Nhiều DNNN "hô biến" thành "gia đình trị" sau cổ phần hoá
Nhiều doanh nghiệp "hô biến" thành "gia đình trị" sau cổ phần hoá
Huyền Anh
Thứ sáu, ngày 04/12/2020 13:09 PM (GMT+7)
Cổ phần hoá đã và đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, tránh tình trạng thất thoát. Nhưng trên thực tế, hàng nghìn tỷ đồng tài sản đã thất thoát, nhiều DNNN sau cổ phần hoá thành công ty tư nhân, gia đình trị và ngân sách thì thất thu vì tài sản không được tính đúng tính đủ...
Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), từ năm 2016 đến nay có 177 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp là hơn 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 207.100 tỷ đồng.
Thực tế, mới chỉ có 38/128 doanh nghiệp (DN) thuộc danh mục thực hiện cổ phần hoá đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, đạt 28% kế hoạch.
Theo dõi quá trình cổ phần hoá tại Việt Nam, Hiệp hội Kế toán công chức Anh Quốc (ACCA) đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa chậm là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong xử lý tài chính, tài sản, nợ, xác định giá trị DN, giá trị phần vốn nhà nước...
Không chỉ tiến độ cổ phần hoá còn chậm, mà chất lượng cổ phần hóa cũng là vấn đề đáng lo ngại. Như việc xác định giá trị tài sản, giá trị thương hiệu không chính xác... từ đó dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Thậm chí, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.
Nhiều DNNN "hô biến" thành "gia đình trị" sau cổ phần hoá
Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong đã thẳng thắn nhìn nhận, thời gian gần đây, công luận rất bức xúc với những kẽ hở trong cổ phần hóa DNNN gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công. Một số cổ đông vốn là lãnh đạo DNNN trước cổ phần hoá đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm để mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế trong và sau khi cổ phần hóa DNNN, biến DNNN từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân – "gia đình trị".
Một thực tế khác không thể phủ nhận, theo ông Phong, đó là cả nước có hàng trăm trường hợp cổ phần hoá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DNNN, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá. Có những trường hợp tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu NSNN. Hay khi cổ phần hoá không thực hiện đấu giá và niêm yết trên TTCK và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước…
Vì vậy, ông Phong ước tính, có hàng nghìn tỷ đồng tài sản đã và đang bị thất thoát và NSNN thì thất thu do diện tích đất, mặt bằng kinh doanh, giá trị quyền sử dụng đất và các giá trị và lợi thế kinh doanh, các tài sản vô hình khác đã không được tính đúng, tính đủ hoặc định giá quá thấp…
Ông Phong dẫn chứng: Điển hình như Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (DN 100% vốn Nhà nước thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai khu đất hơn 30 ha đất ở xã Phước Kiển huyện Nhà Bè TP.HCM với giá chỉ 419 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2), trong khi mặt bằng giá thị trường là không dưới 2.000 tỷ đồng.
Hay như Hãng Phim truyện Việt Nam khi cổ phần hoá chỉ trị giá 0 đồng với lý do hãng phim này nợ tiền thuê đất nên "mất luôn" quyền giao đất.
Ngay như Ciputra ở Hà Nội áp giá thuê đất rất rẻ. Không ít trường hợp cổ phần hoá đã hình thành nên "tư nhân ngầm".
"Tất cả những hành vi này khiến Nhà nước thất thoát nhiều lắm", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Những lo ngại của TS Nguyễn Minh Phong đã được thực tiễn chứng minh. Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây, chỉ tính riêng 16 doanh nghiệp được kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá từ năm 2017 đến nay đã thấy nhiều sai sót.
Cụ thể, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước ở các doanh nghiệp này theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng. Đáng chú ý là có 2 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684,31 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước và sau cổ phần hoá có nhiều vấn đề tiêu cực, sai phạm liên quan đến đất đai và tài sản vô hình, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hoá, ảnh hưởng phát triển đất nước… Những sai phạm này được phát hiện ở 30 DNNN cổ phần hoá được kiểm toán, khiến giá trị vốn thực tế của nhà nước tại DN bị giảm tới 30.000 tỷ đồng.
Đến nay, theo TS Nguyễn Minh Phong, nhiều kẽ hở và tình trạng vi phạm pháp luật vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và chưa có giải pháp tổng thể hiệu quả để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa ngăn chặn lạm dụng, trục lợi trong quá trình cổ phần hoá DNNN.
Chống "chảy máu" tài sản công do nhóm lợi ích và trục lợi thế nào?
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, quá trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và có hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích, đặc biệt, kiên quyết chống "chảy máu" tài sản công do lợi ích nhóm và trục lợi các kẽ hở trong quá trình cổ phần hoá DNNN.
"Đặc biệt, trước nguy cơ diện tích đất của các dự án cổ phần hóa được định giá, cho khai thác, cho thuê hoặc bán với giá quá thấp, nhất là do tình trạng "chân gỗ", "quân xanh quân đỏ" trong công tác đấu giá và được tăng tốc bằng những khoản tiền "bôi trơn" khổng lồ, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước", vị này nhấn mạnh.
Hơn nữa, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Đồng thời, bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất, để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Việc định giá đất cũng cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất.
Cũng theo ông Phong, Nhà nước không cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần trong thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường….Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch.
Ngoài ra, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cần bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. "Làm được điều này sẽ bảo đảm ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, "ôm" lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất, cũng như quy hoạch của địa phương", ông Phong nhấn mạnh.
Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá như: Bổ sung hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động; Xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; Điều chỉnh lại số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.