Dân Việt

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Bánh mì, sữa hay thức ăn chăn nuôi đều thiết yếu, phải lắng nghe nhu cầu của dân

Anh Thơ (thực hiện) 23/07/2021 18:59 GMT+7
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu không có gì quá phức tạp, những gì gắn với sản xuất phải được lưu thông để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy và quan trọng là phải lắng nghe yêu cầu của sản xuất, nhu cầu của người dân.

Ngay sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ NNPTNT đã thành lập tổ công tác đặc biệt cùng với tổ công tác của các bộ ngành khác kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong khâu sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản. Thứ trưởng có những đánh giá bước đầu như thế nào về tình hình cung ứng, tiêu thụ nông sản hiện nay ở các tỉnh phía Nam?

- Ngay sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ NNPTNT đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng trực tiếp vào TP.Hồ Chí Minh nắm bắt tình hình, từ đó đề xuất để Bộ có những giải pháp, kiến nghị kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn trong khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. 

Tổ công tác của Bộ NNPTNT cũng đã họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, họp với tổ công tác của Bộ Công Thương và TP.Hồ Chí Minh triển khai ngay các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm.

Nông sản có mùa vụ của nó, ngoài việc động viên người dân thu hoạch kịp thời, tổ công tác của các bộ ngành chức năng cũng kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản để không bị ách tắc, đảm bảo nhu cầu của người dân, kể cả người dân ở những khu đang bị cách ly, phong tỏa để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Bánh mì, sữa hay thức ăn chăn nuôi đều thiết yếu, phải lắng nghe nhu cầu của dân - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu không có gì quá phức tạp, những gì gắn với sản xuất là phải được lưu thông để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Ảnh: V.Giang.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương kiến nghị việc vận chuyển tiêu thụ nông sản qua các chốt, trạm kiểm dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, Bộ NNPTNT đã có những giải pháp gì để gỡ khó cho các doanh nghiệp và địa phương, thưa Thứ trưởng?

- Sau hàng loạt những kiến nghị, giải pháp của Bộ NNPTNT, hệ thống luồng xanh đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, một số chốt vẫn quy định khác nhau, ảnh hưởng đến luồng xanh vận chuyển nông sản từ các tỉnh về TP.Hồ Chí Minh, thậm chí trong nội bộ các tỉnh cũng có.

Bộ NNPTNT đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế thống nhất quy định trong vận chuyển, lưu thông nông sản để không còn vướng mắc, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản được thuận lợi nhất.

B NNPTNT đ ngh cp bách lưu thông hàng hoá

Để đảm bảo phục vụ kịp thời người tiêu dùng, duy trì sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đơn vị và chính quyền các cấp song song với việc kiểm soát phòng chống dịch thì cần:

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp - đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy - hải sản, rau quả...

Cần hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo "luồng xanh" nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký; những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe "luồng xanh", để tránh ách tắc giao thông, nếu đi chung với các loại phương tiện khác sẽ mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm tươi sống.

P.V

Vừa qua, ở Sóc Trăng, nhiều nông dân nuôi bò sữa phải ngậm ngùi đổ bỏ sữa vì không thể vận chuyển vì có chốt cho rằng sữa không phải là hàng hóa thiết yếu, nông dân phải cấp tốc đi xin "luồng xanh". Những quy định về danh mục hàng hóa thiết yếu mỗi nơi một khác, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình lưu thông, phân phối nông sản. Bộ NNPTNT gỡ khó vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Tôi nghĩ việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu không có gì quá phức tạp, những gì gắn với sản xuất là phải được lưu thông để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Có ông bảo thức ăn chăn nuôi, phân bón, bánh mì không phải thiết yếu nhưng quan trọng là phải lắng nghe yêu cầu của sản xuất, nhu cầu của người dân. 

Nếu thiếu cây - con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thì bà con làm sao duy trì sản xuất? 

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ NNPTNT, rất nhanh TP.Cần Thơ đã cụ thể hóa danh mục các hàng hóa thiết yếu được ưu tiên luồng xanh. 

Bộ NNPTNT cũng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản vì việc duy trì sản xuất lúc này rất quan trọng, để đảm bảo vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Bánh mì, sữa hay thức ăn chăn nuôi đều thiết yếu, phải lắng nghe nhu cầu của dân - Ảnh 2.

Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản của Công ty APT nằm trong Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM). Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Từng là điểm nóng của dịch Covid-19 nhưng nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ thành công sản lượng vải thiều lớn. Theo Thứ trưởng, bài học từ Bắc Giang có áp dụng được cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không?

Phải nói là tỉnh Bắc Giang đã rất chủ động trong việc xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều như chủ động xin "luồng xanh" cho vải, mở rộng các hình thức tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử nên vải được bán hết với giá hợp lý.

Tôi nghĩ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ nông sản. Hiên, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đã kết nối được hơn 263 hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ nông sản với đầy đủ thông tin. 

Ngay sau khi thông tin về các đơn vị này được báo chí đăng tải đã có hợp tác xã ở Thủ Thừa, Long An ký được đơn hàng 15 tấn rau, củ cung cấp cho một chuỗi thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Bánh mì, sữa hay thức ăn chăn nuôi đều thiết yếu, phải lắng nghe nhu cầu của dân - Ảnh 3.

Nông dân Sóc Trăng phải đổ bỏ sữa bò do khó khăn trong khâu vận chuyển. Ảnh: CTV.

Được biết, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã kiến nghị có cơ chế cho TP.Hồ Chí Minh mở lại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức. Trong điều kiện TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19, Bộ NNPTNT có kiến nghị gì để việc mở lại chợ đảm bảo an toàn, thưa Thứ trưởng?

- Phải khẳng định, 3 chợ đầu mối nông sản ở TP.Hồ Chí Minh không thể tách rời trong chuỗi cung ứng nông sản của thành phố và các tỉnh lân cận, 65 - 70% nhu cầu của người dân thành phố được cung cấp qua hệ thống chợ. Việc tạm dừng chợ sẽ gây khó khăn cho khâu lưu thông, tạo áp lực lên hệ thống siêu thị.

Do vậy, việc tìm cơ chế mở lại các chợ đầu mối là cần thiết với điều kiện phải đảm bảo an toàn, kiểm soát chặt đầu vào, người buôn bán, kinh doanh tại chợ, bố trí chỗ ngồi, giao hàng hợp lý.

Chế biến là một khâu rất quan trọng trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là ở khu vực ĐBSCL nhưng hiện nay có 13 nhà máy chế biến đã xuất hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo Thứ trưởng làm thế nào để các nhà máy sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh?

- Thực tế, trong các đợt bùng phát dịch bệnh, Bộ NNPTNT đều đề nghị các nhà máy chế biến nông sản phải siết chặt việc giám sát, phòng ngừa dịch bệnh. 

Hiện, các nhà máy đang thực hiện phương châm "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh. Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở tố chức kiểm soát công nhân, các địa phương hỗ trợ kinh phí test nhanh cho những người tham gia chuỗi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Chủ động bảo đảm sản xuất thủy sản, chăn nuôi

Bộ NNPTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm nay, sản xuất thủy sản, chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch quyết liệt, vừa phát triển sản xuất, bảo đảm mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2021, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn; các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, tập trung kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, xác nhận mã số đăng ký cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương có giải pháp cụ thể tổ chức triển khai tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Song song với đó là tạo điều kiện cho việc kiểm dịch động vật, vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, các loại thuốc, vaccine, thức ăn cho động vật và vật tư đầu vào phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Chủ động đề xuất phương án tổ chức giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, bảo đảm phòng chống COVID-19 và an toàn dịch bệnh theo quy định.

Chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả. Ưu tiên bố trí phương tiện, nhân lực, vật lực để thực hiện kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại khu vực các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đạt hiệu quả cao nhất. Xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho lực lượng lao động và quản lý tại cảng cá, thuyền viên, lực lượng thú y.

P.V