Quy mô nuôi ba ba gai của nhà ông Ngọc được đánh giá là lớn nhất, nhì huyện Sông Mã với 6 ao nuôi, tổng diện tích hơn 6.000 m².
Hiện, tổng sản lượng ba ba gai bố, mẹ và ba ba gai thương phẩm của nhà ông Ngọc có khoảng 7 tấn, con ba ba gai nhỏ cũng nặng 5-7kg; trung bình mỗi năm, đàn ba ba gai mẹ ấp nở hơn 10.000 con ba ba gai giống.
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi biệt thự 3 tầng bề thế, ông Ngọc phấn khởi nói: Năm 2020, giá ba ba gai thương phẩm và ba ba gai giống đều tăng.
Hiện, giá ba ba gai thương phẩm 600.000 đồng/kg, còn ba ba gai giống đang bán 230.000 đồng/con.
Ông Ngọc tiết lộ: "Trong năm, gia đình tôi đã bán được 10.000 con ba ba giống, thu được 2,3 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn lãi gần 2 tỷ đồng. Ba ba gai giống và ba ba gai thương phẩm Sông Mã chủ yếu tiêu thụ cho các hộ nuôi ba ba và các nhà hàng ở các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội...".
Ông Ngọc cho biết thêm, hiện ở huyện Sông Mã có con ba ba gai nặng tới 58 kg. Ba ba gai là loài ba ba to nhất trong các loài ba ba ở miền Bắc.
Ba ba gai thường có trọng lượng lớn, được người dân nuôi, sinh sản, có giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn ba ba trơn. Khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 8 hằng năm là mùa ba ba gai đẻ trứng và ấp nở.
Trong đó, thời ba ba gai kỳ đẻ rộ từ ngày trung tuần tháng 5 đến cuối tháng 6.
Ông Ngọc tự hào nói: "Thời kỳ hoàng kim nhất, giá bán 1 kg ba ba gai thương phẩm tương đương bằng 1 chỉ vàng và chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Người Trung Quốc rất thích ăn ba ba gai vì có diềm mai lớn, nhiều sụn, ăn rất ngon và nghe nói có giá trị dinh dưỡng tương đương với vây cá mập...".
Hiện nay, nhiều người đi du lịch Trung Quốc vẫn bắt gặp một số nhà hàng bán ba ba gai có ghi nguồn gốc ở huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La). Chính vì ba ba gai có giá trị như vậy, nên ông Ngọc đã đam mê và gắn bó với nghề nuôi ba ba gai.
Năm 2006, ông Ngọc đã sáng lập và làm Chủ tịch Hội nuôi ba ba gai Sông Mã với 23 thành viên. Hội nuôi 8 ha diện tích mặt nước, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn ba ba gai thương phẩm và 30.000 con ba ba gai giống.
Sau mô hình nuôi ba ba gai của ông Ngọc, ở huyện Sông Mã còn có gia đình ông Lê Trọng Khánh, bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu cũng là một trong nhiều hộ nuôi ba ba gai lớn ở đây.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Khánh cho biết: Năm 2006, bắt đầu nuôi ba ba gai, khi đó ba ba gai thương phẩm có giá 2 triệu đồng/kg vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.
Vì vậy thời điểm đó ông Khánh đã vay 1,5 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh Sông Mã đầu tư xây 4.500 m² ao và mua 500 con ba ba gai bố, mẹ về nuôi.
Đến năm 2011, lứa ba ba gai đầu tiên xuất bán, gia đình ông Khánh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Khánh vẫn duy trì nuôi 500 con ba ba gai bố, mẹ.
Mỗi năm đàn ba ba gai đẻ và ấp nở được 3.000 con ba ba giống. Năm 2020, gia đình ông Khánh đã bán được 230.000 đồng/con ba ba gai giống và xuất bán được 1 tấn ba ba gai thương phẩm với giá 600.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, ông Khánh đã thành lập HTX Hương Sơn với 13 thành viên; trong đó, có 10 thành viên chuyên nuôi ba ba gai được ông Khánh hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba gai và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Nghề nuôi ba ba gai ở huyện Sông Mã có lúc thăng, lúc trầm, nhưng đã giúp nhiều hộ dân làm giàu ngay trên vùng đất biên giới.
Để con ba ba gai được nhiều người biết đến, tiêu thụ ổn định và hướng tới xuất khẩu, các hộ nuôi ba ba gai huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) đang mong muốn xây dựng được thương hiệu ba ba gai Sông Mã. Đồng thời, tiếp tục liên kết nuôi ba ba gai đặc sản theo mô hình hợp tác xã, tạo sản phẩm hàng hóa, đáp ứng các đơn hàng lớn ở trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.