Nam Định: Nổi lập lờ la liệt ngoài biển là con gì mà dân vớt bán kiếm vài triệu, con màu đỏ ăn mới bổ?

Thứ năm, ngày 13/05/2021 19:26 PM (GMT+7)
Tháng 5, những cơn gió biển dường như cũng mát hơn, mặt biển được ánh nắng hè chiếu sáng càng rộng dài hơn. Đang vào mùa sứa, ở các xã ven biển trên địa bàn tỉnh Nam Định, ngư dân bận rộn thu hoạch “lộc của biển”.
Bình luận 0

Những năm trở lại đây, khi người dân ngày càng ưa dùng các sản phẩm chế biến từ sứa như: nộm sứa, sứa ăn liền…, nghề đánh bắt và chế biến sứa ở tỉnh Nam Định phát triển mạnh, đem lại thu nhập đáng kể cho ngư dân.

Nam Định: Nổi lập lờ la liệt ngoài biển là con gì mà dân vớt bán kiếm vài triệu, con màu đỏ ăn mới bổ? - Ảnh 1.

Sơ chế sứa tại cơ sở gia đình ông Phạm Văn Tuyến, khu 19, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Vào mùa sứa, từ 2-3h sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Minh, xã Hải Triều (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) lại cùng người anh em của mình ra khơi vớt sứa. 

Tùy theo thủy triều, con nước, mỗi ngày thuyền của ông có thể ra khơi 2 chuyến. Công cụ đánh bắt sứa của ông Minh rất đơn giản, bao gồm vài tấm lưới và…sức khỏe. 

Dong thuyền cách đất liền khoảng 4-5 hải lý, lựa chiều gió nhẹ, ông Minh bắt đầu buông lưới. “Con sứa có đặc điểm rất lạ, chỉ nổi vào những hôm đẹp trời và có gió nhẹ. Vì vậy, trước khi đánh bắt sứa, việc đầu tiên của ngư dân là phải quan sát xem hôm đó gió to hay nhẹ”, ông Minh cho biết. 

“Quy trình” đánh bắt sứa gồm: Sứa khi mắc vào lưới được những ngư dân nhanh chóng kéo khỏi mặt nước, sau đó dùng tay không ôm sứa ném vào lòng thuyền. Nghe qua thì đơn giản, nhưng “kỹ thuật ôm sứa” không phải dễ dàng. 

Hầu hết sứa đều rất nặng, thậm chí có con lên đến vài chục kg nên đòi hỏi người đánh bắt sứa phải có sức khỏe. Sứa có nhiều gai nên quá trình bắt, ngư dân phải thật cẩn thận, tránh để bị gai “chích” vào người. Nước dãi sứa rất độc, nếu bị sứa chích ban đầu thì ngứa ngáy, nổi mề đay, nặng hơn có thể gây thối thịt.

Ông Minh cũng như nhiều ngư dân khác đã không ít lần “nếm” cảm giác tê người vì bị sứa chích. Sứa có nhiều loại, tuy nhiên hiện nay ngư dân trong tỉnh Nam Định thường hay đánh bắt được là sứa trắng (hay còn gọi là “sứa rô”). 

Trong các giống sứa thì sứa đỏ là loại hiếm và có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Tuy nhiên do điều kiện vùng biển nước ta không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của sứa đỏ nên hầu như rất hiếm gặp loại này.

Trong mùa sứa, may mắn lắm ngư dân các vùng biển mới có thể đánh bắt được 1-2 con sứa đỏ. Vì là giống quý, giá trị dinh dưỡng cao nên khi vớt được sứa đỏ, ngư dân tỉnh Nam Định sẽ chỉ dùng để “tẩm bổ”. 

Mùa sứa năm nay, đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi chuyến ra khơi, thuyền của ông Minh bắt được khoảng 300-500 con sứa. Với giá bán dao động từ 10-15 nghìn đồng/con, sau khi trừ chi phí, ông thu về từ 2-4 triệu đồng/chuyến. 

“Năm ngoái có thời điểm giá sứa lên 25 nghìn đồng/con, doanh thu của ngư dân có ngày có thể đạt gần 10 triệu đồng. Năm nay giá sứa thấp hơn, chi phí xăng dầu cao nhưng bù lại, sứa về nhiều, con cũng to hơn mọi năm nên chúng tôi vẫn có thu nhập ổn định”, ông Minh phấn khởi cho biết thêm.

Sứa sau khi được ngư dân đánh bắt về bờ nhanh chóng được các thương lái thu mua. Vào mùa sứa, không chỉ có ngư dân bận rộn mà các cơ sở chế biến sứa cũng “chạy hết công suất”. 

Chúng tôi đến cơ sở chế biến sứa của gia đình ông Phạm Văn Tuyến, khu 19, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và được chứng kiến nhịp làm việc khẩn trương, sôi động ở đây. 

Cả xưởng chế biến rộng mênh mông chất đầy những con sứa rô trắng tinh chờ sơ chế. Tại đây, nhân công làm việc không kể ngày đêm, máy tời sứa lên tới đâu, lập tức sơ chế đến đó. Sứa được cắt rời thành các phần riêng biệt bao gồm: chân, tay, óc, dù (thân) và cho vào bể nước ngọt “quay”. 

Thời gian quay thường từ 6-8 tiếng để loại hết vị mặn trong con sứa. Sau khi đã loại bỏ được vị mặn, sứa được vớt lên cho vào một bể khác có pha muối, phèn chua để bảo quản. 

“Sứa thành phẩm có để được lâu hay không phụ thuộc vào các yếu tố, thời gian quay và lượng muối, phèn pha phù hợp khi ngâm. Vì đây là các công đoạn đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao lẫn kinh nghiệm của người làm nghề nên tôi thường chọn các thợ lâu năm để sơ chế sứa”, ông Tuyến chia sẻ. 

Cũng theo ông Tuyến, một mẻ sứa chất lượng phải đạt các yêu cầu: Miếng sứa trong suốt, cầm lên nhìn có ống nước di chuyển bên trong, đạt độ cứng, giòn nhất định. Sứa ngâm trong dung dịch muối, phèn 3 ngày là có thể ăn được. 

Sản phẩm sứa sau khi sơ chế được bảo quản ở 25 độ mặn, được đóng vào những thùng gỗ thông chắc chắn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Những năm gần đây người dân ưa dùng các sản phẩm chế biến từ sứa như: nộm sứa, sứa ăn liền nên nghề đánh bắt và chế biến sứa phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho cả ngư dân và các hộ làm nghề chế biến. 

Vụ sứa năm 2020, cơ sở của ông Tuyến xuất bán trên 2.000 thùng sứa. Với giá bán trung bình 150 nghìn đồng/thùng, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng. 

Mùa sứa năm 2021, mỗi ngày cơ sở của ông Tuyến tạo việc làm cho gần 40 lao động với thu nhập từ 500-700 nghìn đồng/người/ngày. Họ làm việc liên tục 24/24 giờ, sơ chế từ 15-20 nghìn con sứa. Hiện, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 31 cơ sở chế biến sứa.

Năm 2020, năng suất chế biến sứa toàn tỉnh Nam Định đạt 426 tấn thành phẩm. Các sản phẩm sứa biển ăn liền của Công ty Cổ phần chế biến hải sản Nam Định, Công ty TNHH Vạn Hoa, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được công nhận sản phẩm OCOP “3 sao” của tỉnh. 

Đây là tiền đề quan trọng giúp sản phẩm sứa Nam Định có chỗ đứng trên thị trường, là động lực giúp ngư dân vươn khơi bám biển làm giàu.

Mùa sứa thường bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 3 âm lịch năm sau. Đón những cơn gió nam mát mẻ, những ngư dân chăm chỉ đêm đêm lại chuẩn bị đồ nghề ra biển đánh bắt sứa. Tháng 4 trở đi, khi mùa hè bắt đầu, những cơn mưa nhiều hơn kéo theo sấm chớp dội khắp mặt biển, sứa có hiện tượng teo dần và chết và khi ấy mùa sứa kết thúc. 

Tuy nhiên năm nay, theo những ngư dân, mùa sứa đến muộn hơn do thời tiết bất thường, không khí lạnh khô kéo dài. Vì thế, trên các vùng biển, ngư dân vẫn đang tấp nập cho mùa đánh bắt sứa. Và tại các xưởng chế biến, không khí làm việc cũng không kém phần tất bật, nhộn nhịp. 

Đánh bắt sứa là công việc nặng nhọc, vất vả, tuy nhiên nghề bù lại cho những ngư dân “ăn sóng nói gió” thu nhập ổn định. 

“Vào mùa sứa, một trong những cái “lãi” lớn nhất của ngư dân là được ngắm nhìn cảnh biển đêm tuyệt đẹp khi sứa nổi. Giữa đại dương bao la, tối sẫm, từng đàn sứa phát sáng, mềm mại, uốn lượn đi lại tạo nên khung cảnh như thực, như hư, “mê” vô cùng.

Đây không phải là cảnh tượng ai cũng có thể thấy. Những lúc được ngắm nhìn biển đêm đẹp như thế, tôi cũng thấy lòng nhẹ vơi, bớt mệt nhọc, thấy yêu nghề, yêu biển trời quê hương hơn. Ông Minh xúc động chia sẻ về hành trình vài chục năm đi biển vớt “lộc trời”.

Nguyễn Hoa Xuân (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem