Theo bản tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giữa tháng 7/2021, giá cà phê Robusta trong nước tăng theo giá thế giới.
Ngày 19/7/2021, giá cà phê Robusta tăng từ 0,6% - 1,1% so với ngày 9/7/2021. Mức tăng cao nhất là 1,1% tại huyện Đắk R’lấp; mức tăng thấp nhất 0,6% tại huyện Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).
Theo đó, giá cà phê giá dao động từ 35.300 – 36.500 đồng/kg.
Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta loại R1 tăng 0,8% so với ngày 9/7/2021, lên 37.700 đồng/kg.
Giá cà phê tại Việt Nam là theo xu hướng chung của thế giới. Giữa tháng 7/2021, giá cà phê Robusta và Arabica toàn cầu tăng.
Thời tiết sương giá tại Brazil và báo cáo tồn kho ở Bắc Mỹ giảm 1,21% (giảm 1.810 tấn), xuống 147.320 tấn (2.455.333 bao), tính đến ngày 12/7/2021, giúp giá cà phê Arabica phục hồi, bất chấp hoạt động bán hàng vụ mùa mới của người trồng cà phê Brazil.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển quá cao khiến việc giao hàng từ các nước sản xuất lớn Brazil, Việt Nam bị chậm lại cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê Robusta sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt trên 128.000 tấn, trị giá 248,6 triệu USD, so với tháng 6/2020 tăng 0,3% về lượng và tăng 14,2% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 843.320 tấn, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 6/2021, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.942 USD/tấn - ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 5/2018, tăng 3,9% so với tháng 5/2021 và tăng 13,9% so với tháng 6/2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.835 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, giá cà phê xuất khẩu bình quân sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Trung Quốc.
Tháng 6/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang một số thị trường tăng so với tháng 6/2020, như Đức, Ý, Nga, Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Canada giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 0,83%/năm tính theo lượng và tăng 0,43%/năm tính theo trị giá, từ 205.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD năm 2016, tăng lên 257.000 tấn, trị giá 1,21 tỷ USD năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Canada nhập khẩu 109.000 tấn cà phê, trị giá 530 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Canada đạt 4.859 USD/tấn, tăng 10,5% so với 5 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2021, Canada tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường Columbia, Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ Brazil, Mỹ,...
Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn thứ 7 cho Canada, đạt 3.410 tấn, trị giá trên 7 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng 1,9% về lượng và tăng 9,6% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2020.
Được biết, Canada là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 3 toàn cầu, mức tiêu thụ trung bình 152 lít/người.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân Canada vẫn ổn định. Phân khúc cà phê hòa tan được tiêu thụ mạnh do lệnh giãn cách xã hội.
Theo một nghiên cứu về Tiêu thụ cà phê của Canada do Hiệp hội Cà phê Canada thực hiện vào năm 2019 cho thấy, khoảng 82% người dân đã pha chế cà phê tại nhà và có khoảng 2 tách cà phê dành cho những người từ 18 tuổi tiêu thụ mỗi ngày.
Do đó, nhu cầu về cà phê hòa tan ngày càng tăng và đang thúc đẩy thị trường tăng trưởng hơn nữa. Nhu cầu về cà phê hòa tan dự kiến sẽ tăng do ngày càng có nhiều người ở tầng lớp lao động bận rộn hơn, do đó, họ ưa thích các loại thực phẩm tiện lợi và đồ uống nhanh vào bữa sáng.
Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) vừa có báo cáo tổng quan về 6 công ty hàng đầu trong ngành cà phê (JDE Peet’s, Melitta Group, Nestlé, Strauss Coffee, SUPRACAFÉ và Tesco), những doanh nghiệp tiên phong trong việc chia sẻ công khai tiến trình hành động hướng tới sự phát triển bền vững.
“Báo cáo tổng hợp của GCP về việc thu mua cà phê bền vững giúp các nhà rang xay và bán lẻ thể hiện vai trò dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi toàn bộ thị trường cà phê sang nguồn cung ứng bền vững tới từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới,” Giám đốc điều hành GCP – bà Annette Pensel cho biết.
Theo báo cáo này, tỷ lệ thu mua cà phê bền vững ngày càng tăng theo thống kê của các thành viên GCP trong năm 2019 (chiếm 41% tổng số cà phê nhân được - tăng 15% so với năm 2018) và năm 2020 (tổng số cà phê nhân sản xuất bền vững được thu mua là 48%).
Bằng cách thúc đẩy cung và cầu cà phê bền vững từ khắp nơi trên thế giới, GCP nhân rộng các thành quả đã đạt được tới người nông dân, công nhân nông nghiệp và môi trường xung quanh họ.