Dân Việt

Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài 12/7/2016:Thắng lợi chung của luật pháp và công lý

Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 phát đi một thông điệp rõ ràng; đó là không thể áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 một cách tùy tiện để phục vụ những lợi ích riêng, chủ quan, bất chấp công lý và đạo lý. Phán quyết là một thắng lợi chung của luật pháp, công lý.

Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về Luật Biển, qua theo dõi những diễn biến của quá trinh xét xử của Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII,UNCLOS1982, để thụ lý hồ sơ vụ án do Philippines  khởi kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông,  chúng tôi cho rằng lập trường của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/7/2021 đã đủ để thể hiện sự đồng tình và ủng hộ Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày ra Phán quyết, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn và có cách nhìn thật sự khách quan, khoa học về Phán quyết này, cũng như lập trường của Việt Nam trước sự kiện pháp lý này,  chúng tôi xin được cùng bạn đọc trao đổi một số thông tin có liên quan sau đây: 

 Philippines kiện Trung Quốc cái gì và kiện như thế nào?

 Là một quốc gia thành viên, Philippines đã sử dụng các quy định của UNCLOS để khởi động vụ kiện phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực trên Biển Đông và các vùng biển mà Trung Quốc không có quyền theo UNCLOS1982, nhưng đó lại là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Cụ thể là Philippines  đã kiện về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước để đưa ra yêu sách phi lý trong Biển Đông; đó là yêu sách ranh giới biển theo đường "lưỡi bò", bao lấy một phạm vi biển chiếm đến khoảng 90% diện tích Biển Đông. 

Hướng tới mục tiêu tôn trọng đàm phán và thỏa thuận giữa các quốc gia có tranh chấp, UNCLOS1982  quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, tuân thủ nghĩa vụ tham vấn lẫn nhau và nỗ lực thương lượng để giải quyết tranh chấp (điều 279, điều 283, điều 284 UNCLOS1982). Cơ chế tài phán được đặt ra chỉ khi những nỗ lực đàm phán không thành (phần XV, mục2, UNCLOS1982). Trên cơ sở đó, khi xảy ra tranh chấp, các bên được quyền tự do lựa chọn một hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) theo phụ lục VI, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Hội đồng Trọng tài (HĐTT) thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 hoặc Hội đồng Trọng tài Đặc biệt theo phụ lục VIII (điều 287 UNCLOS1982).

Căn cứ vào thủ tục nói trên, Philippines có thể vừa kiện Trung Quốc ra ITLOS vừa kiện ra HĐTT theo phụ lục VII hoặc  khởi kiện ra ICJ hoặc HĐTT Đặc biệt. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, cân nhắc, với sự tham gia của một đội ngũ luật sư, cố vấn pháp lý trong và ngoài nước, Philippines  đã nộp đơn kiện lên HĐTT theo Phụ lục VII, đúng theo quy định cả về nội dung lẫn thủ tục pháp lý. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia với cách bị đơn, Hội đồng Trọng tài vẫn xác định thẩm quyền thụ lý và xét xử vụ kiện đơn phương của Philippines.

Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài 12/7/2016:
Thắng lợi chung của luật pháp và công lý - Ảnh 2.

Phán quyết của Tòa Trọng tài đã bác bỏ đường lưỡi bò phi pháp Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

Những nội dung Philippines đệ đơn kiện và được HĐTT xét xử, ra phán quyết có ảnh hưởng gì đến các quyền và lợi ích của Việt Nam không?

Chúng tôi xin phân loại các nội dung mà theo đánh giá của dư luận có liên quan đến các quyền và lợi ích của Việt Nam trong Biển Đông:

a. Những nội dung rõ ràng không ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam:

- Các quyền của Trung Quốc và Philippines  trong  Biển Đông phải tuân thủ theo UNCLOS1982.

- Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô giá trị.

- Các cấu tạo lúc chìm, lúc nổi, không nằm trong lãnh hải của  quốc gia ven biển, không phải là đối tượng của quyền thụ đắc lãnh thổ; nghĩa là không được quyền biến chúng trở thành lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia.

