Băn khoăn chuyện giữ lại cây hay chặt bỏ là tâm tư của nhiều người trồng nhãn ở xã Quân Chu hiện nay.
Nằm sát chân núi Tam Đảo hùng vĩ, xã Quân Chu có khí hậu trong lành, mát mẻ, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây ăn quả.
Cây nhãn sinh sôi trên mảnh đất này từ những năm 70 của thế kỷ trước khi một số người dân gốc Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên Quân Chu xây dựng kinh tế. Hợp đất, hợp khí hậu nên cây nhãn phát triển nhanh, cho quả to, cùi dày, vị ngọt đậm, khác hẳn nhãn những nơi khác, trở thành cây trồng mũi nhọn của xã.
Vào chính vụ, xe của thương lái khắp nơi tấp nập về đây thu mua nhãn. Chạy xe một vòng quanh xã, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những vườn nhãn rộng mênh mông, nhãn xòa bóng mát hai bên đường. Chỉ có điều lạ là không cây nhãn nào có quả.
Bà Phan Thị Đoán, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Tân Tiến cho hay: Tổng diện tích đất tự nhiên của xóm là trên 100ha, trong đó diện tích nhãn chiếm gần 60%, có những nhà trồng tới 2-3ha nhãn là chuyện thường.
Nhờ có cây nhãn, những năm qua, người dân trong xóm có thu nhập ổn định, con cái có điều kiện học hành. Như những vụ trước, tầm này nhãn phải sai trĩu cành, nếu nhãn chín sớm là tháng 5, tháng 6 Âm lịch được thu, thật buồn là năm nay không một cây nhãn nào trong vùng có quả.
Theo người dân trong vùng, chưa năm nào bà con bị mất trắng. Có chăng là năm được nhiều, năm được ít, có cây sai quả, cây ít quả hơn, người dân cùng lắm là hòa vốn. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, thời tiết khắc nghiệt hơn, nhiều cây nhãn không cho thu quả.
Riêng năm nay, nhãn rất sai hoa song mưa liên tục từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch đã làm hoa nhãn bị nhiễm nấm, thâm đen và thối. Nhiều hộ dân chán nản đã chặt bỏ toàn bộ để thay thế bằng cây trồng khác, một số hộ cũng đã chặt tỉa bớt để trồng xen bằng chuối, bưởi, ổi, các giống cây ngắn ngày…
Anh Nguyễn Như Hải, ở xóm Tân Tiến cho biết: Gia đình tôi có hơn 1ha trồng nhãn, mỗi năm cho trên 10 tấn quả với giá bán trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Hiện tôi đã chặt hạ gần 20 cây để dành diện tích trồng những cây khác. Mặc dù rất tiếc bởi phần đa đều là cây đã 10-13 năm tuổi, nhưng làm kinh tế thì phải có hiệu quả, nếu cây không cho thu nhập thì chúng tôi buộc phải xoay xở cách khác.
Kế bên xóm Tân Tiến, một số hộ dân ở xóm Chiểm cũng đã chặt bỏ nhãn để thay thế bằng một số giống cây khác. Đơn cử như gia đình chị Bàn Thị Hồng có hơn 1ha nhãn cũng đã chặt khoảng 70% để trồng đu đủ, ổi, chuối, số diện tích nhãn còn lại chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình.
Theo các hộ, dù có áp dụng tiến bộ kỹ thuật điều khiển cho nhãn ra hoa, đậu quả thì yếu tố này cũng chỉ quyết định được 30%, còn lại 70% vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Trong khi đó, vùng đất Quân Chu lại hay bị ảnh hưởng bởi mưa bão, nên việc trồng trọt của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quân Chu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Cách đây 4-5 năm trước, cây nhãn từng là cây trồng mũi nhọn của người dân trong xã.
Diện tích nhãn toàn xã đạt gần 90ha, trong đó 60ha diện tích cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở xóm Tân Tiến, Chiểm, Tân Yên và rải rác ở các xóm lân cận. Năng suất bình quân đạt 12-15 tấn quả/ha. Những năm gần đây, do thời tiết bất thuận nên ảnh hưởng lớn đến sản lượng của cây.
Trước tình trạng một số hộ dân chặt tỉa, chặt trắng nhãn để chuyển đổi sang các giống cây trồng khác, chúng tôi cũng rất trăn trở và đã tuyên truyền tới các hộ dân bình tĩnh tính toán, không vì mất mùa mà vội chặt bỏ cây. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ người dân, tránh tình trạng “trồng - chặt” rồi lại “chặt - trồng”…