Dân Việt

Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới (Bài cuối): Xây dựng chiến lược cho các sản phẩm chủ lực

Thiên Hương 15/06/2021 05:44 GMT+7
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tại vùng Đồng Tháp Mười gần đây cũng là vấn đề chung của vùng ĐBSCL. Do thiếu thông tin thị trường nên bà con thường sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, dẫn đến thường gặp rủi ro...

Không thể mãi đi "gỡ rối" cho từng cây…

Trước tình hình một số địa phương ở vùng ĐBSCL, điển hình là vùng Đồng Tháp Mười "nóng" lên chuyện bà con đào ao trên đất lúa để nuôi tôm, hoặc trồng cây ăn trái, ông Lê Thanh Tùng cho rằng việc chuyển đổi xảy ra khá phổ biến, chủ yếu là do nghề trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế thấp hơn so với một số cây - con khác. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, thiếu định hướng nên bà con thường sản xuất, chuyển đổi tự phát, chạy theo thị trường, trong khi thị trường thì mênh mông, khó dự đoán.

"Hôm nay có thể là vấn đề của cây mít, nhưng ngày mai có thể là cây sầu riêng, cây xoài hoặc một loại cây - con khác. Mà chúng ta không thể cứ đi "gỡ" từng cây được, giải pháp là xây dựng chiến lược lâu dài cho các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, với sự tham gia của các cơ quan, hiệp hội đoàn thể, doanh nghiệp…"- ông Tùng nói.

Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới (bài cuối): Xây dựng chiến lược cho các sản phẩm chủ lực  - Ảnh 1.

Nhiều hộ nông dân tại Long An đã chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái như mít Thái. Ảnh: Minh Tuệ

Cũng theo ông Tùng, hiện nay chúng ta đã bỏ quy hoạch mà chỉ xây dựng kế hoạch. Việc khoanh vùng này nuôi con gì, vùng nào trồng cây gì… là trách nhiệm của địa phương, đồng thời phải có dự báo sản lượng, ban hành các chính sách mang tính chất "cú hích" hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến nông sản nhằm giải quyết đầu ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã xác định nông nghiệp là một ngành kinh tế, vì vậy các cơ quan của địa phương cần xúm tay vào làm, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp đi lên chứ không chỉ là vai trò của ngành nông nghiệp nữa. 

Bên cạnh đó, cần khai thác, vận dụng vai trò của các HTX - thành phần kinh tế rất phát triển trong những năm gần đây và lực lượng trang trại. Các trang trại sẽ cùng HTX dẫn dắt các nông hộ cùng đi lên.

"Theo tôi, phía Hội Nông dân cũng cần tích cực hơn, mạnh mẽ hơn trong việc tư vấn, hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Hiện nay các chi hội nông dân phủ khắp các thôn bản, tổ ấp, bộ máy rất hùng hậu. 

Nên chăng giữa Hội Nông dân với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cần ký kết các nghị quyết liên tịch để cùng nhau giải quyết các vấn đề của kinh tế nông nghiệp. Giám đốc Sở NNPTNT cùng Chủ tịch Hội Nông dân sẽ giữ vai trò Tỉnh ủy viên, như vậy tiếng nói của Hội sẽ mở rộng hơn, thể hiện vai trò lớn hơn nhiều" - ông Tùng nói.

Trang bị thêm kiến thức thị trường cho nông dân

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để thích ứng với tình hình sản xuất mới, Bộ NNPTNT đã điều tiết diện tích sản xuất lúa theo từng vụ, với xu hướng chủ đạo là giảm trồng lúa ở những vùng không thuận lợi như dễ bị ngập úng, xâm nhập mặn. Và từ năm 2017 đến nay, vùng ĐBSCL đã giảm được gần 200.000ha gieo trồng lúa.

Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới (bài cuối): Xây dựng chiến lược cho các sản phẩm chủ lực  - Ảnh 2.

Tuy giảm diện tích gieo trồng, nhưng sản lượng lúa ở ĐBSCL vẫn ổn định quanh mức 24 triệu tấn/năm nhờ những bộ giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu như năm 2017, năng suất lúa bình quân chung toàn vùng là 5,7 tấn/ha/vụ, thì đến năm 2020 đã đạt 6 tấn/ha/vụ.

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, trong 3 năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL được đẩy mạnh. Chủ yếu bà con chuyển đổi sang các mô hình trồng lúa luân canh cây màu, hoặc trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản nước ngọt. 

So với chuyên canh lúa, việc luân canh cây màu trên đất lúa làm tăng thêm lợi nhuận cho nông dân từ 120 - 150 triệu đồng/ha, cây ăn trái tăng thêm lợi nhuận từ 350 - 400 triệu đồng/ha, thủy sản từ 20 - 25 triệu đồng/ha.

Để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây - con hiệu quả, giảm bớt tình trạng lúc được mùa dội chợ, lúc lại khan hiếm, theo ông Tùng, chúng ta cần thay đổi và trang bị thêm cho nông dân các kiến thức về thị trường, ký kết hợp đồng, trách nhiệm pháp lý, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong chuỗi liên kết để các bên cùng có lợi.

"Chúng ta chưa chú ý tới truyền dạy cho nông dân các vấn đề về thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, rồi hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ ra sao… Do trình độ của người nông dân có hạn, nên thời gian qua mới xảy ra các vấn đề sản xuất ồ ạt theo phong trào, chạy theo thị trường lúc giá cao, rồi bẻ kèo…" - ông Tùng nhận định.