Clip: Cầu ngói Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) hơn 100 năm in bóng dưới dòng sông Ân.
Cùng với Chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam), cầu ngói Thanh Toàn ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)...cầu ngói Phát Diệm ở huyện Kim Sơn là một trong những cây cầu ngói cổ, có kiến trúc độc đáo nhất ở nước ta.
Cầu ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân, nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 30 km, cách thủ đô Hà Nội 120 km theo quốc lộ 10 về phía đông nam.
Là một trong những cây cầu cổ, có kiến trúc độc đáo nhất ở nước ta hiện nay. Cầu có dáng cong nhẹ, bên trên lợp ngói, hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim làm lan can rất chắc chắn.
Huyện Kim Sơn thủa sơ khai là vùng đất sình lầy ven biển, ông Nguyễn Công Trứ đã có công lớn nhất trong việc khai khẩn, mở rộng vùng đất này, ghi danh trên bản đồ Việt Nam năm 1829.
Công cuộc mở đất khai khẩn ấy diễn ra trong thời gian dài, cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, ông Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn.
Trong đó, dòng sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là công trình thủy lợi lớn nhất, được xây dựng trong nhiều năm. Đây là con sông chính cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu ruộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống dân sinh ở vùng ven biển tỉnh Ninh Bình.
Để thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân giữa hai bên bờ nam bắc, ông Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân.
Ban đầu cầu được dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, cầu rộng để người dân đi lại thoải mái. Do thời gian bị hư hại, đến năm 1902 cây cầu được thay thế bằng cây cầu ngói như ngày nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử, cây cầu ngói được chính quyền và nhân dân Kim Sơn quan tâm gìn giữ. Dù đã qua nhiều lần tu sửa nhưng cầu ngói Phát Diệm cơ bản vẫn giữ được hình dáng, kiến trúc như xưa, tạo thêm vẻ đẹp của dòng sông Ân và không gian nơi phố huyện.
Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Chiều dài của cây cầu này là 36m, chiều rộng là 3m. Phía hai bên đầu cầu có các bậc tam cấp, chỉ người đi bộ mới qua được cầu. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Các trụ, dầm, xà của cầu hoàn toàn bằng gỗ; bờ nóc hai đầu cầu có độ võng nhẹ, tạo dáng cầu thanh thoát, nhẹ nhàng.
Nhờ thiết kế này mà cây cầu ngói Phát Diệm mang một vẻ đẹp riêng, không giống bất kì một cây cào ngói nào khác, tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lại đẹp.
Hầu như trên bộ vì kèo cầu không có chạm trổ trang trí nào, chỉ có các đường gờ chỉ soi nhỏ, mộc mạc chân chất như người Kim Sơn.
Phần bờ nóc, bờ guột ở phía đầu cầu cũng chỉ được soi chỉ, trang trí bằng các đường triện đơn giản. Các đấu trụ trên bờ nóc tạo dáng má chai theo phong cách mỹ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.
Trải qua hơn 100 năm tuổi, mặc cho mưa gió, bão bùng, cầu ngói Phát Diệm vẫn giữ vững sự kiên cố, vững chắc và nét kiến trúc cổ xưa độc đáo.
Cây cầu đứng sừng sững hơn một thế kỷ, như một minh chứng lịch sử, chứng kiến sự thay đổi từng ngày ở vừng đất nơi đây.
So với Chùa Cầu Hội An và cầu ngói Thanh Toàn, cầu ngói Phát Diệm có dáng vẻ nhẹ nhàng và thanh thoát, thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt của người dân công giáo.
Đây được đánh giá là một trong những cây cầu hiếm thấy và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Đối với người dân Phát Diệm, cây cầu còn là nơi dừng chân nghỉ mát lúc người dân đi làm đồng về; nơi hội họp, vui chơi của con trẻ, nơi tìm về của những người con xa quê, nơi "Che cho em đường xa gánh chiếu, cho mẹ già đi chợ qua sông".
Từ bao năm nay, cây cầu không chỉ có chức năng giao thông, đối với người dân nơi đây nó như một mái đình cổ kính, hơn nữa lại là điểm dừng chân tránh mưa nắng, nơi đôi lứa hẹn hò, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Kim Sơn.