Nhà ông Trần Văn Minh ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nuôi nhốt 2 con bò lai. Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho bò, ông Minh đã dành hơn 1.000m2 đất trước nhà để trồng cỏ voi.
Ngoài ra, ông còn cho bò ăn thêm tinh bột từ cám bắp, thức ăn công nghiệp để cung cấp chất dinh dưỡng, giúp bò tăng trưởng nhanh. Nhờ trước đây ông Minh tham gia các lớp tập huấn vỗ béo bò lai, rồi về áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật nên bò lai nuôi nhốt của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt.
Còn ông Bùi Văn Tiến ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho hay: Vừa qua, tôi bán con bò đực được 28 triệu đồng, lãi 6 triệu đồng sau 4 tháng mua giống về nuôi. Trong chuồng tôi còn cặp bò nuôi 3 tháng.
Theo ông Tiến, ưu điểm của các giống bò lai có tầm vóc cao to hơn rất nhiều so với giống bò cỏ ở địa phương vì dễ nuôi, dễ chăm sóc, lớn nhanh, ăn to, tốc độ tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao.
Để đàn bò phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc chọn lựa được con giống tốt, bò cũng không được quá già, có bộ khung to để đạt được tốc độ tăng trọng nhanh.
“Người chăn nuôi cần chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn bò, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi đảm bảo luôn sạch sẽ, thoáng đãng vào mùa hè để bò phát triển tốt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp cho bò ăn cỏ rơm với thức ăn tính theo tỉ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của từng con bò”, ông Tiến nói.
Tại huyện Tuy An, người nuôi bò ở các xã miền núi An Xuân, An Lĩnh đang gặp khó bởi cỏ trồng khô héo do trời nắng nóng, thức ăn cho bò khan hiếm.
Người dân nơi đây phải gọi điện cho người thân hỗ trợ nguồn rơm khô làm thức ăn cho bò trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch.
Chị Mạnh Thị Trang ở xã An Lĩnh cho biết cỏ voi gặp nắng héo, hết thức ăn cho bò, tôi gọi điện thoại cho ba ruột ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nơi đã được gỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, chở xuống mấy cuộn rơm. Mấy hôm nay, tôi nấu cháo cho bò ăn, tối cho ăn xen rơm khô thúc bò mau mập. “Bò lai nếu nuôi đúng sức, cỡ 2 tháng nữa tôi có thể bán với giá 40 triệu đồng”, chị Trang nói.
Thôn Suối Cối 2 (xã Xuân Quang 1) có đồng bào Ê Đê, Chăm H’roi sinh sống, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào trồng sắn, mía và chăn nuôi bò. Ông Ma Lênh ở thôn này chia sẻ: Nghe thông tin giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, tôi không tụ tập hay đến chỗ đông người. Hàng ngày, tôi ra suối tưới nước cho cỏ rồi cắt cỏ cho bò ăn.
"Bò nuôi nhốt nên tháng rồi nghe tin dịch bệnh COVID-19 bùng phát các nơi, tôi xuống xã Xuân Phước mua 1 sào rơm khô trữ làm thức ăn cho bò, chỗ quen biết nên người ta vừa bán vừa hỗ trợ. Hiện nay ở vùng miền núi nuôi bò lai, ngoài cho ăn cỏ, rơm khô, nhà nào cũng nấu cháo nuôi bò. Gia đình tôi có 3 con bò lai, con nào con nấy đều bung đùi đổ thịt. Mỗi con nằm giá 30 triệu đồng...', ông Ma Lênh nói.
Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện, vừa chống dịch vừa phải duy trì và đảm bảo sản xuất ổn định đời sống nhân dân. Đối với vùng miền núi, địa phương chú trọng khâu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi phát triển đàn bò, nâng cao tỉ lệ bò lai.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, ngành Nông nghiệp khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Đối với các xã miền núi, kết hợp trồng cỏ nuôi bò; trong đó chú trọng phát triển đàn bò lai, nâng trọng lượng xuất chuồng, vận động nhân dân chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đồng thời kiểm soát dịch bệnh.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200.000 con bò, tỉ lệ bò lai chiếm trên 74%. Nuôi bò lai thu nhập cao, nhiều hộ nhờ chăn nuôi thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, vì vậy tỉ lệ bò lai của các địa phương không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Nông dân vừa chăn nuôi bò, vừa phòng chống dịch COVID-19, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.