Khó khăn đủ đường
Ông Lâm Văn Tính - cố vấn cho Hợp tác xã (HTX) Thái Thanh (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) cho biết, HTX đang có trên 300 tấn nhãn Thanh và nhãn Ido.
Tuy nhiên, hiện nay, nhãn Thanh chỉ bán được với giá 35.000 đồng/kg trong khi cùng kỳ năm trước giá 75.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp cho ông hay, giá nhãn giảm là do dịch Covid-19 nên khó vận chuyển, cước vận chuyển tăng (gấp 4 lần so với cùng kỳ), nhu cầu xuất khẩu ít.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, các chốt kiểm soát ở các địa phương phải chủ động, linh hoạt, không cứng nhắc, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa vẫn phải đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Cũng theo ông Tính, số lượng nhãn loại trái nhỏ chưa đạt xuất khẩu của HTX rất nhiều nhưng khó tiêu thụ tại địa phương.
Để giải quyết tình trạng này, HTX chở đi TP.Long Xuyên (An Giang) bán nhưng lại tiếp tục gặp khó khăn khi qua các chốt kiểm soát mặc dù hàng vận chuyển là nông sản cần tiêu thụ gấp.
Ngoài HTX Thái Thanh, rất nhiều sản lượng Thanh nhãn, nhãn Ido, chuối cấy mô nằm trong Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) cũng gặp khó khăn tương tự.
"Hiện, Nông trường Sông Hậu có khoảng 200ha Thanh nhãn và nhãn Ido, với sản lượng khoảng 1.600 tấn trái (bình quân 8 tấn/ha)" - ông Nguyễn Thanh Phú - Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết.
Theo ông Phú, do tiêu thụ không được nên giá nhãn giảm mạnh, nhãn Ido chỉ còn 6.000 đồng/kg (trong khi cùng kỳ năm trước từ 25.000 - 30.000 đồng/kg). Còn Thanh nhãn, hiện chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, nhiều diện tích trồng dưa lê ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ không tiêu thụ được.
Bà Lê Thị Mỹ Liễu (ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình) cho hay, đang có 1,3ha dưa lê, ước sản lượng đạt từ 7-8 tấn chưa thể bán do thương lái không đến mua. Bà Liễu lo lắng và cho rằng, nếu tiếp tục không bán được, số dưa lê này sẽ hư vì đã quá ngày thu hoạch.
Nỗ lực giúp dân
Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ cho biết, phía Hội đang phối hợp với Sở Công Thương, Sở NNPTNT và Liên đoàn Lao động TP.Cần Thơ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của hội viên nông dân thông qua nhiều kênh bán lẻ, bán hàng bình ổn.
Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, phần lớn, nông sản bà con nông dân gặp khó khăn ở chỗ lưu thông, mua bán. Phía Sở đã nắm hết số lượng, địa chỉ, kể cả số điện thoại của hộ dân, tổ hợp tác, HTX cần bán nông sản.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho hay, trong vài ngày tới, Sở sẽ ra mắt website chuyên về lĩnh vực kết nối cung cầu, phục vụ riêng trên địa bàn thành phố. Trang web này sẽ giúp người mua và người bán kết nối với nhau được nhanh và hiệu quả hơn.
Ông Trần Hải Long - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho biết, đối với các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, Sở sẽ kết nối đưa vào siêu thị, đối với mặt hàng chưa có giấy chứng nhận VietGAP sẽ đưa vào các điểm bán nhỏ hơn.
Trước tình hình nhiều mặt hàng nông sản còn tồn đọng, tỉnh Hậu Giang đã thành lập 12 điểm đầu mối tiêu thụ cho người dân.
Các điểm đầu mối trên sẽ kết nối với 402 điểm đầu mối khác của các tỉnh, thành phố phía Nam do Tổ công tác tiền phương của Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương trực tiếp điều tiết và phân phối tiêu thụ nông sản.
Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương hàng ngày báo cáo về tình hình thu hoạch và số lượng nông sản dự kiến cần tiêu thụ để Sở kết nối với Tổ tiền phương của Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương xem xét phân phối cho những địa phương có nhu cầu.
Ngoài ra, ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thành lập tổ thu hoạch và thu mua nông sản cho người dân.
Các tổ này có thể bố trí nằm trên các tuyến đường thuộc diện ưu tiên (luồng xanh) nhằm thuận tiện trong việc vận chuyển nông sản.
Hiện, tỉnh Hậu Giang cũng tính đến phương án cung cấp nông sản cho các điểm cách ly tập trung thông qua tổ thu hoạch và thu mua nông sản.
Liên quan đến việc các thương lái mua tôm gặp khó khăn khi đi lại giữa huyện Trà Cú và huyện Duy Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã yêu cầu chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho thương lái trong tỉnh được đi lại để thu mua nông, thủy sản của người dân đến kỳ thu hoạch.
Cụ thể, các chốt kiểm soát chỉ yêu cầu thương lái đến địa phương khai báo đến mua tại địa điểm nào và xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 3 ngày.
Khi thương lái trở về địa phương phải khai báo với trạm y tế xã, nếu giấy xét nghiệm âm tính quá 3 ngày thì test lại và cho về nhà tự cách ly, theo dõi sức khỏe.
Đồng thời, yêu cầu những người này cam kết tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch bệnh.