Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị giao ban tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5/2021 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021. Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị chức năng cần tập trung, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chức năng nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 về: Cải cách hành chính, quản lý quy hoạch - kiến trúc, quản lý đô thị…
Đáng chú ý, về quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cũng được Bộ Xây dựng chỉ đạo là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các Chương trình, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; đảm bảo an sinh xã hội. Theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; tổng hợp thông tin biến động thị trường bất động sản Quý II/2021…
Về quản lý vật liệu xây dựng, Bộ trưởng chỉ đạo nghiêm túc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng, Vụ Vật liệu Xây dựng cần theo dõi, bám sát giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng, kịp thời đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn… tránh tác động đến đầu vào của các ngành sản xuất khác và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.
Đặc biệt, về công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu rà soát, xây dựng Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục hoàn thiện công tác cổ phần hóa HUD và Vicem trên nguyên tắc phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đúng phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bảo toàn vốn nhà nước, không để thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Theo dõi sát tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để chỉ đạo kịp thời.
Được biết, tính đến hết năm 2020, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa thêm 7 Tổng Công ty, gồm: LILAMA, CC1, FICO, VNCC,COMA, IDICO và Sông Đà, nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 14/16 Tổng Công ty. Hiện đang tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với 2 Tổng Công ty còn lại là Tổng Công ty HUD và VICEM. Trong đó trọng tâm là hoàn thành phương án sử dụng đất và thực hiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp.
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng 7 công ty mẹ Tổng Công ty, gồm: LILAMA, VNCC, COMA, CC1, FICO, Sông Đà, IDICO tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa 6.358,9 tỷ đồng, chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 5.278,6 tỷ đồng.
Đối với công tác thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết, từ năm 2016 đến hết năm 2020, các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu đã thực hiện thoái vốn thành công tại 48 đơn vị với giá trị thoái 3.900,13 tỷ đồng, thu về 6.347,03 tỷ đồng.