Làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội nổi tiếng bao đời nay với nghề làm giò chả tiến vua. Thời phong kiến, của ăn đã khó mấy ai nghĩ đến cao lương mỹ vị như giò chả, vậy mà những người con của ngôi làng cổ này đã dày công tìm tòi để có được công thức riêng, tạo nên mùi vị đặc biệt của giò chả để tiến vua.
Những năm giữa thập niên 80, khi tôi mới chỉ là một cậu bé 15 tuổi đã biết đạp xe thồ kem đi muôn nơi để bán. Và, những ngôi làng giàu có thường được tôi ghé vào nhiều, ở đó trẻ con có tiền, chúng thường được ăn vặt không như làng tôi, trẻ con còn "bận" ra đồng mò cua, bắt ốc lem luốc cả ngày. Ước Lễ có cái cổng làng rất tuyệt, cổ kính và đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn còn tồn tại y nguyên đến ngày nay, mà cứ hễ nhìn thấy cái cổng là kỷ niệm ngày nào cứ ùa về trong tôi.
Vào một buổi trưa hè oi nóng, tôi bóp kèn "toe toe" inh ỏi đường làng Ước Lễ để báo động cho lũ trẻ con ra mua kem, kèn ngày ấy thường được làm từ chai nhựa, chai nước rửa bát rồi chế thêm mõm kèn, buộc dây chun chặt là có thể kêu to.
Bọn trẻ, đứa có tiền thì ào ra ngay, đứa không có thì đứng mút tay thèm thuồng. Kem ngày ấy tôi lấy ở chợ kem Trương Định (quận Hoàng Mai bây giờ), kem đựng trong túi nilong, có túi nước cam, túi nước nếp cẩm, túi nước đỗ tương... và có một ít kem que. Kem được ủ lạnh trong thùng gỗ, vùi giẻ kín nếu không sẽ rất nhanh tan thành nước, một buổi chợ kem mà không bán hết thì chỉ có... về tự mút lấy.
Đứng ở gần đó, một người đàn ông có vẻ như đang say rượu bế một em bé, tay cầm quạt phe phẩy. Em bé khóc rất to đòi kem, còn ông bố không thể nào dỗ dành được, trước mặt em bé là bọn nhóc đang tận hưởng những que kém mút mát lạnh, ngọt lừ. Tôi vô tình cứ bóp kèn liên tục, mồm rao "kem đê, kem đê" làm em bé càng khóc to hơn. Có lẽ người bố không có tiền trong túi nên chỉ biết cố dỗ dành con mà chẳng hề "xi-nhê" ra mua kem.
Người đàn ông bỗng nhẹ nhàng đặt đứa bé xuống, bất thình lình chạy đến đuổi đánh "thằng bán kem". Tôi vội vã bỏ của chạy lấy người, thục mạng chạy đến đầu làng Ước Lễ, nơi có một hào nước khá sâu, gần bị tóm tôi liền nhảy xuống nước bơi, thì gã đàn ông nhảy xuống theo rồi chúng tôi vật lộn nhau dưới nước. Cuộc vật lộn diễn ra chừng mười phút, cuốn theo cả đám thanh niên làng đến xem, cổ vũ náo loạn.
Hồi đó, tôi vẫn chỉ là một thằng nhóc làm sao có thể chống lại sức của một người đàn ông trưởng thành, lại còn đang có hơi rượu. Tôi bị xếch cổ đến một cái giếng cạn, sâu chừng hai ba mét, ông ta vứt tôi xuống đó rồi liên tục nói rằng "dám chọc tức tao à, con tao đã quấy thì chớ rồi còn cứ kem mới mút", lúc đó tôi mới biết rõ nguyên do mà mình bị ăn đòn, rượt đuổi mấy vòng làng Ước Lễ.
Ở một làng xa lạ, lại còn trẻ con, chẳng biết cầu cứu ai, tôi lì đòn đứng mãi dưới giếng đợi thời cơ lên. Tuy vậy, người đàn ông vẫn cứ chầu chực gần đó mà không cho tôi lên, ông ta còn "chén" hết chỗ kem của tôi. Dưới giếng lâu, tôi rét run lên cầm cập, tưởng chừng không thoát được nạn này thì bỗng có quý nhân đến giúp, chẳng ai khác là mẹ nuôi của tôi sau này.
Bà đã cố nài nỉ gã đàn ông kia, rồi kêu mấy cụ cao niên đến để dọa ông ta cùng đám thanh niên nhà. Cuộc đấu thuyết diễn ra hồi lâu, cuối cùng, gã đàn ông kia mới hỏi "bà là gì của nó mà xin cho nó", bà mới trả lời rằng "tôi là mẹ nó", gã hắng lại "mẹ gì, mẹ đẻ hồi nào", bà đáp "mẹ nuôi, bây giờ nuôi, tôi phải cứu con tôi". Vậy là gã phải chấp nhận lùi bước, để bà và một vài người đưa tôi lên khỏi giếng.
Bà có cái tên rất hay – bà Đồ, thường gọi là bà Đồ Thiệp. Bà nổi tiếng đẹp nhất làng Ước Lễ khi đó, bà cao khoảng 1m70, khuôn mặt phúc hậu, hàm răng trắng đều. Tuy vậy, số bà không được suôn sẻ khi lấy làm hai, có duy nhất một người con trai.
Bà dẫn tôi về nhà, tắm rửa sạch sẽ, cho bộ quần áo mới, cho ăn sau cả ngày bị bỏ đói. Nhà bà làm nghề giò chả nên có điều kiện, hơn hẳn gia đình cố nông của tôi lúc bấy giờ. Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ trở thành con nuôi của một nhà giàu như thế, chỉ dám coi bà là ân nhân cứu mạng. Nhưng điều đó lại là sự thật, bà quý mến tôi thực sự chắc bởi vì bề ngoài chất phác của tôi chứ không chỉ đơn thuần để giải cứu khỏi gã đàn ông kia, thế là tôi bỗng dưng có thêm mẹ trong chính lúc gian nan nhất.
Bà đưa tôi về tận nhà tôi cách đó chừng sáu bảy km. Thấy gia đình tôi đông con, nghèo khó, tôi là anh cả phải lao động cực nhọc nuôi thêm các em, bà càng thương tôi hơn. Sau này, hễ bà đi đâu ngang qua nhà tôi bà đều ghé vào thăm và cho đủ loại thức ăn, quà bánh. Bà hơn mẹ đẻ tôi cả chục tuổi, và hai người vẫn như chị em hết sức tình cảm. Bà còn có ý dạy cho tôi nghề làm giò chả nhưng tôi không tài việc này nên đành bỏ lỡ.
Số bà đến già vẫn khổ. Một ngày gần Tết cách đây hơn chục năm, bà bắt xe ôm từ nội thành Hà Nội về quê Ước Lễ, gần về đến nhà, trên đoạn đường gần nhà tôi, chẳng may xảy ra tai nạn rồi qua đời, bác xe ôm may mắn không bị thương. Khi đó, sức khỏe của bà vẫn còn rất tốt, minh mẫn nhưng ra đi lại rất nhanh và vô định.
Bà mẹ nuôi của tôi bỗng dưng tôi có và cũng bỗng dưng mất đi, tôi với bà tuy không phải ruột thịt nhưng là có duyên với nhau để làm mẹ con. Ân tình của bà mãi mãi tôi khắc ghi, và câu chuyện ngày đó tôi vẫn thường kể cho con cháu tôi nghe, để chúng biết trân trọng những cơ duyên, ân tình đến bất ngờ trong cuộc sống, thấy được cuộc sống thật tươi đẹp với những giá trị nhân văn sống mãi.
Giờ, cả làng, thậm chí cả quanh vùng tôi sống vẫn còn một xe kem mút duy nhất của một người đàn ông tên Bưởi. Vẫn tiếng kèn "toe toe" đó, vẫn xe thồ thùng gỗ, kem mút – kem cốc, mũ cối – dép tông làm tôi nhung nhớ một thời đã qua cũng như kỷ niệm về mẹ nuôi tại làng Ước Lễ.
*Bài viết ghi theo chuyện kể của ông Nguyễn Văn Luyện, thôn Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.