 - Philippines  có quyền xác định lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, theo quy định tại các Phần II, V và VI của UNCLOS1982 , tính từ đường cơ sở của quốc gia quần đảo.

 - Trung Quốc đã yêu sách các quyền đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật và việc Trung Quốc tiến hành khai thác các tài nguyên này, cũng  như ngăn cản Philippines  khai thác các tài nguyên sinh vật và không  sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines là phi pháp.

 - Trung Quốc đã can thiệp một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải của Philippines  được quy định theo UNCLOS1982… 

b. Những nội dung có ý kiến cho rằng có ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam trong Biển Đông:

- Các bãi cạn Vành Khăn,  Kennan, Xu Bi và Gaven là các cấu trúc chìm khi thủy triều lên, không phải là đảo theo qui định của Điều 121 UNCLOS1982, việc Trung Quốc chiếm đóng  và biến các cấu trúc chìm này thành các đảo nhân tạo để tư đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa xung quanh chúng là vi phạm quy định UNCLOS1982.

- Bãi cạn Scarborough và các bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập là các bãi cạn, trên đó  có một vài mỏm đá nhô lên khi thủy triều lên cao. Chúng chỉ là  "đá"  theo Điều 121, Khoản 3 của UNCLOS1982 , vì thế chỉ có thể có lãnh hải không quá 12 hải lý xung quanh các "đá" đó. TQ đã đòi quyền mở rộng các vùng biển quá 12 hải lý tại các cấu trúc này là hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS1982.

Như vậy, những nội dung được cho là không ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam có lẽ  không có gì phải bàn luận.  Vấn đề cần xem xét ở đây chính là những nội dung mà nhiều ý kiến cho rằng có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.  Theo chúng tôi, sở dĩ còn tồn tại băn khoăn này, vì có 2 lý do:

Một là, một số bãi cạn nói trên là những thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm các đảo và các đá, bãi cạn phụ thuộc. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là phù hợp với nguyên tắc của Luât pháp và Thực tiễn quốc tế hiện hành.

Hai là, về nguyên tắc, Việt Nam đã tuyên bố rằng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có hiệu lực để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục đia của chúng theo đúng quy định của UNCLOS1982. 

Chúng tôi có thể chia sẻ những băn khoăn nói trên. Bởi vì, trong thực tế, đã có lúc, chúng ta cũng đã công bố một số tư liệu, bản đồ, sơ đồ thể hiện quan điểm pháp lý chưa thật sự rõ ràng, nhất là về phạm vi khu vực biển, đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, cho đến nay, hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở quần đảo Trường Sa lại chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xin được bình luận kỹ hơn về 2  lý do khiến dư luận còn băn khoăn, nghi ngờ này.

Về lý do thứ nhất:  như mọi người đã biết, Viêt Nam đã khẳng định quần đảo Trường Sa (và quần đảo Hoàng Sa) thuôc chủ quyền của Việt Nam trước bất kỳ một động thái nào có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Chẳng hạn, đối với Phán quyết này, mặc dù HĐTT tuyên rằng HĐTT không có thẩm quyền phán quyết về quyền thụ đắc lãnh thổ của các thực thể địa lý ở khu vực này,  dù chúng nằm trong phạm vi quần đảo hay nằm trên thềm lục địa. Vì vậy, có thể thấy rằng Việt Nam luôn luôn có sự bảo lưu về chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này. Điều này là cần thiết và thích hợp dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế.

