TP.HCM: 93 chợ truyền thống đóng cửa vì Covid-19

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 01/07/2021 18:43 PM (GMT+7)
93 chợ truyền thống tại TP.HCM đóng cửa vì Covid-19, chiếm 40% tổng số chợ trên địa bàn. Sở Công Thương TP.HCM có công văn khẩn để giải quyết, đưa các chợ sớm hoạt động trở lại.
Bình luận 0

Theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương TP.HCM, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, đến nay đã có 93 chợ truyền thống tại TP tạm ngưng hoạt động. Toàn TP.HCM có 234 chợ truyền thống, số chợ tạm ngưng hoạt động đang chiếm 40%. 

Có thể kể đến một số chợ đang tạm đóng như: Chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Bình Thới (quận 11), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Tam Bình, Tam Hà (TP Thủ Đức), chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn); một phần chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), một phần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)…


TP.HCM: 93 chợ truyền thống đóng cửa vì Covid-19 - Ảnh 1.

Chợ Bình Thới (quận 11) là chợ kiểu mẫu phát thẻ đầu tiên tại TP.HCM cũng đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 30/6. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 1/7, Sở Công Thương TP.HCM đã có công văn khẩn gửi UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện về vấn đề này, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương.

Sở đề nghị các đơn vị nhanh chóng báo cáo tình hình hoạt động các chợ trên địa bàn. Đối với các chợ tạm ngưng hoạt động, các đơn vị cần thống kê rõ số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thời điểm ngưng hoạt động, lý do ngưng hoạt động; thống kê các chợ không đảm bảo các quy định, tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như dự kiến thời gian hoạt động trở lại.

Đối với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca lây nhiễm, lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu thực hiện ngay việc cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm… và các biện pháp khắc phục khác theo quy định của cơ quan y tế. Chủ động xem xét, đánh giá, triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động trở lại sớm nhất.

Trường hợp chợ buộc phải đóng cửa do không đảm bảo quy định, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, cần nghiên cứu rà soát các tiêu chí chưa đạt, không đủ điều kiện để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng hoạt động trở lại.

Riêng đối với các chợ không thể khắc phục do điều kiện khách quan, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện giao trách nhiệm cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn.

TP.HCM: 93 chợ truyền thống đóng cửa vì Covid-19 - Ảnh 3.

Một phần chợ Bà Chiểu đã ngưng hoạt động do liên quan ca mắc Covid-19. (Ảnh: Hồng Phúc).

Cùng với đó, liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thảo luận cách thức tổ chức, phương thức bán hàng, chuẩn bị nhân lực bố trí điểm bán hàng để triển khai thực hiện theo hướng bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước.

Sở Công Thương nhấn mạnh phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc, giao dịch để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại địa phương được thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Không được để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá trên địa bàn, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Trong thời gian này, Sở cũng khuyến cáo người dân không tụ tập đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, gây ra nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem