Năm 2003, Nhà nước ta thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La ở huyện Mường La, người dân lúc bấy giờ phải chấp nhận rời quê hương gắn bó hàng ngàn đời để thực hiện nhiệm vụ. Đây là việc làm rất khó khăn bởi họ vốn quen với cuộc sống ở Mường La. Trò chuyện với chị Biêng, chị kể rằng: "Trong kí ức của chị hình ảnh người đi kẻ ở bịn rịn, chị được ăn bữa cơm cuối cùng với họ trên nền nhà đã dỡ, mọi người nghẹn ngào không nói lên lời".
Mỗi hộ di chuyển đều được hỗ trợ tiền theo nhân khẩu. Nhà chị Biêng có tất cả 5 người, chị Biêng là út nên hầu như không suy nghĩ nhiều như anh chị của mình. Gắn bó với Mường La ngót 10 năm, đối với chị thì đó là một kỉ niệm khó quên, diễn ra thật tốt đẹp trong cuộc đời người con gái đang tuổi ăn tuổi học.
Nếu có buồn thì vô hình chung nỗi buồn ấy là nỗi nhớ quê hương, chị bảo: "Xa quê buồn thật đấy nhưng khi nào có cơ hội thì sẽ về một chuyến thăm bà con, hàng xóm bên đó. Việc di dân khiến mọi người thật khó chấp nhận ngay nhưng chị cảm thấy đây là lần đầu tiên trong cuộc đời chị có kỉ niệm với mọi người, cùng nhau thu vén, cùng nhau sửa soạn. Chị không phải lo toan như những năm tháng sau này". Tuổi thơ của chị gắn chặt với hai chữ Mường La, chị coi Mường La chính là khúc ruột của mình.
Chị Biêng là người coi trọng và yêu quê hương, chính những điều nhỏ bé ấy thôi cũng đủ khiến cho miền Tây Bắc này vốn lạnh giá trở nên ấm áp hơn. Chị tâm sự với tôi từ chuyện nhà cửa, chuyện di dân tới cả những câu chuyện ngoài bản Dọi. Nhưng có lẽ đằng sau mỗi lời kể của chị còn chứa đựng một điều khó nói, tôi nghĩ chính là góc khuất tâm hồn với cuộc sống thực tại.
Nỗi buồn bản Dọi
Địa điểm người dân Mường La chuyển tới là bản Dọi thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi đây cách Mường La khá xa, khoảng 120 cây số. Mới đầu chuyển về đây mọi người thật sự khó thích nghi. Họ quen nhịp sống bên Mường La, quen với việc làm nương, trồng ngô, trồng đỗ, sang bên này ban đầu vụ ngô cũng thuận lợi nhưng sau dần hiệu quả kém nên trồng cây mận, cây chè.
Công việc bắt nhịp còn chậm nhưng việc học tiếng Kinh mới khó. Chị Biêng cho hay: "Sống ở Mường La ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Thái, ở bản Dọi có giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Kinh, muốn hiểu nhau phải học tiếng Kinh chứ không còn cách nào".
Chị Biêng biết nói tiếng Kinh, không chỉ nhằm mục đích giao tiếp mà còn hiểu được ngôn ngữ phổ thông. "Có lúc khách du lịch tới thăm bản Dọi, ghé vào để tham quan, mua những chiếc khăn piêu về làm quà mà không biết cách trả lời họ cũng ngại lắm" - chị Biêng nói rồi cười.
Những chiếc khăn piêu xanh đỏ kết hợp với các họa tiết mang nhiều nét nghĩa đặc trưng mà chị Biêng cầm trên tay rất đẹp, những tiếng cười của lũ trẻ trong bản phát ra cũng thật vui tươi nhưng vẫn không thể nào xua đi câu chuyện buồn mà người phụ nữ gốc Mường La sắp kể dưới đây.
Tôi mạn phép hỏi chị chuyện kết hôn, trầm ngâm một lúc chị run run kể: "Chị không nhớ mình lấy chồng năm bao nhiêu tuổi, sau kết hôn anh chị có một bé gái, đến năm nó tròn 3 tuổi thì chồng chị mất do lao động nghề nghiệp khi đang đi xây cất ở thủy điện Mường La".
Tôi chợt nghĩ thật ra việc chị không nhớ mình kết hôn năm nào giống như việc chị đã trải qua quá nhiều tổn thương mà quên mất đi những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Con gái nhỏ của chị năm nay vào lớp một, chị bảo cuộc đời chị là chuỗi bi kịch dài, biến cố cứ chồng lên nhau ghì xuống đôi vai nhỏ này. Chị rất lo sợ cho tương lai của con gái nhỏ của mình.
Chồng chị mất khoảng một năm thì chị quyết định đi thêm bước nữa để cho con gái nhỏ cảm nhận được tình thương của cha, cũng là để làm nóng trái tim đã nguội lạnh của chị. Nhưng mọi mong muốn của chị đều thất bại. Sống với người chồng thứ hai, chị không nhận được bất cứ sự giúp đỡ và hỗ trợ cùng chị xây dựng tổ ấm. Anh thay đổi rất nhiều sau khi về ở chung: say xỉn, không chịu làm việc thậm chí có lần chị còn thấy anh sử dụng ma túy.
Chị nghĩ rằng tương lai của mình không thể phụ thuộc vào một người đàn ông như vậy. Thời điểm chị Biêng ly hôn cũng là lúc đứa con thứ hai của chị chào đời. Đau xót hơn khi chính chị tận tay đem con cho người khác nhận nuôi khi em bé mới chỉ vừa tròn 9 ngày tuổi.
"Chị làm mẹ nhưng không có khả năng nuôi con, chỉ có cách như thế thì con chị mới được sống đầy đủ, hạnh phúc với gia đình họ. Mỗi đêm khi bầu ngực cương lên, chị lại nhớ đến con, nước mắt trào ra nhưng nỗi đau ấy không đau bằng việc phải cắt lìa máu mủ của chính mình" – chị Biêng nghẹn lời.
Tôi hỏi liệu có bao giờ chị sẽ nói ra sự thật rằng chị là mẹ đẻ của con không thì nhận được câu trả lời im lặng. Chị không kìm lòng được khi nhắc đến đứa con, chị không dám nói ra điều đó bởi sợ ảnh hưởng tới cuộc đời đang yên bình của con.
Khi lớn lên nếu con hiểu chuyện và có ý định tìm đến chị sẽ vẫn ở đây còn không thì chẳng thể ép buộc được, chị là người tự nguyện đem con cho nhà họ rồi. Công sinh không bằng công dưỡng, bên ấy người ta nuôi nấng và giáo dục con chị tốt là chị mang ơn nhiều lắm.
Tôi biết ở trên vùng cao chị Biêng không phải là người mẹ duy nhất phải mang con cho người ta nhận nuôi, không phải người duy nhất suy sụp trong chuyện hôn nhân, cả cuộc đời dài như vậy nhưng chưa bao giờ mặc lên mình chiếc váy cưới.
Mất mát có, khổ cực có nhưng người phụ nữ có sức sống nội tâm lớn. Sự nhiệt thành và chân tình của chị khiến cho người đối diện cảm thấy rất gần gũi. Cái nét mộc mạc toát lên như đại diện cho vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc: tự nhiên, mạnh mẽ.
Trao đổi với chị gái của chị Biêng, cô Ban tâm sự: "Biêng sống được mọi người thương, bên ngoài hòa đồng nhưng bên trong nhiều nỗi niềm lắm. Ai thân cận hỏi chuyện mới biết chứ chẳng bao giờ chịu chủ động nói với ai, ngày trước vô tư bao nhiêu thì bây giờ nhạy cảm bấy nhiêu".
Những câu chuyện mà chị Biêng kể ra không phải để mọi người thương cảm hay lấy nước mắt của bất kì ai, chia sẻ của chị cho người ta thấy được phụ nữ ở miền núi nếu không muốn chịu thiệt thòi thì phải tự biết phát triển bản thân. Những va vấp và đổ vỡ của ngày hôm nay chính là bài học cho ngày sau. Không thể cúi mình xuống mà sống một cuộc đời buồn rầu mãi được…
Hy vọng chưa bao giờ tắt
Chị còn cô con gái nhỏ - tài sản vô giá và là động lực khiến chị nỗ lực hàng ngày. Chị làm việc chăm chỉ, ai thuê làm việc gì chị đều sẵn sàng nhận hết, không muốn để con gái đi lại những bước chân của chính mình. Làm theo cách nào đó để có tiền cho con học hành đến nơi đến chốn, làm những điều mà không phải thấy hối hận như chị của những năm tháng ấy.
Từ lúc về bản Dọi, biết được hoàn cảnh của chị nên mọi người ai cũng động viên, giúp đỡ, ngoài chỗ dựa là gia đình chị còn có những người bạn, những người hàng xóm bảo vệ chị trước những lời nói không hay. Ở trong bản Dọi xa xôi ấy chứa đựng tình người ấm nóng, những con người tha hương sống nương tựa vào nhau, mọi nỗi buồn đều được thu hẹp lại để nhường chỗ cho niềm vui, niềm tin.
Ngày tôi rời Mộc Châu về Hà Nội cũng là lúc nhận được vài dòng tin nhắn: "Chị không ra Thủ đô nữa, chị lên Tuyên Quang xin việc rồi, không có gì thay đổi thì tuần sau chị đi làm luôn, có dịp thì về lại bản Dọi thăm chị nhé!"
Bác Vì Văn An – Trưởng bản Dọi cũng cho biết: "Chị Biêng là một trong số những người ở bản có hoàn cảnh đặc biệt, trải qua hai lần đò nhưng đều thất bại. Đem con cho người khác nhận nuôi là điều khó chấp nhận nhưng ai cũng đều quý chị ấy bởi tính cách và con người thật thà của chị ấy".
Câu chuyện mà người phụ nữ bản Dọi tự kể lại có lẽ sẽ không phải là câu chuyện "có một không hai", nhưng ở bản Dọi và chứng kiến những điều ấy thì người ta mới có thể hình dung hết những cơ cực, những góc khuất đằng sau. Những người phụ nữ, đặc biệt như chị Biêng cần được quan tâm, được lắng nghe và thấu hiểu.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.