Dân Việt

“Cái chết đen” hay là “vũ khí sinh học” thời Trung cổ?

Sputnik 20/06/2021 19:44 GMT+7
Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng, “cái chết đen” - đại dịch hạch kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người từng càn quét châu Âu vào giữa thế kỷ XIV đã phát sinh do một loại "chất độc đặc biệt gây bệnh dịch hạch".
“Cái chết đen” hay là “vũ khí sinh học” thời Trung cổ? - Ảnh 1.

Ý tưởng về nguồn gốc của những bệnh nhiễm trùng do con người tạo ra đã có từ lâu. Việc sản xuất chất độc và thuốc giải độc trong thời Trung cổ là cả một ngành công nghiệp, và các thử nghiệm trên người đã trở thành nguyên mẫu của nghiên cứu lâm sàng hiện đại.

Người biết thích nghi mới là kẻ sống sót cuối cùng. Những đại dịch kinh hoàng trong lịch sử nhân loại

Vụ đầu độc quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử

Có giả thiết cho rằng, “cái chết đen” phát sinh từ Đế chế Mông Cổ Golden Horde, từ đó qua Crưm và Constantinople bệnh dịch hạch bắt đầu lây lan với tốc độ đáng kinh ngạc khắp châu Âu dọc theo các tuyến đường thương mại.

Dịch bệnh đã bùng phát ở phía nam châu Âu vào năm 1347, sau vài năm đã bao phủ các bán đảo Balkan, Apennine, Iberia, khu vực Trung Âu, lãnh thổ các nước Pháp, Anh và Na Uy hiện đại. Đến năm 1351, trên thực tế không có một khu định cư nào không bị dịch hạch. Theo nhiều nguồn khác nhau, dân số châu Âu đã giảm 30-50%.

Khi đó mọi người không thể tin rằng, một thảm họa lớn như thế này lại có nguồn gốc tự nhiên. Người ta bắt đầu nói về "những kẻ đầu độc", thường đổ lỗi cho người Do Thái hoặc những người theo giáo phái Satan, đã phun rải chất độc dưới dạng bột để gây bệnh dịch, đầu độc nguồn nước, phủ tất cả các đồ vật bằng "thuốc mỡ gây bệnh dịch" chết người.

Những con đường lây lan bệnh dịch hạch ở châu Âu và Trung Đông trong những năm 1346-1353. Đường chấm chấm là biên giới ước lệ giữa công quốc Kiev và Hãn quốc Kim Trướng (còn gọi là Ulus Jochi; Altan Ord; Zolotaya Orda; Golden Horde), cấm không cho phép người theo đạo Thiên Chúa được đi qua. Mũi tên là các tuyến đường thương mại trên bộ và trên biển.

Các lập luận của những người theo thuyết âm mưu

Thật kỳ lạ, thuyết âm mưu vẫn đang được thảo luận cho đến ngày nay. Năm 1984, nhà động vật học người Anh Graham Twigg xuất bản cuốn “Cái Chết Đen: Thẩm định lại về mặt Sinh học” (The Black Death: A Biological Reappraisal). Sau đó, hai nhà dịch tễ học Susan Scott và Christopher Duncan xuất bản cuốn “Sinh học của Bệnh dịch” (Biology of Plagues) và Samuel K. Cohn, giáo sư nghiên cứu thời Trung cổ tại Đại học Glasgow, xuất bản cuốn “Cái chết đen được chuyển đổi” (Black Death Transformed).

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Yersinia Pestis gây ra, con người nhiễm vi khuẩn gây bệnh qua vết cắn của bọ chét nhiễm bệnh sống trên các loài gặm nhấm, chủ yếu là chuột, là vật trung gian truyền bệnh chính. Các nhà khoa học tin rằng, mầm bệnh từ động vật không thể sinh sản nhanh như vậy một cách tự nhiên.

Họ đã so sánh đại dịch thời Trung cổ với đại dịch thứ ba vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi 5 triệu rưỡi người đã chết. Các nhà khoa học ước tính rằng, vào thế kỷ 14 tình hình đã là tồi tệ hơn nhiều. Ví dụ, ở Ấn Độ, tại tâm chấn của Đại dịch thứ ba, dân số đã giảm 3%. Tỷ lệ tử vong rất lớn, nhưng vẫn không phải 30-50% như do Cái chết Đen.

Trong Đại dịch thứ ba, bệnh dịch đã lây lan với tốc độ khoảng 30 km mỗi năm, với Cái chết đen - 4 km mỗi ngày. Bọ chét - một yếu tố trung gian trong việc truyền bệnh dịch hạch - thích khí hậu ấm áp và ẩm ướt, vì vậy ngay cả ở Ấn Độ, tỷ lệ mắc bệnh thường giảm trong những mùa lạnh hơn. Còn vào thế kỷ 14, mùa đông khắc nghiệt ở châu Âu vẫn không giảm khả năng bị lây nhiễm.

Các triệu chứng của bệnh dịch hạch cũng không hoàn toàn trùng khớp. Các nhà biên niên sử thời Trung cổ viết về những người bị nhiễm bệnh dịch hạch ở cổ họng hoặc phổi, đau dữ dội ở vùng tim, ho ra máu, nôn ra máu. Bây giờ các triệu chứng như vậy hầu như không bao giờ xảy ra.

“Cái chết đen” hay là “vũ khí sinh học” thời Trung cổ? - Ảnh 2.

Đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu đã bùng phát vào năm 1346.

