Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2021, giữa vòng xoáy của dịch Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam vẫn khởi sắc, đạt hơn 15 tỷ USD.
Trong đó, bất động sản vẫn là lĩnh vực đón lượng vốn ngoại lớn thứ 3, với số vốn hơn 1,15 tỷ USD. Con số này tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 300 triệu USD.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, năm 2020 có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam cho thấy nhu cầu về địa điểm sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu làm việc sinh sống cho các chuyên gia...
Sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu về các loại hình bất động sản gia tăng, điều này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thuận lợi của dòng vốn trong năm 2021 và tương lai. Đà tăng trưởng của Việt Nam, cùng với xu hướng đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về hoạt động FDI trong năm 2021, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới Việt Nam và cho rằng, hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước, và Việt Nam đang nắm giữ các lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.
"Trước Covid-19, Việt Nam đã có vị thế tốt. Song, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều tác động không mấy khả quan lên thị trường toàn cầu, Việt Nam vẫn hoạt động tốt hơn hơn nhiều thị trường khác", ông Matthew Powell nói.
Tuy vậy, cũng theo vị Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nước ngoài vẫn sẽ đối mặt với những thách thức nhất định khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.
"Khó khăn của nhà đầu tư còn liên quan đến chất lượng đầu tư và khả năng tiếp cận. Đơn cử, với các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng chất lượng như đường xá, hải cảng và hệ thống đường sắt vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các tỉnh có nhiều không gian kinh tế lại gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng, gây ra khó khăn trong việc tiếp cận nguyên vật liệu hoặc gặp nhiều vấn đề trong việc vận chuyển sản phẩm", ông Matthew Powell nhìn nhận
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI tiếp tục đi vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có sự ổn định về chính trị vững chắc, có sự đoàn kết, quyết tâm phòng chống và khống chế dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức khá cao trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang suy giảm.
Lạm phát được giữ ổn định, thị trường tài chính tiền tệ không có các biến động lớn. Nhờ các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.
Đồng thời, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng… nhu cầu về nhà ở của Việt Nam sẽ còn rất lớn trong tương lai.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước.
Hơn nữa, trong nhiều năm qua Việt Nam cũng là quốc gia tích cực cải thiện môi trường đầu tư, liên tiếp được các tổ chức quốc tế nâng hạng về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, thị trường bất động sản vẫn thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Mặt khác, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp, đầu tư và đưa vào sử dụng hàng nghìn ki-lô-mét đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế – văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong cả nước.
Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do và mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… nên nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
"Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra bước chạy đà quan trọng cho việc thu hút FDI trong chu kỳ phát triển mới: Tăng trưởng ổn định, hướng tới sự phát triển bền vững, chất lượng và hiệu quả", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.