Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với... “3 tại chỗ” (bài 4): Tăng lương để yên tâm bám vườn, xưởng
Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với... “3 tại chỗ” (bài 4): Tăng lương để yên tâm bám vườn, xưởng
Trần Quang
Thứ bảy, ngày 31/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tăng lương, tăng các chế độ dinh dưỡng, làm công tác tư tưởng... là biện pháp mà nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang thực hiện để hỗ trợ công nhân "3 tại chỗ" thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất an toàn.
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát ở Biên Hòa (Đồng Nai) đang tất bật chỉ đạo, điều tiết công nhân tại các đầu mối vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm vào các siêu thị ở Hà Nội và TP.HCM.
Công ty Chuối Gia Huy Phát của anh Dũng đang trồng 168ha chuối ở các địa bàn Nhơn Trạch (Đồng Nai) (20ha), Tân Châu (Tây Ninh) (18ha), Đăk Lăk (110ha), Tân Kỳ (Nghệ An) (20ha). Ngoài ra công ty còn đầu tư và bao tiêu cho bà con nông dân ở các tỉnh thêm khoảng 250ha.
Thời điểm trước dịch, mỗi tháng đơn vị của anh Dũng thường xuyên xuất khẩu gần 200 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... Tuy nhiên, sau khi xuất hiện đại dịch, các đơn hàng xuất khẩu bị tạm ngừng, anh lại tập trung đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn ở trong nước.
"Dù có dịch nhưng công ty chúng tôi vẫn duy trình được sản xuất và cung cấp hàng đều đặn cho các siêu thị lớn ở TP.HCM và Hà Nội mỗi ngày khoảng gần 100 tấn chuối"-anh Dũng tiết lộ.
"Mặc dù đơn vị đã đăng ký "luồng xanh" qua mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, song việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" vẫn rất chậm so với yêu cầu và nhu cầu thực tế cần phải vận chuyển gấp hàng hóa thiết yếu".
Anh Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc
Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát
Để duy trì được sản xuất, bên cạnh việc chủ động tăng thêm lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng cho các công nhân viên, Công ty Chuối Gia Huy Phát cũng đã đầu tư mua sắm các đồ dùng, thực phẩm thiết yếu để phục vụ nhân viên của mình yên tâm "3 tại chỗ" ở các xưởng, nhà vườn đảm bảo mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ không bị đứt gãy.
Sau khi cắt giảm nhân công thời vụ, lúc này Công ty Chuối Gia Huy Phát còn duy trì trên 300 người, với mức lương thấp nhất khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có nhiều cán bộ lâu năm được trả mức trên 30 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Ba Miền ở Bạc Liêu vẫn đang duy trì hàng chục người để đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm cho thị trường Hà Nội. Ông Ngô Minh Xuyên- quản lý thị trường phía Nam của Công ty Ba Miền cho biết, so với thời điểm trước dịch, sản lượng hàng tiêu thụ của đơn vị giảm rất nhiều nhưng công ty công gắng bảo đảm thu nhập, công việc cho các công nhân.
Đoàn kết vượt đại dịch
Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng chống đại dịch Covid-19, Công ty CP Tiên Viên ở Chương Mỹ (Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm trứng, con giống, thịt gà thương phẩm...
Đến ngày 28/7, Công ty Tiên Viên mới xin được "luồng xanh" để vận chuyển hàng thiết yếu ra vào Hà Nội thì các khó khăn mới dần được tháo gỡ.
Ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty Tiên Viên cho hay: "Hai ngày đầu giãn cách chúng tôi bị thiệt hại rất nặng, mất nhiều đầu mối khách hàng... nhưng đến nay, mọi công việc sản xuất đã dần đi vào ổn định".
Ông Tiên chia sẻ: Ngày 28 và 29/7, công ty đã lên kế hoạch hỗ trợ công nhân thực hiện "3 tại chỗ" (vừa ăn, vừa ở, vừa làm việc) để đảm bảo an toàn trong sản xuất cũng như trong phòng chống đại dịch.
Hàng ngày, Công ty Tiên Viên đưa ra thị trường khoảng 100.000 quả trứng gà VietGAP các loại, cùng 6 vạn gà giống/tuần...
Theo ông Tiên, dù công ty đang khó khăn, sản lượng sản phẩm đưa ra thị trường giảm 2/3 so với trước nhưng gần 50 cán bộ, công nhân viên của đơn vị luôn đoàn kết, cùng nhau nỗ lực để vượt khó.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho đơn vị mình, bên cạnh việc đảm bảo, phân luồng cho các phương tiện vận tải chở hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân sản xuất, tiêu dùng, ông Tiên cũng đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ GTVT, Bộ Công Thương và UBND TP.Hà Nội nên bổ sung thêm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như máy ấp trứng, máy nông nghiệp vào danh sách mặt hàng thiết yếu giúp cho các doanh nghiệp, người dân làm ăn thuận lợi hơn.
Hiến kế cho Nhà nước phòng chống đại dịch hiệu quả, một số lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng tiêm vaccine cho các đối tượng giao hàng, công nhân viên tiếp thị ở các địa phương để đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.