Thảo Nguyên
Thứ tư, ngày 02/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Từ mót lúa, mót khoai... đến "hôi" cá tôi đều là đứa tiên phong trong làng. Lý do duy nhất để tôi quên hết nỗi thẹn, vác bị ra đồng mót đủ thứ là vì hoàn cảnh.
Mùa nào thức ấy, cứ hễ thấy nhà ai gặt lúa là tôi lại xách theo cái bì lội giữa ruộng để cắt những bông lúa còn sót lại sau khi gặt. Đến mùa khoai lang lại dò tìm, bới đào những củ còn nằm lại do chui sâu trong lòng đất. Đi mót ngày mùa đã để lại những kỷ niệm khó quên của một thời nhỏ dại.
Những củ khoai được "mã hóa"
Hơn 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đi mót vẫn luôn trong tâm trí tôi, một người con sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An).
Là chị cả, sau còn 5 đứa em, bố thì những năm tháng ấy mắc chứng đau lưng, bước đi lò cò, hầu như không làm được việc nặng. Để có tiền nuôi gia đình, mẹ tôi quần quật làm đủ công việc. Cứ 3,4 giờ sáng lại lọ mọ dậy, chuẩn bị đồ đạc rồi chạy ra đồng đặt rớ lấy tép đi bán để mua thuốc cho chồng, đong gạo nuôi con.
Ruộng đồng ít, do đó chuyện thiếu ăn dường như luôn thường trực trong gia đình tôi. Thiếu gạo đến mức, chị em tôi chỉ khao khát được một lần ăn cơm trắng không trộn khoai, sắn.
Khi lên tầm 8, 9 tuổi, tôi ý thức được việc mình phải phụ giúp bố mẹ bằng cách đi mót. Mùa nào thức ấy, khi thì mót lúa, lúc thì mót khoai lang... Những ngày đầu mới cầm bì ra đồng mót khoai, sợ đám bạn trêu nên tôi giấu kỹ đồ nghề. Cũng vì ngại nên tôi không dám đến ruộng của người quen trong làng. Thay vào đó, tôi chọn cánh đồng xa hơn, tìm đến ruộng của những gia đình làng bên, thấy nhà nào đang thu hoạch khoai là lân la đến. Vụ mót khoai sau đó bị lộ, nhóm bạn cũng hào hứng xin "hành nghề" cùng.
Mùa thu hoạch khoai lang, gia chủ người thì cắt trụi phần dây lang, người dùng cuốc, cày lật tung luống khoai lên. Việc dỡ khoai tuy đơn giản, nhưng nói như các cụ, ăn cơm còn có lúc vãi, nữa là đào khoai từ dưới đất sâu! Khoai sót lại trong quá trình thu hoạch, như một điều bất khả kháng, chính là món quà mọn nhưng không thiếu ngọt ngào mà trời muốn để riêng phần tôi và đám bạn cùng đi mót.
Mắt đứa nào cũng tinh như mắt chim cắt, đảo ngang đảo dọc soi mói từng ụ đất, từng mầu sắc lạ, từng mầm cây… để phát hiện khoai sót. Và cho dù những củ khoai có ẩn mình kĩ đến đâu, cho dù chúng cùng màu với đất ruộng, hay đôi khi chỉ nhô lên mặt đất một tí đầu bé tẹo… thì cũng khó mà qua khỏi hàng những cặp mắt hau háu của lũ trẻ.
Việc mót khoai được nhiều hay không còn phụ thuộc vào được mùa hay mất. Nếu thửa ruộng ấy nhiều khoai, củ to thì những đứa đi mót như chúng tôi còn được chủ nhà cố tình để lại một ít. Nhưng ruộng nào khoai mất mùa thì ngày hôm đó xem như chỉ mót được mấy củ lằng nhằng.
Vui nhất là những lần đi mót khoai được con trai của chủ nhà cố tình dẫm một vài củ khoai to xuống để tôi "mót". Khi tôi không biết, người con ấy còn ra hiệu, chỉ vị trí củ khoai đã được "mã hóa". Lúc đó, tôi mừng rỡ trong lòng, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh để người lớn không phát hiện. Vậy là, buổi mót khoai hôm ấy ngoài những củ khoai con con, còn có mấy củ khoai to như bàn tay. Về nhà, tôi liền khoe chuyện đó cho mẹ với niềm tự hào.
