Quy mô tăng trưởng tín dụng dẫn đầu hệ thống, Sếp Vietcombank tiết lộ “bí quyết”
Nói tăng trưởng tín dụng toàn ngành 11%-13% là hợp lý, "sếp" Vietcombank tiết lộ “bí quyết” dẫn đầu
H.Anh
Thứ năm, ngày 27/05/2021 15:20 PM (GMT+7)
Với mức tăng trưởng 3,7% trong quý I/2021, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về quy mô tăng trưởng tín dụng. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank tiết lộ, động lực góp phần tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm đó là hệ quả của một loạt giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 2,93% tính đến hết quý I/2021. Với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
Trong đó cơ cấu tín dụng đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Dòng vốn từ ngân hàng chủ yếu được tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh và các ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên phát triển.
Đến 16/4, tín dụng toàn nền kinh tế đã chạm mức 9,49 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020.
Cụ thể, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt gần 777.000 tỷ đồng (chiếm 8,4%), dư nợ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt trên 2,67 triệu tỷ đồng (chiếm 28,3%) và cho vay lĩnh vực thương mại dịch vụ gần 6 triệu tỷ đồng (chiếm 63,34%).
Đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong quý I, các ngân hàng thương mại cũng tập trung khá lớn nguồn vốn cho phát triển.
Tính đến hết tháng 3/2021 dư nợ cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt mức 2,3 triệu tỷ đồng, cho vay DNNVV 1,8 triệu tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp xuất khẩu gần 300.000 tỷ đồng và cho vay công nghiệp hỗ trợ gần 250.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đánh giá, nền kinh tế chứng kiến một sự tăng trưởng tín dụng vượt xa so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể là đến hết quý I/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là khoảng 2,93%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Có được kết quả trên, theo ông Tùng là nhờ Chính phủ và NHNN đã có nhiều chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội trong những tháng đầu năm.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, hiện nay thì quy mô tín dụng trên GDP rơi vào khoảng 140%, như vậy để phục vụ tăng trưởng GDP theo đúng định hướng của Chính phủ trong điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh thì mức độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2021 sẽ dao động từ khoảng 11%-13% là mức hợp lý.
Riêng Vietcombank, đến hết quý I vừa qua, tốc độ tăng trưởng đạt 3,7%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ là 2,9%. Tốc độ này cao hơn mức tăng trưởng chung 2,93% của toàn Ngành.
Tính đến thời điểm ngày 20/5/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt con số 5,6%.
Như vậy, Vietcombank đã vượt kế hoạch tăng trưởng của quý II cũng như đã hoàn thành đến 93% kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm 2021 và Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về quy mô tăng trưởng tín dụng.
Quy mô tăng trưởng tín dụng dẫn đầu hệ thống, "Sếp" Vietcombank tiết lộ "bí quyết"
Lý giải về kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong những tháng đầu năm, Vietcombank đã tập trung tăng trưởng tín dụng vào cả đối tượng khách hàng thể nhân và đối tượng khách hàng tổ chức.
Hiện nay, đối tượng khách hàng thể nhân đã đóng góp 70% vào mức độ tăng trưởng tín dụng và được đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt và sản xuất của khách hàng cá nhân.
Về khách hàng tổ chức, Vietcombank tập trung triển khai vào lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: năng lượng tái tạo; dệt may, da giày để phục vụ xuất khẩu, thương mại xăng dầu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
"Một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng tín dụng cao của nền kinh tế cũng như của Vietcombank trong những tháng đầu năm chính là việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời triển khai tiêm vắc xin. Điều này góp phần rất quan trọng nhằm tạo sự yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của người dân cũng như của các doanh nghiệp", ông Tùng nhấn mạnh.
Đồng thời, một số động lực khác có thể kể đến như: nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dùng vốn đầu tư FDI, quy mô xuất nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng đầu năm.
Ngoài ra, không thể không kể đến việc giải ngân đầu tư công, đây là những đồng vốn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2021.
Về phía Vietcombank, động lực góp phần tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm đó là hệ quả của một loạt giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai trong suốt năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.
Đầu tiên là việc thực hiện cơ cấu nợ cho các khách hàng theo Thông tư 01, Thông tư 03 của NHNN. Tiếp đó là việc tiến hành nhiều đợt giảm lãi, giảm phí nhằm hỗ trợ KH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 và thiên tai trong suốt năm 2020.
Vietcombank luôn duy trì mặt bằng lãi suất thấp so với thị trường và triển khai cải tiến quy trình cấp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận được đồng vốn từ ngân hàng.
"Đây là những giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai trong những giai đoạn khó khăn này để hỗ trợ cho các khách hàng tiếp cận được nguồn vốn một cách kịp thời và với chi phí thấp để hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh", ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng, việc đồng hành cùng các khách hàng trong những giai đoạn khó khăn đã giúp Vietcombank có được sự quan tâm, hợp tác lâu dài của khách hàng. Yếu tố này góp phần tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank trong năm 2020 cũng như 2021 ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành Ngân hàng.
Kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, trên cơ sở các danh mục khách hàng, các giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai, nếu được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức 14% thì Vietcombank cũng có thể hoàn toàn đạt được con số này.
Hiện, NHNN đã giao chỉ tiêu cho Vietcombank với mức 10,5%. Đây cũng là room tăng trưởng lớn nhất so với các ngân hàng thương mại lớn trên thị trường cũng như trong toàn hệ thống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.