Dân Việt

Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt khó trong dịch Covid-19 với… “3 tại chỗ” (bài cuối): Khuyến khích làm nếu an toàn

Anh Thơ (thực hiện) 03/08/2021 20:00 GMT+7
Về việc nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên Bộ NNPTNT khi Tiền Giang tạm dừng sản xuất "3 tại chỗ", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (ảnh) cho biết, Tiền Giang chỉ tạm dừng để rà soát và sẽ cho doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện an toàn tiếp tục sản xuất.
Ngành chế biến nông sản vượt dịch với… “3 tại chỗ” (bài cuối): Khuyến khích làm nếu an toàn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nên khuyến khích doanh nghiệp làm "3 tại chỗ" nếu đảm bảo an toàn. Ảnh: P.V

Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra, sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, các ngành chức năng đề nghị được tiếp tục sản xuất vì họ đã tốn nhiều chi phí chuẩn bị cho sản xuất "3 tại chỗ" và đang kiểm soát tốt tình hình. Quan điểm của Bộ NNPTNT thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Trước hết, khi áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" tất cả các doanh nghiệp đều phải có phương án phòng chống dịch Covid-19 vô cùng chặt chẽ, chuẩn bị các điều kiện sinh hoạt, ăn ở cho công nhân rất cẩn trọng.

Mọi phương án phải có tính khả thi, được cơ quan y tế, ngành chức năng kiểm duyệt đồng ý với phương châm phòng chống dịch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu.

Ngành chế biến nông sản vượt dịch với… “3 tại chỗ” (bài cuối): Khuyến khích làm nếu an toàn - Ảnh 2.

Sau khi Tiền Giang tạm dừng sản xuất "3 tại chỗ", Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức đã có đơn kiến nghị gửi Bộ NNPTNT. Công ty đang cung cấp nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh: T.S.T

"Nếu doanh nghiệp làm được "3 tại chỗ" mà đảm bảo an toàn thì nên khuyến khích làm vì đơn hàng sẽ không bị đứt gãy, không bị mất thị trường vào tay đối thủ. Bởi khi phục hồi sản xuất, việc lấy lại thị trường rất khó khăn".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Khi có phương án khả thi rồi thì việc kiểm soát rất quan trọng. Vừa qua, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đã làm rất tốt "3 tại chỗ" nhưng khi triển khai ở các tỉnh phía Nam, đã xuất hiện các ca F0 ngay trong nhà máy, có doanh nghiệp vài chục ca nhiễm, có doanh nghiệp lên đến hơn 200 ca.

Theo thông tin tôi nắm được Tiền Giang chỉ đang tạm dừng để rà soát, không phải là cấm ngay và không phải gây khó khăn gì. Tôi được biết, họ cũng sẽ có văn bản cho phép các doanh nghiệp đảm bảo an toàn tiếp tục sản xuất.

Tôi cho rằng trong phòng chống dịch Covid-19 và áp dụng "3 tại chỗ" nếu quá tả hoặc quá hữu sẽ rất khó, phải sáng tạo và sát thực tiễn. Thực tế, những doanh nghiệp có phương án cụ thể, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tổ chức bố trí chỗ ăn ở cho công nhân khoa học, xét nghiệm thường xuyên thì việc sản xuất "3 tại chỗ" vẫn rất hiệu quả.

Những ngày gần đây ghi nhận dòng người chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương Đồng Nai, TP.HCM đổ về quê hương. Theo Thứ trưởng, bài toán linh hoạt giữ chân công nhân để họ yên tâm ở lại, sẵn sàng sản xuất khi dịch được khống chế nên được giải quyết thế nào?

- Chúng ta đã bàn đến việc hỗ trợ giữ chân người lao động, nếu làm được thì rất tốt cho doanh nghiệp vì không phải lúc nào cũng đào tạo được công nhân lành nghề trong ngày một ngày hai. Vì khi Covid-19 được khống chế, doanh nghiệp khôi phục sản xuất mà vừa thiếu nguyên vật liệu, vừa thiếu lao động, cán bộ thì rất khó cho doanh nghiệp.

Nếu có cơ chế để doanh nghiệp hỗ trợ giữ chân người lao động là tốt nhất. Bài học từ Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, họ quyết tâm giữ chân công nhân ở lại, không cho về địa phương, vừa giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh vừa có ngay lượng lao động khi các nhà máy khôi phục sản xuất.

Đối với những doanh nghiệp cho công nhân về quê cũng phải có chế độ hỗ trợ, các địa phương có kế hoạch đón, cách ly an toàn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản, chế biến gỗ khi được hỏi đều khẳng định, giữa việc chọn tạm dừng sản xuất và sản xuất "3 tại chỗ" với nhiều thách thức, họ vẫn muốn quyết tâm duy trì sản xuất để không đứt gãy chuỗi cung ứng. Thứ trưởng có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp chế biến nông sản để duy trì sản xuất?

- Trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thủy sản, chế biến nông sản, chăn nuôi thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt. Sản xuất "3 tại chỗ" nhưng phải đảm bảo kiểm soát, đảm bảo 5K, thường xuyên xét nghiệm thì mới đảm bảo an toàn.

Nếu doanh nghiệp làm được "3 tại chỗ" mà đảm bảo an toàn thì theo tôi nên khuyến khích làm vì đơn hàng sẽ không bị đứt gãy, không bị mất thị trường vào tay đối thủ cạnh tranh, bởi khi phục hồi sản xuất, việc lấy lại thị trường rất khó khăn.

Hiện, giá gia cầm, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam đang giảm sâu, có nơi giá gà lông trắng chỉ còn 7.000 đồng/kg, nhiều ý kiến kiến nghị cho mở lại các cơ sở giết mổ nếu đảm bảo đủ điều kiện phòng chống dịch theo phương châm "3 tại chỗ". Quan điểm của Bộ NNPTNT như thế nào?

- Từ kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi của ngành nông nghiệp cho thấy, những cơ sở thực hiện tốt an toàn sinh học vẫn duy trì sản xuất tốt, an toàn. Chính vì vậy, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Y tế đối với những cơ sở giết mổ có xuất hiện ca F0 thì sau khi sát khuẩn, tiêu độc khử trùng, truy vết khoanh vùng xong phải có lộ trình cụ thể cho các cơ sở quay lại sản xuất kịp thời.

Bởi khi chợ đầu mối đóng cửa, các cơ sở giết mổ cũng không hoạt động sẽ khó khăn trong chuỗi cung ứng. Do vậy, cần có tiêu chí cụ thể để kích hoạt lại các cơ sở giết mổ vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến thị trường, đứt gãy chợ đầu mối, khó tiêu thụ nông sản. Hiện, giá gà tại Đồng Nai chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, lợn 1,2 tạ không xuất bán được "nuôi báo cô", nếu không cho mở các cơ sở giết mổ nông dân thiệt hại kép.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"