Giá thép tăng tiếp nửa triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại, vì sao?

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 12/05/2021 16:37 PM (GMT+7)
"Cơn sốt" giá thép chưa dừng lại, giá thép tăng thêm nửa triệu đồng/tấn trong hôm nay. Vì sao giá thép tăng chóng mặt?
Bình luận 0

Chiều 12/5, thông tin từ các nhà thầu, cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thép vừa báo giá thép tăng "sốc" khoảng 500.000 đồng/tấn. Thời gian áp dụng từ hôm nay (12/5) cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể, thép Hòa Phát thông báo thép cây và thép cuộn các loại tăng 500.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT); thép Việt Đức phân phối thép cây và thép cuộn các chủng loại VGS cho thị trường miền Trung và miền Bắc tăng 500.000 đồng/tấn, riêng thép cây D10 các chủng loại VGS tăng thêm 600.000 đồng/tấn.

Sau khi tăng, giá thép xây dựng sắp chạm mốc 18 triệu đồng/tấn, tương ứng mức tăng gấp rưỡi so với thời điểm quý III/2020. Với mức tăng này, các nhà thầu xây dựng đều kêu trời và cho biết có nguy cơ phá sản.

Vì sao giá thép tăng chóng mặt?

Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép lớn cho biết doanh nghiệp đã rất nỗ lực ổn định giá bán trên thị trường thời gian đây. "Tuy nhiên, giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng. Vì vậy, để đảm bảo giá bán sản phẩm phù hợp với chi phí đầu vào, công ty phải điều chỉnh tăng giá bán", vị này phân trần.

Giá thép tăng tiếp nửa triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại, vì sao? - Ảnh 1.

Giá thép tăng tiếp nửa triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giải thích về việc giá thép tăng chóng mặt, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng do ngành thép trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thế giới. Gần đây, giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến đã đẩy giá thép trong nước vọt theo.

Cụ thể, nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất thép hiện nay như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… đa phần đều phải nhập khẩu.

Trong các nguyên liệu đầu vào trên, quặng sắt là nguyên liệu chủ yếu để luyện thép. Việt Nam cũng có trữ lượng sắt, nhưng Bộ Công Thương cho hay trữ lượng quặng sắt của Việt Nam dự báo chỉ khoảng 1,3 tỷ tấn tập trung tại hai mỏ Thạch Khê và Quý Xá.

Trong đó, mỏ sắt Thạch Khê (trữ lượng khoảng 544 triệu tấn), đã dừng hoạt động từ năm 2011; mỏ sắt Quý Xa (124 triệu tấn), sau khi hết giấy phép khai thác vào cuối năm 2020, hiện một số cơ quan chỉ thống nhất cấp phép lại với công suất 900.000 tấn/năm, phục vụ đủ cho nhà máy Gang thép Lào Cai. Do đó, dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao trong năm nay.

Bộ Công Thương dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, Cục Công nghiệp cũng cho hay do dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài, chi phí logistics tăng cao là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Giá thép tăng do đầu cơ?

Tuần trước, giá quặng sắt tại Trung Quốc lần đầu tiên vượt mức 200 USD/tấn. Tuy nhiên, hôm 10/5, kỷ lục này tiếp tục bị phá vỡ. Trên sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên - một trong những sàn giao dịch quặng sắt lớn nhất Trung Quốc, giá quặng sắt với hợp đồng giao tháng 9/2021 vọt lên cao nhất, hơn 206 USD/tấn, hợp đồng giao ngay cho Trung Quốc cũng ở mức 212 USD/tấn.

Giá các nguyên liệu khác để sản xuất thép cũng tăng mạnh. Đơn cử, giá than luyện cốc tăng 7% lên 318 USD/tấn, giá than cốc tăng 5,5% lên 464 USD/tấn. Còn sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 6 cũng tăng hơn 10% lên hơn 226 USD/tấn. 

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng do Covid-19 dần tạm lắng, các nền kinh tế trên toàn thế giới, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ đang vực dậy sau dịch bệnh đẩy nhu cầu thép tăng mạnh. 

Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng nhận định năm 2021, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6% nên nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.

Nhu cầu thép tăng cao khắp thế giới, trong khi những công ty khai thác lớn trên toàn cầu bị cản trở bởi một số vấn đề hoạt động và nguồn cung quặng sắt bị thắt chặt. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, bởi đây là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang thực hiện một loạt biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát công suất sản xuất thép vì lo ngại vấn đề môi trường, đẩy nhu cầu sắt lên cao trong khi nguồn cung không thể dồi dào như trước.

Tuy nhiên, chuyên gia của các sàn giao dịch hàng hóa cũng lưu ý bên cạnh giá nguyên liệu đầu vào tăng thì không loại trừ yếu tố đầu cơ của các nhà sản xuất thép, bởi khi giá tăng vọt, một số nhà máy đã ngừng mua nguyên liệu, trì hoãn sản xuất và giao hàng. 

"Giá quặng sắt và thép tăng vọt chủ yếu được thúc đẩy bởi những giao dịch đầu cơ", nhà phân tích Wu Shiping của Tianfeng Futures nhận định trên Reuters.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021. Tuy nhiên, hiện mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh rằng giá thép có thể tăng hết quý III/2021, trước tình hình đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem