Vựa lúa Đồng Tháp Mười sống cùng nỗi lo cây - con mới (Bài 3): Đào ao nuôi tôm bất chấp hệ lụy

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 12/06/2021 06:12 AM (GMT+7)
Mặc dù một số vật nuôi, cây trồng mới trên “vựa lúa” Đồng Tháp Mười bước đầu cho thấy đang đem lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng điều đáng lo ngại là hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp này đều do bà con làm tự phát, manh mún và thiếu tính bền vững.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch Hội Nông xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An) Phạm Minh Vương cho biết, hiện nay việc nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất lúa là do dân tự phát, chính quyền chưa quy hoạch.

Tự phát nuôi tôm trên đất lúa

"Bà con nông dân nuôi tôm tự học lỏm kinh nghiệm, kỹ thuật lẫn nhau chứ chưa qua tập huấn nuôi tôm gì cả. Hội Nông dân đã vận động bà con không được tiếp tục nuôi tôm nữa vì rủi ro rất cao" - ông Phạm Minh Vương cho biết.

Ông Ba Be (Nguyễn Văn Be) - lão nông tri điền tại thị trấn Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa) chia sẻ, thấy nhiều nông dân xã Tân Lập nuôi tôm thu lợi tiền tỷ rất ham. "Nhưng thấy cái kiểu nông dân muốn kiếm tiền tỷ mà nuôi tôm ẩu quá, tôi cũng sợ đổ nợ". 

Đang có hơn chục ha đất, nhưng ông Ba Be vẫn theo kiểu "ăn chắc mặc bền" là chia đất ra trồng lúa, nuôi cá đồng. "Miễn sao mỗi năm tôi kiếm được vài trăm triệu là được" - ông nói.

Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới (bài 3): Vẫn đào ao nuôi tôm bất chấp hệ lụy  - Ảnh 1.

Một vườn sầu riêng mới trồng tại Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trần Đáng

Sở NNPTNT tỉnh Long An đang có kế hoạch thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường thuần nước ngọt. Trên cơ sở này, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, định hướng nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt trong thời gian tới. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt đang thí điểm tại huyện Tam Nông.

Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa Nguyễn Văn Minh cho biết, huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 trường hợp nông dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép trên đất lúa, với tổng số tiền là 474 triệu đồng. 

"Phạt xong sẽ bắt dừng nuôi tôm. Nếu nông dân nuôi tôm tái phạm sẽ tăng mạnh mức xử phạt" - ông Minh nói. 

Được biết, đây không phải lần đầu tiên nông dân nuôi tôm ở vùng này bị phạt. Nhưng dù bị phạt, một số nông dân vẫn lén lút nuôi tôm vào ban đêm. Lực lượng quản lý ở địa phương quá mỏng nên không kiểm soát được. 

"Nguyên nhân là do lợi nhuận của bà con nông dân nuôi tôm quá cao. Mỗi vụ tôm, nông dân lời hơn 1 tỷ đồng/ha, nên nếu bị phạt nông dân vẫn... vui vẻ" - ông Minh chia sẻ.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi đúng hướng

Nhiều người dân xã Tân Lập cho biết, diện tích nuôi tôm càng bành trướng thì diện tích trồng lúa càng bị thu hẹp. Nỗi lo của họ không phải là không có cơ sở, bởi một khi đất đã nhiễm mặn thì không thể trồng được lúa hay các loại cây ăn trái khác. Có đất nhưng người dân không thể kiếm sống trên mảnh đất của chính mình.

Qua khảo sát, đa phần các ao nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải nên thải trực tiếp ra kênh hoặc môi trường sống. Về lâu dài, nguy cơ làm cho nước mặn và chất thải thấm sâu vào đất, nguồn nước, sẽ dẫn tới nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, ô nhiễm…

Theo ông Nguyễn Chí - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, để định hướng và phát triển bền vững cây trồng, vật nuôi ở khu vực Đồng Tháp Mười, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân trồng, nuôi những cây, con có hiệu quả kinh tế cao và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi đúng hướng. 

Đối với các vùng cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản đã được định hình tại các huyện sẽ tập trung đào tạo, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để tạo ra sản phẩm tốt nhất.

Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới (bài 3): Vẫn đào ao nuôi tôm bất chấp hệ lụy  - Ảnh 3.

Khu nuôi tôm nằm liền kề với các ruộng lúa tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Ảnh: Hoàng Nam

Song song đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường. Đặc biệt, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù cho từng địa phương...

Ông Lâm Văn Hồng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực thành lập HTX trồng cây ăn trái. Thông qua HTX sẽ liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, trong chỉ đạo chuyển đổi cây trồng của địa phương đã nhất quán dựa trên các nguyên tắc chỉ trồng cây ăn trái đã thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; chất lượng quả phải đạt như những vùng chuyên canh; phải có thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu. 

Trước mắt, huyện Tân Thạnh sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, như: Chuyển giao kỹ thuật canh tác cây trồng mới, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống đê bao có khả năng chống lũ… 

"Thực tế các mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái mang lại lợi nhuận cho nông dân khá cao" - ông Dũng đánh giá. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem