Cụ thể, một ngân hàng thương mại cổ phần mức tăng trưởng tín dụng cũ là 10,5% thì nay được lên 15%, tương đương tăng room thêm 4,5%.
Một ngân hàng thương mại cổ phần khác có hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu chỉ 8,5% cũng được chấp thuận nâng "room" tăng trưởng tín dụng lên 12,1%.
Ngân hàng khác thì được nới lên mức tăng trưởng từ 10% lên 14% như năm 2020 sau khi nhà băng này đã tăng trưởng tín dụng gần 10% trong 6 tháng đầu năm.
Ngân hàng được cấp room tín dụng ban đầu là 6,5%, nay cũng được nới lên 10,5%...
Thậm chí, theo tìm hiểu của Dân Việt có 1 ngân hàng còn được cấp room thêm tới gần 6%, lên tổng cộng 17,4% cho cả năm.
Được biết, các ngân hàng được nới room tín dụng hầu hết là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III.
Đồng thời, đây cũng là những nhà băng nằm trong nhóm tiên phong giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong suốt thời gian từ khi xảy ra đại dịch tới nay, cũng như đợt "vận động" hạ lãi suất gần đây từ cơ quan quản lý trong suốt thời gian qua.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, đồng thời không chủ quan với rủi ro lạm phát, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".
Cũng theo NHNN, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Thực tế, cầu vốn cải thiện nên một số nhà băng đã sớm sử dụng hơn phân nửa hạn mức tín dụng, thậm chí nhiều nhà băng đã sớm dùng cạn hạn mức tín dụng cả năm chỉ sau chưa đầy 2 quý kinh doanh đầu năm 2021.
Vì vậy, ngay từ đầu tháng 7 đã có tới hơn 10 ngân hàng đã đồng loạt gửi văn bản lên NHNN để xin room tăng trưởng tín dụng mới.
Mới đây, tại cuộc họp với 16 tổ chức tín dụng do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, các ngân hàng một lần nữa đề nghị, NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm.
Lý do được các ngân hàng đưa ra, đó là tăng trưởng tín dụng đã sắp "cạn" và việc được NHNN cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm.
"Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm", Ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.
Tương tự như tại MB, nhà băng này đã vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp là 10,5% sau 5 tháng. Hay như Techcombank tăng trưởng tín dụng đã vượt 13%, HDBank là 11%, VIB là 10,5%, TPBank đã dùng hết 11%,…
Từ thực tế đó, theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, NHNN nới room tín dụng cho một số NHTM cũng là một trong những công việc cần thiết trong giai đoạn này. Bởi nhìn vào các ngân hàng được NHNN nới room đều có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt như đã nêu trên.
Cũng theo vị chuyên gia này, nới room tín dụng về lý thuyết sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng nhanh.
Theo công bố mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi mức tăng trưởng 2,45% của cùng kỳ năm trước.
Thêm nữa, mặt bằng lãi suất hiện nay ngày càng giảm cũng là yếu tố để có thể kích thích tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 6/2021, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân 3-6%/năm.
Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính-Ngân hàng bổ sung, việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp, vì ngân hàng dồi dào thanh khoản sẽ không dẫn đến tình trạng tăng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay.
"Dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao. Trong khi đó, về nguyên tắc cái gì khan hiếm thì giá cả phải cao hơn, ở đây tín dụng ít đi thì lãi vay sẽ tăng lên là điều khó tránh khỏi. Các ngân hàng cũng sẽ khắt khe hơn trong việc cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, gây khó khăn cho doanh nghiệp", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Điều này cũng đúng trên thực tế, bởi ngay sau khi NHNN yêu cầu các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, chấp thuận nới room tín dụng cho các ngân hàng, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 15/7 – sau 1 ngày khi văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước được gửi tới các ngân hàng. Đây cũng là kiến nghị, mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp như Dân Việt đã phản ánh trong thời gian qua.
Chủ một doanh nghiệp dệt may cho hay, doanh nghiệp được ngân hàng cấp hạn mức 30 tỷ đồng, tháng 8 mới đáo hạn nhưng gần đây khi tiền về tài khoản ngân hàng đã thu nợ để có room cho doanh nghiệp khác vay với lý do ngân hàng cạn room tăng trưởng tín dụng.
"Chúng tôi đã rất lo khi đáo hạn sẽ khó vay lại hoặc được cấp hạn mức thấp hơn khiến việc xoay xở vốn khó khăn. Tuy nhiên, các ngân hàng vừa được nới room, chúng tôi cũng phần nào yên tâm", chủ doanh nghiệp này đề cập.
"Trước đây chúng tôi được cấp hạn mức vay 30 tỷ đồng, rút lúc nào cũng được. Tuy nhiên, thời gian qua do ngân hàng cạn room nên phải chờ ngân hàng xem xét dựa trên nhiều yếu tố, và thường ngân hàng chỉ giải quyết một phần nhu cầu chứ không phải đăng ký là được, nhất là ở cuối quý. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đến nay, ngân hàng được nới room tăng trưởng chúng tôi không còn phải "thấp thỏm", hơn nữa ngân hàng này cũng vừa thông báo giảm 1 điểm % lãi vay đối với các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp. Như vậy, đúng là niềm vui nhân đôi giữa mùa dịch", giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ.