Nghịch lý: Thu bộn tiền mùa dịch Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm vẫn bốc hơi” 70%
Nghịch lý: Thu bộn tiền mùa dịch Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm vẫn "bốc hơi” 70%
Huyền Anh
Thứ ba, ngày 19/05/2020 11:47 AM (GMT+7)
Quý I/2020, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận mức doanh thu bảo hiểm tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, lợi nhuận lại có “chỗ trồi, chỗ sụt”. Thậm chí “anh cả” trên thị trường bảo hiểm là BVH báo lãi sau thuế hợp nhất chỉ vỏn vẹn 115 tỷ đồng, giảm 72% do bắt đầu “ngấm đòn” Covid-19.
Trong những tháng đầu năm khi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực bảo hiểm cũng không phải ngoại lệ nhưng lại được nhìn nhận là một trong những ngành "đề kháng" tốt với Covid-19. Thậm chí, cũng có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm còn được hưởng lợi khi tranh thủ cơ hội tung ra các gói bảo hiểm "ăn theo" Covid-19 trước khi bị Thủ tướng "tuýt còi" vào tháng 4/2020.
"Ăn theo" Covid-19, doanh thu bảo hiểm tăng cao
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng này được giải thích là do hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý I/2020 với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh.
Điều này phần nào được thể hiện qua sự tăng trưởng về doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý I/2020 ở hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Kéo theo đó, bức tranh lợi nhuận của một số doanh nghiệp cũng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) công bố mới đây cho thấy, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm trong kỳ của BIC tăng từ mức 366 tỷ đồng lên 383 tỷ đồng. Chốt quý, lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất của BIC lần lượt tăng trưởng 25% và 19% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả, BIC báo lãi trước thuế 84,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng.
Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), PJICO ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận đề tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần đạt trên 669 tỷ đồng, tăng 13% và lơi nhuận sau thuế hơn 42 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một công ty bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ khác là CTCP Bảo hiểm PVI cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực song có phần "khiêm tốn" hơn. Báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2020 của PVI cho thấy doanh thu tăng 51% lên 79 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 2% lên 170 tỷ đồng.
Bắt đầu nỗi lo "ngấm đòn"
Dù doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhanh trong quý I/2020, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí có những doanh nghiệp lợi nhuận "bốc hơi" trên 70%. Tuy nhiên, điểm chung trên các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ là do hoạt động đầu tư bắt đầu "ngấm đòn" trước tác động của dịch Covid-19.
Đơn cử như với Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), tuy doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt hơn 944,5 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế bắt đầu có biến động. Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) về biến động kết quả kinh doanh quý I/2020, BMI cho biết, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm nay đạt hơn 40,9 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2019 do thị trường chứng khoán biến động xấu, giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư của BMI giảm mạnh, dẫn đến tăng đột biến chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Trong khi đó, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông của em gái bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) – một trong những doanh nghiệp tiên phong tung ra sản phẩm bảo hiểm "ăn theo" dịch Covid-19, trước khi bị tuýt còi cũng ghi nhận mức tăng 2% doanh thu lên 541 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,7 tỷ, giảm 32% so với cùng kỳ.
Sự sụt giảm này chủ yếu là do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Viễn Đông tăng từ mức 341 tỷ lên tới 366 tỷ đồng vào quý I/2020 và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm hơn 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 1I2020 đạt 498,8 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 28,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số của cùng kỳ là 29,6 tỷ đồng.
Là "anh cả" trên thị trường bảo hiểm với thị phần dẫn đầu cả trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (Mã: BVH) báo lãi sau thuế hợp nhất đạt 115 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, doanh thu phí bảo hiểm thuần trong kỳ của Tập đoàn vẫn ghi nhận mức tăng 6,5% lên 7.878 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bồi thường bảo hiểm gốc và chi trả đáo hạn tăng nhẹ lên 3.232 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của hoạt động bảo hiểm ghi nhận âm 163 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm gần 5% xuống 1.279 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận từ công ty liên kết và đơn vị đồng kiểm soát tăng 5% lên 21 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm tăng từ 7 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là CTCP Bảo hiểm Bảo Long (CTCP bảo hiểm Nhà Rồng) công bố doanh thu phí bảo hiểm quý I đạt 309 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt 214 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
Về chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I của doanh nghiệp là 152 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng chi bồi thường bảo hiểm là 54 tỷ đồng, giảm 15%; chi hoa hồng bảo hiểm đạt 25 tỷ đồng, tăng 2%; chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 70,7 tỷ đồng, tăng 24%.
Chi phí hoạt động tài chính cũng tăng 1.197% lên 31 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, điều này dẫn đến lợi nhuận hoạt động tài chính quý I/2020 lỗ 11,4 tỷ đồng, giảm 165% so với cùng kỳ.
Với việc doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng, lợi nhuận tài chính bị lỗ nhiều dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Bảo hiểm Bảo Long chỉ đạt 13,8 tỷ đồng, "bốc hơi" tới 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.