Ngày 2/7, siêu thị MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức) chính thức hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa hôm 29/6 vì một nhân viên bán hàng mắc Covid-19. Hiện hệ thống MM Mega Market tại TP.HCM gồm An Phú, Hưng Phú (TP.Thủ Đức), Hiệp Phú (quận 12), Bình Phú (quận 6) đang đón khách bình thường ở các điểm bán cũng như kênh mua hàng online.
Tổng thời thời gian tạm ngưng hoạt động của siêu thị MM Mega Market An Phú là 3 ngày để hoàn thành công tác khử khuẩn, truy vết, điều tra dịch tễ, gần như thấp nhất so với các siêu thị bị tạm ngưng hoạt động cũng do liên quan Covid-19.
Trước đó, hôm 30/6, siêu thị Aeon Tân Phú (quận Tân Phú) - một trong những siêu thị có diện tích lớn nhất tại TP.HCM, cũng đã hoạt động trở lại sau 5 ngày đóng cửa, do liên quan một trường hợp mắc Covid-19. Hiện các siêu thị Aeon tại TP.HCM vẫn đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một loạt siêu thị tại TP.HCM, trong đó có những điểm bán lớn đều phải tạm ngừng hoạt động do liên quan các ca mắc Covid-19. Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng việc tạm ngưng hoạt động để đảm bảo các yêu cầu phòng dịch là cần thiết, tuy nhiên, thời gian tạm ngưng kéo dài, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất sớm mở cửa lại các điểm bán liên quan ca mắc Covid-19, khi đảm bảo các điều kiện an toàn cần thiết.
Về vấn đề này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã hướng dẫn ban quản lý các siêu thị, trung tâm thương mại có liên quan ca mắc Covid-19 phải phối hợp cơ quan y tế xác định tất cả trường hợp có tiếp xúc bệnh nhân, để thực hiện cách ly y tế và vệ sinh khử khuẩn toàn địa điểm.
Theo HCDC, các điểm bán này có thể trở lại hoạt động ngay sau khi đã hoàn thành công tác vệ sinh khử trùng, đảm bảo nhân viên làm việc tại địa điểm này không có người đang trong thời gian phải cách ly y tế theo quy định.
Quy định này đã tháo gỡ khó khăn cho các siêu thị, bởi các hệ thống bán lẻ có thể tuân thủ hướng dẫn, sớm đảm bảo các điều kiện an toàn để rút ngắn thời gian tạm ngưng hoạt động.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Saigon Co.op cho biết ngay từ những ngày đầu giãn cách, Co.opmart,Co.opXtra là hệ thống siêu thị đầu tiên phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách ngay từ cổng để tránh tình trạng không đảm bảo giãn cách bên trong.
"Khi có thông tin có ca nghi nhiễm cần truy vết có liên quan đến siêu thị, các điểm bán này sẽ chủ động tạm dừng hoạt động và ngay lập tức phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa và sau đó khử trùng toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm nhân viên", đại diện Saigon Co.op cho biết.
Sau khi đủ tất cả các điều kiện an toàn, các siêu thị Co.opmart Xa Lộ Hà Nội, Bình Triệu (TP.Thủ Đức), Lý Thường Kiệt (quận 10), Phú Thọ (quận 11) đã nhanh chóng mở cửa hoạt động trở lại.
Với các siêu thị đang tạm phong tỏa như VinMart Thảo Điền, Tops Market An Phú (TP.Thủ Đức), các doanh nghiệp sở hữu đang khẩn trương hoàn thiện các điều kiện an toàn để sớm hoạt động trở lại phục vụ người dân.
Tính đến ngày 1/7, toàn TP.HCM có 93 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do liên các quan các ca mắc Covid-19 hoặc không đảm bảo điều kiện phòng dịch.
Không chỉ chợ truyền thống, chợ đầu mối Hóc Môn cũng đang tạm đóng, và dự kiến phải đóng đến ngày 15/7 mới được hoạt động trở lại vì dịch Covid-19 phức tạp. Một phần chợ đầu mối Bình Điền cũng phải ngưng kinh doanh.
Chợ tự phát đã được giải tán, 40% số chợ truyền thống phải tạm đóng, chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngưng hoạt động khiến lượng hàng về các chợ đầu mối tại TP.HCM giảm đáng kể, giá một số mặt hàng rau xanh tăng.
Thống kê của Sở Công Thương TP.HCM cho biết ngày 1/7, tổng lượng hàng hóa thiết yếu về chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức giảm 11% so với ngày 30/6, còn 4.593 tấn. Trong khi đó, nửa đầu tháng 6, tổng lượng hàng hoá trung bình về các chợ đầu mối khoảng 7.600 - 7.800 tấn mỗi đêm. Giá bí đao về chợ đầu mối tăng 1.000 đồng/kg, bầu tăng 1.000 đồng/kg, đậu cove trắng tăng 2.000 đồng/kg.
Sở Công Thương TP.HCM đã có công văn khẩn gửi UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện về vấn đề này, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bán ảnh hưởng đời sống người lao động.
Đối với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca lây nhiễm, lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu thực hiện ngay việc cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm… và các biện pháp khắc phục khác theo quy định của cơ quan y tế. Chủ động xem xét, đánh giá, triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động trở lại sớm nhất.
Trường hợp chợ buộc phải đóng cửa do không đảm bảo quy định, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, cần nghiên cứu rà soát các tiêu chí chưa đạt, không đủ điều kiện để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng hoạt động trở lại.
Trong thời gian chờ các chợ mở cửa hoạt động trở lại, các doanh nghiệp bán lẻ chủ lực của TP.HCM, doanh nghiệp bình ổn thị trường cũng được yêu cầu chủ động tăng cường các chuyến xe bán hàng lưu động, bán hàng theo đăng ký nhằm bù đắp một phần nguồn cung hàng hóa cho người dân, nhất là tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất.