Từ cung nữ trở thành quý phi
Theo Sohu, Vạn quý phi tên thật là Vạn Trinh Nhi (1428 - 1487) là một phi tần rất được Minh Hiến Tông (1447 – 1487) thời nhà Minh sủng ái.
Đây là phi tần đầu tiên được công nhận ngôi vị Hoàng quý phi trong lịch sử Trung Quốc. Điều bất ngờ là Vạn quý phi hơn Minh Hiến Tông tới 19 tuổi.
Vạn quý phi xuất thân ở Chư Thành, tỉnh Sơn Đông. Cha bà là một quan huyện nhỏ bé, do phạm tội nên bị lưu đày đến biên cương.
Năm 4 tuổi, bà nhập cung hầu hạ Tôn thái hậu tại Nhân Thọ cung và trở thành cung nữ được thái hậu tin tưởng nhất. Tuy nhiên, năm 20 tuổi, thái hậu phái bà đến chăm sóc cho thái tử Chu Kiến Thâm (sau là Minh Hiến Tông).
Năm 1449, vua Minh Anh Tông - cha của thái tử bị bắt trong một cuộc chiến với tộc Ngõa Lạt Mông Cổ, em trai ông là Thành vương Chu Kì Ngọc lên ngôi vua, tức Minh Đại Tông.
Sau đó, năm 1452, Minh Đại Tông lập con trai mình là Chu Kiến Tể làm thái tử, phế bỏ cháu trai Chu Kiến Thâm và giam cầm ông, chỉ cho phép Vạn Trinh Nhi theo hầu. Lúc này Chu Kiến Thâm (Minh Hiến Tông) mới 5 tuổi, còn Vạn Trinh Nhi 24 tuổi.
Mặc dù Chu Kiến Thâm lâm vào cảnh thất thế, có thể bị giết bất cứ khi nào, Vạn Trinh Nhi vẫn ân cần chăm sóc rất chu đáo. Chu Kiến Thâm lúc này luôn xem Vạn Trinh Nhi là chỗ dựa.
Năm 1457, Minh Anh Tông phát động binh biến, giành lại ngôi vua. Kết quả Minh Đại Tông và thái tử Kiến Thể bị phế truất. Chu Kiến Thâm lại được cha tái lập làm thái tử.
Từ nhỏ, Chu Kiến Thâm luôn dựa dẫm vào Vạn Trinh Nhi và chỉ biết có một mình bà, nên khi đến tuổi trưởng thành, Chu Kiến Thâm đem lòng yêu Vạn Trinh Nhi bất chấp tuổi tác. Hai người ăn nằm với nhau, khiến Minh Anh Tông vô cùng tức giận.
Lúc này, Minh Anh Tông đã phạt đánh Vạn Trinh Nhi 50 đại bản, rồi tổ chức tuyển phi cho thái tử. Nhưng đến năm 1464, Minh Anh Tông băng hà, thái tử Chu Kiến Thâm kế vị, trở thành Minh Hiến Tông vào lúc vừa 17 tuổi.
Lúc này, Vạn Trinh Nhi khóc lóc với Hiến Tông rằng, bà đã dành cả đời để chăm sóc ông, cũng cùng ông ân ái nhiều lần nhưng đến giờ vẫn chưa có danh phận chính thức. Minh Hiến Tông động lòng, liền phong Vạn thị làm quý phi bất chấp sự phản đối của thái hậu. Lúc này, Vạn Trinh Nhi 36 tuổi.
Quý phi được sủng mà kiêu, độc ác, tàn bạo?
Theo Soha, sử sách chép rằng, Ngô hoàng hậu - vợ cả của Minh Hiến Tông thấy Vạn phi đắc sủng mà bất kính với mình, bèn gọi ra trách phạt nặng nề. Sau đó, Vạn phi khóc lóc liền mách lại với Hiến Tông, hoàng đế liền tức giận, phế bỏ ngôi hậu của Ngô thị, giam vào lãnh cung sau 31 ngày sắc phong.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, theo cách làm của Minh Hiến Tông, sự việc này có nhiều uẩn khúc, rất có thể đây là chủ ý của Hiến Tông, sự việc Ngô thị trách phạt Vạn phi chỉ là cái cớ để ông phế truất hoàng hậu.
Sau khi phế Ngô thị, Hiến Tông tấn lập Vương thị làm Kế hoàng hậu. Năm 1466, Vạn quý phí sinh hạ hoàng tử trưởng, khiến Hiến Tông vô cùng vui mừng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, hoàng tử bị chết yểu khiến Vạn quý phi ẫn Hiến Tông vô cùng đau buồn.
Theo Sohu, với Hiến Tông, con trai do Vạn phi sinh ra khác hoàn toàn với những người con khác bởi đây là người phụ nữ duy nhất ông yêu sâu sắc.
Sau cái chết của hoàng tử trưởng này, Vạn quý phi không thể sinh thêm mụn con nào nữa. Dù vậy, điều bất ngờ là bà vẫn được Hiến Tông sủng ái nhất hậu cung. Năm 1476, Hiến Tông thậm chí còn sắc phong cho Vạn quý phi làm hoàng quý phi - về vai vế chỉ đứng sau hoàng hậu.
Nhiều câu chuyện tố cáo sự độc ác của Vạn quý phi bắt đầu từ đây. Theo đó, sau khi mất con, mỗi khi thấy các phi tần khác mang thai con của Hiến Tông, Vạn quý phi liền ngấm ngầm cho họ uống thuốc phá thai để giết chết thai nhi.
Về việc này Minh thực lục và Minh sử viết, Kỷ Thục phi, phi tần được Minh Hiến Tông sủng hạnh bị Vạn quý phi nhốt vào lãnh cung, trong lúc này lại sinh được hoàng tử Chu Hựu Đường (sau này là Minh Hiếu Tông). Vạn quý phi vì sợ Kỷ Thục phi trả thù nên sai người đầu độc chết tình địch, còn đề nghị MInh Hiến Tông phế bỏ ngôi vị thái tử của Chu Hựu Đường. Ngoài ra, Minh sử cũng ghi rằng, hoàng tử Chu Hựu Cực do Bách Hiền phi sinh cũng bị Vạn phi sát hại.
Ngoài ra, Vạn phi còn bị chỉ trích là được sủng nên ngông cuồng làm rối loạn cung đình, thao túng Hiến Tông hơn 20 năm, khiến triều chính những năm cuối thời ông vua này trở nên hỗn loạn.
Tuy nhiên, theo Sohu, Vạn quý phi bị gán cho những tội ác như sát hại phi tần, hoàng tử của Minh Hiến Tông là điều rất khó tin.
Có nhiều lý do cho việc Vạn quý phi bị gán tiếng xấu. Đầu tiên là việc bà dù lớn hơn Hiến Tông tới 19 tuổi, vốn là cung nữ nhưng rồi lại trở thành vợ vua, là người phụ nữ được Hiến Tông sủng ái nhất hậu cung. Điều này khiến rất nhiều người ghét bỏ bà, bao gồm cả Chu thái hậu. Do đó, việc Vạn phi bị nói xấu cũng là điều có thể hiểu được. Bản thân nhà Minh, từ Minh Hiếu Tông đến Chu thái hậu đều không ưa Vạn quý phi, nên khi cho biên soạn Minh thực lục, những đánh giá về Vạn quý phi có thể có sai lệch.
Thứ 2 là những câu chuyện về Vạn quý phi trong Minh sử được viết vào thời nhà Thanh, dựa vào lời kể của một lão Thái giám ở Nam Kinh vào thời điểm Vạn quý phi đã qua đời gần 105 năm, hơn nữa viên thái giám này lại nghe chuyện kể lại từ Bắc Kinh nên độ tin cậy cũng không cao.
Thứ 3 là thực tế là Minh Hiến Tông cũng có nhiều hoàng tử, công chúa khác do các phi tần sinh ra nên việc cho rằng Vạn phi đầu độc long thai, diệt con cháu của Hiến Tông cũng được cho là không có tính xác thực.
Ngoài ra, Minh Hiến Tông cũng được cho là một vị vua anh minh. Không có người đàn ông nào có thể yêu một người phụ nữ máu lạnh, độc ác đắm đuối suốt đời. Thực tế, khi Vạn quý phi qua đời ở tuổi 59, Minh Hiến Tông đã đau buồn thốt lên rằng: "Trinh Nhi mất rồi, ta cũng sẽ sớm ra đi mà thôi". Quả thực, vài tháng sau, Minh Hiến Tông vì quá thương nhớ Vạn quý phi mà lâm bệnh rồi băng hà cùng năm với người phụ nữ ông yêu nhất trong cuộc đời.