Những củ khoai ấy sau đó sẽ được mẹ tôi phân loại, củ to thì để dành phần người ăn, củ nhỏ như ngón tay sẽ nấu cho lợn, gà ăn. Nhìn mớ khoai hỗn độn được mẹ cẩn thận phân chia, lòng tôi dâng trào hạnh phúc vì nghĩ mình đã giúp đỡ cha mẹ phần nào.
Hết mùa khoai, lại đến vụ mót lúa. Lúa vụ chiêm ở quê tôi thường được cấy cày ở các thửa ruộng sâu. Mùa gặt lúa chiêm, lội xuống ruộng vào buổi trưa đúng là "nước như ai nấu chết cả cá cờ", còn nắng đốt trên đầu cùng với gió Lào như muốn thiêu cháy tất cả. Nhưng ngán nhất lại là những con đỉa "mén", đỉa "trâu" chỉ cần không để ý nhìn xuống mặt nước chốc lát đã thấy ngứa nơi cổ chân. Bao nhiêu là nguy hiểm, ấy thế mà tôi vẫn lội xuống đám ruộng đã được gặt gần xong để tìm những bông lúa bị sót.
Đảo mắt thật nhanh, chân lội cũng phải thật nhanh khi nhìn thấy những bông lúa còn sót lại. Nhưng khoái nhất là khi nhìn thấy những bông lúa bị đổ rạp xuống mặt nước mà liềm của thợ gặt không gom đến. Những bông lúa kiểu đó thường rất sai hạt và hạt lại rất mẩy. Đám trẻ đi mót như chúng tôi chỉ cần nhìn thấy những bông lúa nặng trĩu, mẩy hạt như thế là sướng rơn cả người, khoái chí vung tay hái thật nhanh. Sung sướng hơn cả là khi gặp được những chủ ruộng tốt bụng, họ thường cho chúng tôi cả một tay lúa gặt.
Mùa gặt dù vụ chiêm hay vụ mùa cũng chỉ diễn ra trong vài ba tuần nên ngày nào đi học về, ăn vội bữa trưa xong là tôi lại chạy ra đồng. Đi mót vụ chiêm tuy phải lội nước, đội nắng và bị đỉa cắn nhưng thường mót được nhiều hơn do lúa hay bị đổ. Còn đi mót vụ mùa thì sướng hơn nhưng lại mót được ít, một buổi nhiều lắm cũng chỉ được một vài cân vì lúa không bị đổ, lại mọc đều.
Dù mót được ít nhưng tôi vẫn thích vụ mùa hơn vì ruộng khô, trời nắng hanh, gió nhẹ, lội ruộng đi mót mà cứ như đi ngắm đồng lúa vàng rực đến nao người. Ruộng khô nên cái mùi thơm của rơm rạ, của hạt lúa cũng trở nên tinh khiết hơn, quyến rũ hơn chứ không bị cái mùi bùn lấn át như trong mùa gặt vụ chiêm.
Ngoài việc mỏi chân lội xuống ruộng mà người dân đã gặt xong hoặc đang gặt để kiếm tìm những bông lúa rơi rụng giữa ruộng, tôi còn có cách mót khác là dùng chiếc chổi rành cùn trơ để quét lúa đất. Đứa nào cũng "nhè" đến nơi các gia đình vừa chất lúa bông lên xe bò để chực chờ quét lúa rơi vãi. Dân quê tôi gọi đó là lúa đất.
Có hôm người đi mót còn nhiều hơn người đi gặt nên đám trẻ chúng tôi tranh nhau khu vực quét lúa đất. Nghĩ cũng tội nhưng tất cả đều vì chữ nghèo mà ra. Mà khi đã nghèo thì đi mót là cách kiếm sống vô cùng thực tế. Những cân lúa ấy được chúng tôi khơi phô, góp lại để cuối mùa đem đi bán lấy tiền mua bộ quần áo mới, đôi dép, có đứa thì góp để nộp tiền học năm sau.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.