Về lý do thứ 2, như mọi người đều đã chứng kiến,  trong năm 2020-2021, một cuộc chiến công hàm đã xẩy ra liên quan đến lập trường pháp lý của Trung Quốc khi họ thể hiện liên tiếp trong 9 công hàm và 1 công thư gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để bảo vệ cho yêu sách "lưỡi bò" phi pháp. Và, ngay lập tức họ đã bị các quốc gia trong khu vực và quốc tế chính thức lên tiếng phản đối, bác bỏ bằng các tuyên bố hay công hàm : 1 tuyên bố từ Brunei, 3 công hàm từ Malaysia, 3 công hàm từ Philippines, 3 công hàm từ Việt Nam, 2 công hàm từ Indonesia, 1 công hàm từ Australia, Pháp, Anh, Đức, Nhật và 1 công thư từ Mỹ. 

Ngoại trừ lập trường của Trung Quốc, nội dung các công hàm này đều khẳng định, Phán quyết ngày 12/7/2016  là chung thẩm và bắt buộc đối  với các bên tranh chấp, Philippines và Trung Quốc; xét từ nguồn gốc, các thực thể địa lý đáp ứng đúng tiêu chuẩn là "đảo" theo quy định tại Điều 121, UNCLOS1982,  thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ có lãnh hải 12 hải lý; vì lúc đó, chúng quá nhỏ bé, không có đời sôống kinh tế riêng và không thích hợp cho đời sống con người; phương pháp vẽ đường cơ sở quần đảo chỉ được áp dụng cho các quốc gia quần đảo, chúng không thể áp dụng cho các đảo, quần đảo  xa bờ của quốc gia ven biển…

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, những nội dung của Phán quyết nói trên là hoàn toàn đúng đắn, khách quan, không những  theo đúng quy định của UNCLOS1982  mà còn phù hợp với lập trường pháp lý về tranh chấp Biển Đông mà  Việt Nam và các nước liên quan trong khu vực và quốc tế đã công bố.

Phán quyết hoàn chỉnh sức mạnh của công lý

Phán quyết mang tính chung thẩm dù đã trải qua 5 năm kể từ ngày công bố,vẫn không được thi hành trên thực tế. Vì vậy, Phán quyết chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết  đối với các quốc gia trong khu vực.

Tuy vậy, Phán quyết  phát đi một thông điệp rõ ràng; đó là, một mặt cho thấy không thể áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 một cách tùy tiện để phục vụ những lợi ích riêng, chủ quan, bất chấp công lý và đạo lý; mặt khác, kêu gọi cần phải bổ sung để làm rõ yêu sách các vùng biển tạo ra bởi các thực thể địa lý đang tồn tại trên biển theo những điều kiện chặt chẽ và cụ thể hơn về cấu trúc địa chất, địa mạo; về yếu tố lịch sử, kinh tế có liên quan đến quá trình quản lý và khai thác chúng. Điều này sẽ góp phần hoàn chỉnh sức mạnh của "công lý" để  ngăn chặn và hạn chế những bất đồng, tranh chấp có thể nảy sinh do tình trạng "nhập nhằng" đang diễn ra trên thực tế. Như vậy, "công lý" mới thực sự phát huy được sức mạnh của nó và nội dung Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982,  mới có ý nghĩa trong thực tế và có tác động tích cực để gỡ được nút thắt, khó khăn,  của tiến trình ASEAN và Trung Quốc đang gặp phải trong quá trình tiến hành tham vấn, đàm phán để ký được một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ai ai cũng đều  kỳ vọng.

Xuất phát từ những phân tích nói trên, chúng ta đồng tình,ủng hộ, hoan nghênh Phán quyết của Tòa Trọng tài và coi đó như là một tiền lệ pháp quốc tế có giá trị pháp lý bổ sung cho Công pháp quốc tế. Vì vậy, Phán quyết này không chỉ có lợi cho riêng một quốc gia nào; cũng không phải có thể lợi dụng nó để phục vụ cho động cơ chính trị, nhằm thỏa mãn cảm xúc thắng thua, cắn xé lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh quyền lực đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi khu vực và thế giới. Trên tinh thần đó,  Phán quyết này là thắng lợi chung của luật pháp, công lý và các quốc gia  phải có trách nhiệm sử dụng nó như là một công cụ hữu ích để vừa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển vì sự sống còn của nhân loại trên biển và đại dương.