Xác ướp "Tiên nữ băng Siberia"
"Tiên nữ băng Siberia" (Siberia Ice Maiden) hay còn gọi là "Công chúa Ukok" hoặc "Công chúa Altai Ochi-Bala" là xác ướp của một cô gái từ 20-30 tuổi, được phát hiện vào năm 1993 tại dãy núi Altai thuộc Siberia, Nga. Đây là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của xứ sở Bạch dương vào cuối thế kỷ 20.
Theo các nhà khoa học, chủ nhân của xác ướp "Tiên nữ băng Siberia" sống ở thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên và là một người có địa vị cao trong xã hội.
Ngoài ra, trong khi khai quật ngôi mộ, họ cũng tìm được nhiều hiện vật có giá trị cao được bảo tồn khá hoàn mỹ trong lớp băng vĩnh cửu. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu có thêm thông tin về nền văn hóa Pazyryk.
Những hiện vật được tìm thấy trong lăng mộ "Tiên nữ băng Siberia"
Khi cho đào sâu xuống một gò đất được xác định là mộ cổ, các nhà khảo cổ học người Nga đã tìm thấy căn phòng bằng gỗ bị đóng băng vĩnh cửu. Sau khi làm băng tan, họ đã thấy được quan tài của "Tiên nữ băng Siberia" được làm bằng gỗ thông rắn chắc. Ngoài ra, còn có 2 chiếc bàn nhỏ bằng gỗ và thịt ngựa, cừu đã được bày trên bàn.
Trên 2 chiếc bàn gỗ nhỏ trên, các nhà khoa học cũng tìm thấy cặn của một sản phẩm được làm từ sữa (có thể là sữa chua) được đựng trong bình gỗ có tay cầm và đồ dùng để khuấy sữa. Bên cạnh quan tài còn có thêm 6 xác ngựa bị đóng băng.
Khi mới được phát hiện, quan tài của "Tiên nữ băng Siberia" và những con ngựa đều quay đầu về hướng Đông. Đây chính là đặc trưng của nhiều nền văn hóa trên thế giới, bao gồm cả Ai Cập cổ đại và Pazyryk.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh PBS, Tiến sĩ khảo cổ học người Nga, Natalia Polosmak - người đứng đầu trong cuộc khảo cổ ở Cao nguyên Ukok vào năm 1993 - cho biết: "Người Pazyryk cho rằng, khi chết, họ sẽ đến một đồng cỏ trên núi để linh hồn của mình có thể tụ tập với những người Pazyryk khác. Trong khi đó, địa vị xã hội và tầm quan trọng của người phụ nữ trong nền văn hóa này được thể hiện qua việc hiến tế và chôn cất những con ngựa cùng với thi thể của cô ấy. Rõ ràng, đây là một người có địa vị lớn trong xã hội khi những con ngựa được chôn cùng đều có những đặc điểm cho thấy chúng là loại ngựa tốt khi còn sống".
Khi Natalia Polosmak và nhóm khảo cổ của cô mở quan tài, họ rất thất vọng khi thấy bên trong đã bị đóng băng hoàn toàn khiến mọi người không thể nhìn thấy rõ các đồ vật chứa bên trong đó. Vì vậy, nhóm khảo cổ quyết định dùng nước sôi để làm băng tan từ từ nhằm bảo vệ cho các hiện vật.
Sau khi băng tan, nhóm khảo cổ đã nhìn thấy một xác ướp và rất nhiều hình xăm trên cơ thể cô ấy. "Cánh tay trái, ngón cái phải và vai trái của xác ướp là những hình xăm tuyệt vời. Các sinh vật được xăm lên ở tư thế kỳ lạ và thực tế là chúng bị quay ngược 180 độ", - Smoot, một nhà nghiên cứu trong nhóm khảo cổ tiết lộ.
Cụ thể hơn, trên xác ướp "Tiên nữ băng Siberia", các nhà khảo cổ đã nhìn thấy hình xăm của nhiều loài hoa lạ. Bên cạnh đó, còn có không ít hình ảnh lộng lẫy của những sinh vật hùng mạnh như báo, sư tử, cừu và các sinh vật trong thần thoại gồm báo có cánh và chú hươu có mỏ chim ưng, gạc lớn.
Sau khi nhận được xác ướp "Tiên nữ băng Siberia’, cơ sở nghiên cứu ở Novosibirsk, Nga đã tiến hành làm các xét nghiệm DNA, quét MRI và thậm chí thực hiện tái tạo khuôn mặt của cô. Điều này giúp họ giải mã được nhiều câu hỏi khó liên quan đến cuộc sống cũng như nền văn hóa Pazyryk.
Cụ thể, các nhà khoa học đã khẳng định cô gái này chỉ có độ tuổi khoảng 20-30 trước khi chết. Tuy nhiên, cô đã mắc một số bệnh hiểm nghèo như ung thư vú và viêm tủy xương.
"Trong quá trình chụp ảnh các tuyến vú, chúng tôi phát hiện cấu trúc không đối xứng của chúng và sự bất đối xứng khác nhau của tín hiệu MRI. Đó là một khối u nguyên phát ở vú phải và các hạch bạch huyết ở trục bên phải có di căn. Khi mới hơn 20 tuổi, cô ấy đã mắc ung thư vú và căn bệnh này khiến cô ấy đau đớn tột cùng". Tiến sĩ Polosmak trả lời phỏng vấn với Siberian Times.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn khẳng định rằng, sau khi bệnh ung thư vú tiến triển đến giai đoạn cuối, "Tiên nữ băng Siberia" đã được các hầu cận của mình đưa đến Cao nguyên Ukok để chuẩn bị cho cái chết. Bởi vì, trong văn hóa của người Pazyryk, khi sắp chết, họ sẽ chọn những đồng cỏ sát núi để làm nơi yên nghỉ nhằm giúp linh hồn có thể hội hợp với những người Pazyryk đã chết khác.
Tranh cãi về xuất thân
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng, "Tiên nữ băng Siberia" có thể là một công chúa hoặc là người trong hoang thất. Tuy nhiên, sau đó họ lại nghĩ về việc cô có thể là pháp sư hoặc thầy cúng. Bởi vì, ngoài hình xăm hươu trên cơ thể thì các nhà khảo cổ còn tìm thấy một chiếc mũ len có đính vàng lá và thêu 15 loài chim khác nhau bên trên. Đây chính là những điểm đặc trưng của một pháp sư trong văn hóa Pazyryk vào thế kỷ thứ 5.
Ngoài ra, xét nghiệm DNA cũng giúp các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng, "Tiên nữ băng Siberia" có xuất thân từ người Pazyryk chứ không phải nền văn hóa Altai.
Tuy nhiên, các dân tộc Altai lại khẳng định rằng, "Tiên nữ băng Siberia" là tổ tiên của họ và yêu cầu các nhà khoa học phải mang xác ướp này về để chôn cất lại tại nơi đã tìm thấy.
Thậm chí, họ còn tin rằng, việc các nhà khoa học khai quật ngôi mộ đã khiến vùng Altai xảy ra nhiều thảm họa thiên nhiên. Trong đó, đáng kể nhất là vụ động đất mạnh 7,3 độ richter diễn ra vào năm 2003 khiến 8 người thương vong và thiệt hại khoảng 10,6-33 triệu USD.