Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với… “3 tại chỗ” (bài 6): Điểm sáng từ Bắc Ninh
Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với… “3 tại chỗ” (bài 6): Điểm sáng từ Bắc Ninh
Khương Lực
Thứ hai, ngày 02/08/2021 20:28 PM (GMT+7)
Trong đợt dịch lần thứ 4, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận khoảng 645 ca mắc Covid-19 tại các doanh nghiệp trong 6 khu, cụm công nghiệp. Nhưng với nhiều giải pháp sáng tạo, thậm chí chưa có tiền lệ, tỉnh Bắc Ninh đã ngăn chặn thành công dịch Covid-19 xâm lấn từ cộng đồng vào các doanh nghiệp.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh, đến nay đã có khoảng 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động 314.203/320.485 người trở lại làm việc. Hầu hết các doanh nghiệp có ý thức cao trong công tác phòng chống dịch, tuân thủ đầy đủ các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch.
Trường hợp Công ty TNHH Goertex Vina (Khu công nghiệp Quế Võ, TP.Bắc Ninh) là một ví dụ. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện những chủ trương phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Ninh, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch.
Đến nay, công ty xác định 23 trường hợp F0, tất cả các trường hợp đều xảy ra ngoài khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp không bị gián đoạn sản xuất.
Với mục tiêu đưa phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu, công ty bố trí khoảng 5.000 công nhân, người lao động (trên tổng số 28-30 ngàn công nhân) lưu trú, ăn ở và làm việc tại nhà máy để đáp ứng đơn hàng của đối tác.
"Đến nay, khi trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, công ty đã thu hút được 90% người lao động quay trở lại làm việc", đại diện Công ty TNHH Goertex Vina cho biết.
Bà Võ Thị Hải Âu, Tổng Trưởng phòng Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric cho biết, khi thực hiện bố trí công nhân lưu trú, ăn ở và làm việc tại nhà máy, công ty bố trí được khoảng gần 700 lao động.
Khi tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Ninh được khống chế, công ty đã trở lại hoạt động bình thường như trước dịch. Tuy nhiên, khi TP.Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 thì hơn 100 công nhân, người lao động ở Hà Nội đang phải thực hiện lưu trú, ăn ở và làm việc tại công ty.
Theo bà Âu, việc bố trí lưu trú, ăn ở và làm việc tại công ty đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp lên rất nhiều. Cụ thể như khoản tăng thêm 30% lương cho người lao động, doanh nghiệp phải chi tiền xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân, người lao động, 1 tháng hết khoảng 200 triệu đồng…
Ông Joshitaka Nagakawa, Giám đốc Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Bắc Ninh (KCN VSIP, Bắc Ninh) cho biết, thực hiện theo quy định phòng, chống dịch của Bắc Ninh trong điều kiện dịch bệnh chưa được kiểm soát, công ty thuê nhà nghỉ cho 288 người lao động lưu trú và có xe đưa đón đảm bảo quy định; đồng thời hỗ trợ mỗi người 50.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ 3 bữa/ngày, tăng khẩu phần ăn, bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch và hiệu suất làm việc.
Đối với số công nhân tạm thời nghỉ việc, công ty chi trả lương cơ bản. Nhờ chủ trương cho người lao động lưu trú và làm việc tại nhà máy đã giúp doanh nghiệp bảo toàn nguồn nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất, với sản lượng đạt khoảng 90% so với khi chưa có dịch, đáp ứng được nhu cầu của các đối tác.
Đến nay, bước sang giai đoạn bình thường mới, dù công ty đã tổ chức cho 100% người lao động trở lại làm việc nhưng việc phòng dịch được kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây.
Ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh đáp ứng được khoảng 30.000 chỗ ở trong các khu ký túc xá, tương đương khoảng 10% số lượng công nhân đang làm việc trong doanh nghiệp tại các KCN.
Quyết định "cân não" khi áp dụng 3 tại chỗ
Trong những ngày đầu tháng 5/2021, tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận dịch Covid-19 ở một số doanh nghiệp lớn như Công ty Samsung Electronics, Công ty TNHH Canon Việt Nam... và có trên 50.000 lao động phải nghỉ việc do tác động của dịch Covid-19.
Thời điểm ngày 26/5, tỷ lệ các ca bệnh trong khu dân cư là 89%, trong khu công nghiệp là 11%. Sau đó một tuần, tỷ lệ ca bệnh trong KCN tăng nhanh lên mức 23%.
Và từ ngày 2/6/2021, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định áp dụng bố trí công nhân lưu trú, ăn ở và làm việc tại nhà máy, đồng thời, công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư.
Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, đây là việc khó đối với các doanh nghiệp, người lao động nhưng để phòng, chống dịch Covid-19 không xâm nhập vào các doanh nghiệp thì bắt buộc chúng ta phải làm. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng thì sẽ phải đóng cửa.
Ngày 18/6, khi nói về mô hình lưu trú, ăn ở và làm việc tại nhà máy, ông Tuấn cho biết do xét nghiệm ngay từ đầu nên trong 877 doanh nghiệp hoạt động, chỉ duy nhất xuất hiện chùm 7 ca bệnh tại Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam do ủ bệnh từ trước.
Đến nay khi sản xuất trong điều kiện bình thường, các công nhân ăn 3 bữa tại nhà máy, rời nhà máy sau 20 giờ và phải thực hiện cam kết "2 điểm đến, 1 cung đường", 21 giờ hằng ngày nhà trọ điểm danh, công an và chính quyền xử phạt nếu công nhân ra đường và người kinh doanh khu vực nhà trọ còn bán hàng sau giờ này vì công nhân là đối tượng cần được bảo vệ.
Bắc Ninh là địa phương có mật độ dân số dân số cao, đứng thứ 3 cả nước. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 450.000 công nhân, trong đó 75,6% là lao động của 21 tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, thuê trọ trong các làng, xã gần cạnh các khu, cụm công nghiệp.
Không chỉ có vậy, tỉnh Bắc Ninh cũng có độ mở kinh tế rất lớn, với 37 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào và 13.000 chuyên gia đến từ các nước sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Điều này đã tạo ra áp lực vô cùng lớn cho công tác phòng chống dịch.
Mới đây, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp sắp xếp người lao động của công ty theo hướng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", từ đó bố trí công nhân của công ty thuê cùng 1 khu nhà trọ, cùng 1 khu vực để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.