Tại tọa đàm "Mở rộng nguồn tiếp cận vaccine và trách nhiệm của nhà nước" do Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tổ chức ngày 19/6, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tăng tốc mua vaccine phòng Covid-19, thay đổi chiến thuật so với trước đây.
TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định Việt Nam đang đứng trước làn sóng dịch thứ tư khá nghiêm trọng. Đợt dịch mới nhất ghi nhận nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại các khu công nghiệp.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của vaccine Covid-19 hiện nay. Một cuộc khảo sát đăng trên The Lancet - một trong những tạp chí y học hàng đầu, cho thấy 98% người dân Việt Nam sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19, gần như mức cao nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ người được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam mới chỉ đạt 1,3% dân số.
"Điều này cho thấy chiến lược phòng dịch Covid-19 cần thay đổi, vaccine đóng vai trò quyết định trong chiến lược chống dịch của VN từ phòng thủ sang tấn công", TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định thời điểm này năm ngoái, các nước, trong đó có Việt Nam đều đang đàm phán vaccine Covid-19. Trong đó, nhà nước đóng vai trò chủ đạo tiếp cận, mua và cung cấp.
Thời điểm đó được cho là hợp lý để đảm bảo công bằng cho việc tiếp cận vaccine và làm sao để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, ông cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận phù hợp hơn. Ông đề xuất 3 giải pháp để sớm tiếp cận được các nguồn cung vaccine trên thế giới, mục tiêu có được 120 triệu đến 150 triệu liều.
Thứ nhất, ông cho rằng Chính phủ phải đi mua theo giá của thị trường hoặc cao hơn giá thị trường. Việc Việt Nam được các nước hỗ trợ là rất trân trọng nhưng theo chuyên gia, trong tình hình hiện nay cần có một thông điệp mới: Việt Nam có nguồn lực tài chính và sẵn sàng trả theo giá thị trường.
Ông cũng cho biết nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu đã khá đầy đủ vaccine, nên họ sẽ mở rộng bán cho các nước. Chấp nhận mua vaccine với giá thị trường sẽ sớm có được vaccine và giảm thiệt hại kinh tế.
"Thứ hai, không riêng Việt Nam, các nước như Philipines, Indonesia, Ấn Độ cũng đang cho phép tổ chức tư nhân vào cuộc tiếp cận nguồn vaccine. Để có được nhiều, cơ chế phải có phản ứng nhanh", ông Thành nói.
Chuyên gia đề xuất sớm hình thành cơ chế đàm phán 3 bên: Chính phủ - doanh nghiệp và nhà sản xuất vaccine, để giải quyết những rào cản hiện nay.
Thứ ba, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng ngoài các gói vaccine Covid-19 đã được cam kết hỗ trợ, Việt Nam cũng nên tính đến mua các loại vaccine khác, dù có giá cao hơn. Thậm chí, trong lúc này không phải chỉ đợi nữa, mà phải sát sao, quyết liệt với các hãng theo tinh thần mua với giá thị trường, trả giá cao.
"Với các giải pháp này, tôi tin rằng trong năm nay đầu năm sau là có được vaccine", chuyên gia khẳng định.
Về vấn đề hợp tác 3 bên: Chính phủ - doanh nghiệp và nhà sản xuất vaccine, trong việc đàm phán mua vaccine, các chuyên gia cho rằng sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.
Theo đó, khâu thủ tục sẽ mất nhiều thời gian nếu như Chính phủ đứng ra mua vaccine. Doanh nghiệp tư nhân sẽ giải quyết được các vấn đề này. Đồng thời, nhiều hãng vaccine hiện nay cho biết họ chỉ đàm phán với Chính phủ. Do đó, hợp tác 3 bên sẽ giúp việc tiếp cận, mua và mang vaccine về nhanh hơn.
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, nói thêm Bộ Y tế mở rộng các cửa tiếp cận vaccine. Bộ không giữ độc quyền nhưng phía doanh nghiệp, địa phương lại không nhiều chuyên môn để thẩm định vaccine.
Ông nhấn mạnh vaccine không phải là loại hàng hóa bình thường, do đó, Bộ Y tế vẫn phải đóng vai trò điều tiết, nhất là kiểm tra thời hạn sử dụng, không để có tình trạng quá hạn, nhập vaccine giả.
Ông đề xuất để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần ban hành quy định miễn trừ trách nhiệm cho các đơn vị này, nếu vaccine đảm bảo chất lượng nhưng xảy ra phản ứng phụ. Nếu có sự cố, Chính phủ đứng ra bồi thường.