặt, đồng loạt kêu cứu

Trần Đáng – Trần Khánh Thứ ba, ngày 01/06/2021 12:31 PM (GMT+7)
Không chỉ giá thép tăng dựng đứng, giá cát xây dựng cũng tăng 100%; nhiều chủ thầu, doanh nghiệp xây dựng đang thua lỗ nặng, đồng loạt kêu cứu.
Bình luận 0

Giá thép tăng dựng đứng

Những năm trước, doanh nghiệp cơ khí Tư Hùng của ông Phạm Văn Hùng ở huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) chế tạo máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp không ngớt tay.

Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm thấp, đặc biệt sau ảnh hưởng các đợt Covid-19. Đầu ra sản phẩm gặp khó khó khăn, người dân càng ngần ngại đầu tư thiết bị cơ giới.

Ông Hùng tâm sự, gặp khi giá thép đang tăng cao vút như hiện nay, sản phẩm cơ khí làm ra không biết bán cho ai. Không có khách đặt hàng, cơ sở cũng không dám mua thép về chế tạo.

Doanh nghiệp cơ khí Tư Hùng cho thợ nghỉ việc từ đầu năm tới nay

Doanh nghiệp cơ khí Tư Hùng cho thợ nghỉ việc từ đầu năm tới nay

Trước đây cơ sở thường xuyên duy trì từ 3-4 thợ cơ khí. Giờ không có đơn hàng sản xuất mới, họ xin về quê làm ruộng. Cơ sở sản xuất, nhìn từ trước ra sau không một bóng người.

"Năm ngoái, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu đơn hàng thì Covid-19 năm nay khiến doanh nghiệp gặp khó vì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đúng lúc thị trường đang có dấu hiệu hồi phục", ông Hùng nói.

Không có đơn đặt hàng thì "ngồi chơi xơi nước", với các nhà thầu xây dựng mới dở khóc dở cười.

Ông Võ Xuân Túc, chủ thầu xây dựng nhà dân dụng ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) than thở: Đau đầu nhất là các công trình đã lỡ nhận bao thầu trọn gói. Vì khi thầu công trình, giá cả đã tính vào gói thầu. Nay giá vật liệu xây dựng tăng thì chủ thầu phải gánh.

Đầu năm, giá một cây thép xây dựng (13x26) khoảng 160.000 đồng/cây thì nay đã lên 240.000-250.000 đồng/cây. Chưa kể giá cát, đá, gạch trang trí cũng tăng. "Chủ thầu đã khó lại càng thêm khó", ông Túc than.

Giá thép liên tục tăng, vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp. Ảnh IT

Giá thép liên tục tăng, vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp. Ảnh IT

Ở huyện Long Thành (Đồng Nai), công ty Diệp Nam Phương là đơn vị chuyên nhập thép không rỉ (inox) phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Bà Võ Trương Thị Hồng Nhung - Phó giám đốc Công ty Diệp Nam Phương cho biết, mặt bằng nguyên vật liệu từ sắt, thép, nhựa... đều tăng rất cao. Trong khi đó, sức mua của thị trường sụt giảm rất nhiều.

Các công trình không thể triển khai thực hiện. Một số công trình đã được duyệt mức đầu tư ban đầu nhưng giá đội lên từ 20-30%. Thậm chí có những mặt hàng tăng 50% nên các công trình đó buộc phải đứng lại hết.

"Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án của đối tác bị đình trệ. Doanh thu của Diệp Nam Phương Nam không tăng thêm mà còn giảm hơn 30% so với cùng kỳ", bà Nhung cho biết.

Thầu công trình nhà nước cũng "khóc ròng" vì giá thép tăng dựng đứng

Tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng nai), công trình Trường mầm non số 1 do Công ty CP Đầu tư xây dựng 493 trúng thầu xây dựng đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.

Theo ông Nguyễn Bảo Trung - Giám đốc công ty 493, thời điểm ký hợp đồng vào cuối năm 2020, giá thép chỉ ở mức khoảng 11.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thép đã tăng lên mức hơn 20.000 đồng/kg.

Nếu ước tính ban đầu, chi phí mua thép xây dựng trường mầm non chỉ vài tỷ đồng thì nay tăng lên mức hơn 10 tỷ đồng.

Công trình xây dựng bờ kè sông Bảo Định (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đang đình đốn do doanh nghiệp xây dựng gặp khó bởi giá vật liệu tăng cao.

Công trình xây dựng bờ kè sông Bảo Định (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đang đình đốn do doanh nghiệp xây dựng gặp khó bởi giá vật liệu tăng cao.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh Tiền Giang đã viết đơn kêu cứu đến UBND tỉnh để xem xét điều chỉnh đơn giá các dự án đầu tư xây dựng.

Trong đơn, đại diện doanh nghiệp cho biết, từ cuối năm 2000 đến nay, hầu hết các loại vật tư xây dựng trên địa bàn đều tăng giá rất mạnh. Cụ thể, giá thép tăng 50-60%, xăng tăng 33%, dầu diezen tăng 36%...

Theo đó, giá thép hơn 19.500 đồng/kg. Sắt công nghiệp (thép tấm) là 26.500 đồng/kg; tăng 7.000 đồng/kg so với đầu năm. 

Đặc biệt, giá cát xây dựng tăng 100%. Cụ thể, thời điểm này cát san lấp là 220.000 đồng/m3, cát xây dựng hơn 300.000 đồng/m3.

Ngoài ra, giá nhân công lao động thực tế cũng tăng hơn nhiều so với giá dự toán quy định của UBND tỉnh.

Không chỉ giá thép tăng dựng đứng, giá cát xây dựng cũng tăng 100%.

Không chỉ giá thép tăng dựng đứng, giá cát xây dựng cũng tăng 100%.

Thực tế, việc tăng giá vật liệu, nhân công đã làm phát sinh nhiều chi phí tại các dự án có đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh. Đồng thời, còn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.

Năm 2021, tỉnh Tiền Giang phân bổ vốn đầu tư công cho 267 công trình cấp tỉnh quản lý với tổng nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, vốn đầu tư công giải ngân chỉ đạt 29% kế hoạch.

Hiện, nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn rất khó triển khai vì nhà thầu lo ngại giá vật liệu còn tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh xem xét điều chỉnh đơn giá vật liệu từ tháng 11/2020 đến nay cho phù hợp với mức giá thị trường.

"Có nhiều gói thầu mà doanh nghiệp chúng tôi phải gánh mức giá thị trường quá cao dẫn đến thua lỗ nặng. Gần đây, một số gói thầu triển khai đấu thầu nhưng các doanh nghiệp ngần ngại tham gia do sợ thua lỗ khi trúng thầu", đại diện một doanh nghiệp xây dựng thổ lộ.

Theo ông Nguyễn Bảo Trung- Giám đốc công ty 493, với hợp đồng đã ký kết theo hình thức trọn gói, giá vật liệu tăng cao thì doanh nghiệp vẫn phải "gồng mình" để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo hợp đồng ký kết.

"Tuy nhiên, nhà thầu vẫn mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, có các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp", ông Trung đề nghị.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguồn cung thép trong nước vẫn dồi dào, không lo thiếu hàng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, giá thép có thể sẽ tăng đến hết quý III/2021.

Hiện, VSA đã có kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ trì xây dựng và sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép. Qua đó đảm bảo ổn định thị trường thép nội địa, tránh tình trạng các nhà thương mại đầu cơ găm hàng, trục lợi từ việc tăng giá thép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem