Thống kê 10 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn giao dịch chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế tăng tới 21,7% so với cùng kỳ, đạt 2.530 tỷ đồng.
Theo khảo sát, trong 10 doanh nghiệp được thống kê chỉ có 2 doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận đi lùi trong nửa đầu năm nay đó là Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI).
Trong đó, lũy kế 6 tháng đầu năm PRE lãi trước thuế 82 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 12% so với cùng kỳ, còn gần 65 tỷ đồng - chủ yếu do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm 20% trong khi hoạt động tài chính có lợi nhuận đi ngang.
Năm 2021, PRE dự kiến đạt 1.769 tỷ đồng doanh thu và hơn 170 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 7% và 6% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 6 tháng, Công ty mới thực hiện được 24% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế của PTI giảm tới 21%, xuống chỉ còn 120 tỷ đồng nửa đầu năm. Lợi nhuận ròng của PTI đạt hơn 96 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính giảm 5% và 13% lợi nhuận.
Năm 2021, PTI đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 208 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện của năm 2020. So với kế hoạch này, Tổng Công ty đã thực hiện được 46% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Ngược lại, trong nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng dương trong nửa đầu năm đa số đều có mức tăng trưởng trên 20%, trong đó ghi nhận mức tăng lợi nhuận cao nhất là Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) với trên 35%, đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
6 tháng đầu năm, VNR đạt hơn 181 tỷ đồng lãi ròng, tăng 52% so với cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và tài chính lần lượt tăng 39% và 62%.
Năm 2021, VNR đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau nửa năm, Công ty đã thực hiện được 58% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tiếp theo là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HOSE: PGI) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HOSE: MIG) với mức tăng lần lượt 33% và 30% so với cùng kỳ.
Đà tăng nhẹ nhất thuộc về Công ty bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC- ABI) chỉ 0,5%, báo lãi trước thuế 209 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng của ABI đạt hơn 167 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước dù lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều giảm.
Năm 2021, ABI đặt mục tiêu đạt 2.058 tỷ đồng phí bảo hiểm gốc, tăng 8% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 18%, còn 300 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, sau 6 tháng, ABI đã thực hiện được 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Xét về giá trị tuyệt đối, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đang dẫn đầu nhóm này với hơn 1.100 tỷ đồng và lãi thấp nhất thuộc về Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) chỉ với 78 tỷ đồng.
Cùng với sự phân hóa về lợi nhuận, năng suất bình quân giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thống kê cũng có sự phân hóa mạnh.
Thống kê của Dân Việt cho thấy, có 3 doanh nghiệp có năng suất cao, theo đó mỗi nhân viên bình quân làm ra hơn 300 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng là VNR, PRE và BVH.
Tại VNR, số nhân sự tính đến cuối tháng 6 là 101 người không đổi so với đầu năm. Lợi nhuận bình quân/người/tháng đạt 363 triệu đồng.
Với 42 nhân sự, PRE làm ra 82 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm. Bình quân, hơn 321 triệu đồng lợi nhuận/người/tháng.
Tại Tập đoàn Bảo Việt, báo cáo hợp nhất không công bố số lượng nhân viên tại thời điểm cuối tháng 6/2021. Tuy nhiên, nếu dựa trên kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính riêng lẻ, mỗi nhân viên của Bảo Việt làm ra bình quân khoảng 338 triệu đồng lợi nhuận trước thuế trong một tháng.
Không phải là doanh nghiệp có lợi nhuận thấp nhất trong số các doanh nghiệp được Dân Việt thống kê, song số lương nhân viên tính đến cuối tháng 6 của PTI từ đầu năm đến nay luôn duy trì trên 2,400 nhân sự. Với con số lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, bình quân mỗi nhân viên PTI chỉ làm ra dưới 10 triệu đồng lợi nhuận/tháng.
Báo cáo Bảo hiểm Toàn cầu Allianz mới nhất cho biết ngành bảo hiểm đã vượt qua cơn bão Covid-19 với khả năng phục hồi tốt hơn. Bối cảnh "bình thường mới" tiếp theo sẽ mở ra những cơ hội mới khi tăng trưởng được kỳ vọng cho cả ngành bảo hiểm và nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, 75% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report đã ghi nhận kết quả tích cực trong quý I/2021. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn bùng phát dịch thứ tư liên quan đến biến chủng của virus với những diễn biến phức tạp và khó lường, các doanh nghiệp trong ngành trở nên thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh những tháng cuối năm.
Theo đó, chỉ có khoảng 52,9% doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lạc quan với kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, giảm đáng kể so với mức 90,5% của năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng kinh doanh khó khăn hơn tăng mạnh từ 4,8% lên 35,3%.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù đã có vaccine phòng ngừa Covid-19 nhưng thử thách phía trước vẫn rất khó lường nên khó có thể đưa ra dự báo cụ thể về mức tăng trưởng năm 2021 của ngành nói chung.