Trang trại nuôi bò của ông Kiên cách nhà ở vài trăm mét, nằm giữa cánh đồng ở khu 5, thị trấn Tân Uyên.
Khi chúng tôi đến, ông Kiên đang lùa đàn bò vào chuồng. Trên dưới 50 con bò, to có, nhỏ có vừa được ông Kiên thả "đi chơi" đã "ngoan ngoãn" đi vào chuồng.
Trại nuôi bò của ông Kiên được xây dựng kiên cố, bài bản trên diện tích chừng 500m2, chia thành 3 dãy dài.
Bước vào trại nuôi trâu, bò của ông Kiên, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy lớp phân khá dày trên nền chuồng, song lại không hề bốc mùi hôi như ở các khu chăn nuôi khác.
Hỏi ra mới biết ông Kiên sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học rải trên nền chuồng nuôi trâu, bò.
"Tôi chủ yếu là nuôi bò, còn trâu thì số lượng không nhiều. Tôi dùng mùn cưa, trấu và ít men vi sinh làm đệm lót sinh học để rải nền chuồng. Làm theo cách này vừa khử được mùi hôi thối của phân trâu, bò vừa hạn chế được bệnh tật, giúp trâu, bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh" - ông Kiên bật mí.
Qua câu chuyện với ông Kiên, được biết: Trước đây, ông Kiên làm nghề buôn trâu, bò nên chuồng trại không rộng rãi, kiên cố như bây giờ.
Ngày này qua ngày khác, ông ngược xuôi khắp chốn tìm mua trâu, bò về bán kiếm lời. Khi đó, mỗi con trâu, bò bán ra thị trường, ông Kiên cũng kiếm được từ 1- 3 triệu đồng. Hai năm trở lại đây, ông Kiên mới mở rộng chuồng trại để nuôi trâu, bò nhốt chuồng với quy mô lớn.
"Chán cảnh suốt ngày phải đi lại vất vả để tìm mua trâu, bò về bán, tôi mới quyết định xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi trâu, bò theo hướng bền vững. Tôi đầu tư hơn 700 triệu đồng để làm chuồng nuôi và kho dự trữ thức ăn cho trâu, bò...".
Với suy nghĩ làm ăn lâu dài, nên ông Kiên chọn mua cả bò cặp, bò to, nhỏ, lớn bé, cứ thấy đẹp là mua về nuôi. Trong quá trình nuôi, con nào đẹp thì ông giữ lại nuôi sinh sản, con nào không thích hợp làm giống thì tôi bán ra thị trường...
Vốn tính cẩn thận, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Kiên không nuôi một loại bò mà chọn mua 3 giống bò: Lai sin, 3B, bò ta về nuôi.
Bò ta thì ông nuôi vỗ béo, còn bò lai sin thì nuôi sinh sản. Hiện trong chuồng nhà ông có tới 20 con bò 3B, chủ yếu là bò đực để lấy tinh phối với bò lai sin.
Ngoài thuê nhân công chăm sóc đàn bò mỗi ngày, ông Kiên thuê 1 cán bộ kỹ thuật phụ trách việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò lai sin. Ông Kiên dự tính sắp tới sẽ nhân đàn bò đẻ lên 100 con.
Vì nuôi với số lượng lớn nên ông Kiên đặc biệt quan tâm tới việc tiêm vaccine phòng các loại bệnh: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục... cho đàn bò.
Cứ định kỳ 6 tháng ông lại tiêm cho đàn bò 1 lần. Ông Kiên chỉ cho đàn bò ăn một loại thức ăn, đó là cỏ voi. Ông trồng gần 5ha cỏ voi để làm thức ăn cho chúng.
Chỉ tay xuống nền chuồng, nơi những con bò mập mạp, khỏe mạnh đang đứng, ông Kiên cho biết: "Tôi đổ bê tông toàn bộ nền chuồng và làm hệ thống cống ngầm chắc chắn.
Trước khi cho bò vào, tôi trải lớp mùn cưa trộn với trấu và men vi sinh dày khoảng 20cm. Cứ sau 15 ngày hoặc khi thấy bề mặt nền chuồng ẩm ướt, tôi lại rắc một lớp mỏng mùn cưa trộn với trấu và men vin sinh lên trên.
Nền chuồng nhờ đó lúc nào cũng khô ráo, sạch sẽ, không có mùi hôi. Nuôi với số lượng như hiện nay, thì mỗi năm tôi mới dọn chuồng 1 lần. Lượng phân đó tôi dùng bón cho nương cỏ voi và bán ra thị trường. Làm theo cách này, tôi có thể tiết kiệm được nhân lực dọn dẹp, vệ sinh sinh chuồng trại mỗi ngày và tận dụng được nguồn phân bò để bón cho cây trồng".
Từ đầu năm đến nay, ông Kiên bán ra thị trường trên dưới 50 con cả trâu và bò, với giá dao động từ 15 - 40 triệu đồng/con. Số tiền thu được từ bán trâu, bò ông Kiên dành phần lớn đầu tư mua thêm con giống để nhân đàn.