Lập luận quan trọng nhất là để lây nhiễm cho hàng chục triệu người trong một hoặc hai năm, phải có động vật chủ là những con chuột nhiễm bệnh và chúng phải di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc, những con chuột bị nhiễm bệnh hối hả phải đi ra mọi hướng, chết đi và cung cấp vô số những con bọ chét nhiễm bệnh. Có vô số trở ngại với kịch bản này. Ví dụ như không có mô tả nào về những con chuột chết nằm rải rác khắp nơi trên đường phố của các thành phố châu Âu. Và các nghiên cứu hoàn thiện công nghệ giám định ADN hài cốt các nạn nhân của đại dịch đã chỉ ra rằng, bộ gen của trực khuẩn dịch hạch gần như giống với bộ gen hiện đại.

Bệnh dịch hạch như một loại vũ khí sinh học

Trên thực tế, tác nhân gây bệnh dịch hạch từng được sử dụng như một loại vũ khí sinh học. Ở Trung Quốc cổ đại và châu Âu thời Trung cổ, xác động vật nhiễm bệnh như bò hay ngựa đã được sử dụng để gây ô nhiễm nguồn nước của đối phương, có các bằng chứng bằng văn bản về điều đó. Người Hung, người Turk và người Mongol cũng làm như vậy.

Theo một giả thuyết, đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu đã bùng phát vào năm 1346 sau cuộc bao vây pháo đài Kaffa của người Genova ở Crưm bởi Khan Janibek, đế chế Mông Cổ. Quân Mông Cổ đã bị thiệt hại rất nặng nề do binh lính mắc bệnh dịch hạch. Khi buộc phải rút quân, chỉ huy đội quân Mông Cổ đã ra lệnh sử dụng máy bắn đá bắn các xác chết vào trong thành. Không lâu sau, bệnh dịch hạch lây lan, giết chết hầu hết số người trong thành phố Kaffa. Nghiêm trọng hơn, những cư dân rời thành phố trên những con tàu đã vận chuyển bệnh nhiễm trùng đến Constantinople và nó trở thành đại dịch “Cái chết Đen”, lan khắp châu Âu, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Nhật ở Trung Quốc đã phát triển vũ khí sinh học dựa trên các chủng trực khuẩn dịch hạch mới có độc lực cao. Họ đã thực hiện những thí nghiệm trên tù binh, đã rải những trái bom chứa vi sinh vật gây bệnh dịch hạch ở một số tỉnh của Trung Quốc. Về mức độ tàn khốc, những thử nghiậm này vượt qua cả các thử nghiệm "lâm sàng" thời Trung cổ với các chất độc hại.

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên

Vào thời Trung cổ, chất độc đã được sử dụng rộng rãi – với tư cách thuốc chống các loài gặm nhấm cũng như để loại bỏ các đối thủ. Các loại thuốc chết người không chỉ được tạo ra bởi các thầy phù thủy và nhà giả kim, mà còn bởi những thầy thuốc. Trong cuốn sách "Thử nghiệm chất độc" được xuất bản gần đây, nhà sử học người Mỹ từ Đại học Tufts Alisha Rankin lưu ý rằng, trong thời đại đó không có luật hoặc hạn chế nào về việc sử dụng chất độc.

Các thầy thuốc đã tổ chức những buổi biểu diễn tại hội chợ - dàn dựng vụ đầu độc và chữa bệnh thần kỳ, và người ta xếp hàng để uống thuốc giải độc.

Tất nhiên, khi đó đã có những thí nghiệm trên người. Trong các kho lưu trữ của châu Âu có hơn một chục báo cáo về các thí nghiệm như vậy. Alisha Rankin viết về một thí nghiệm chất độc.

Năm 1524, Giáo hoàng Clement VII đã chuyển giao hai tội phạm bị kết án cho thầy thuốc của mình là Gregorio Caravita, để ông thử nghiệm thuốc giải độc cho aconite - một loài thực vật thuộc họ mao lương. Sau khi cả hai người ăn một miếng bánh hạnh nhân bị đầu độc bằng aconite, một người nhận được thuốc giải độc và sống sót, trong khi người kia đau đớn vật vã và chết.

Sau đó, các "nhà nghiên cứu" quyết định kiểm tra hiệu quả của “thần dược Caravita” đối với các chất độc khác. Dược sĩ của Giáo hoàng và một thượng nghị sĩ La Mã đã có mặt với tư cách "quan sát viên". Người đàn ông bị kết tội giết người được cho uống một hỗn hợp trứng sống, đường và thạch tín, và khi anh ta bắt đầu la hét vì đau đớn, thầy thuốc đã cho anh ta một loại thuốc giải độc. Đối tượng đã sống sót và sau đó làm nô lệ chèo thuyền trong phần còn lại của cuộc đời mình.

Theo yêu cầu của Giáo hoàng Clement VII, cả hai thí nghiệm đều được ghi chép cẩn thận. Hai tuần sau, các tác giả đã trình bày một báo cáo dài bốn trang mô tả chi tiết tác động của các chất độc và thuốc giải độc. Khi đó, nhiều người lo sợ bị đầu độc. Theo ý kiến của Giáo hoàng, một loại thuốc hữu hiệu trong tay các giáo sĩ sẽ giúp cải thiện lòng trung thành của giáo dân và sẽ khiến những người tin vào thầy phù thủy hơn linh mục quay trở lại nhà thờ.

Alisha Rankin cho rằng, đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên được ghi nhận chính thức. Trong cuộc thí nghiệm này có một "nhóm kiểm soát", các thầy thuốc đã tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức nhất định - tất cả những đối tượng đều bị kết án. Ngoài ra, cuộc thử nghiệm còn có sự tham gia của "những người tin kính" đã cầu nguyện cho thuốc giải độc phát huy tác dụng.