Trong bối cảnh các hãng hàng không đang "gồng mình" với những khó khăn do ngành hàng không "đóng băng" vì đói khách, gần như 100% số lượng máy bay phải tạm dừng hoạt động, doanh thu sụt giảm đứng trước nguy cơ phá sản, thì các hãng lại báo cáo, giải trình về việc thực hiện Luật Cạnh tranh và Luật giá.
Việc các hãng hàng không phải báo cáo, giải trình xuất phất từ đề nghị của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines về áp dụng giá sàn vé máy bay. Do đó, Cục Hàng không đang 'nghiên cứu, xem xét' báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Vietnam Airlines lý giải cho đề xuất bằng lý do hãng đang lỗ lớn vì đại dịch Covid-19, nếu các hãng tiếp tục bán vé giá thấp thì sẽ ảnh hưởng đến Vietnam Airlines và ngành hàng không, dẫn đến hãng hàng không Việt yếu đi khi mở bay quốc tế cạnh tranh với hãng nước ngoài.
Trên thực tế, việc áp giá sàn vé máy bay đã được Vietnam Airlines nhiều lần đề xuất tới Cục Hàng không và Bộ GTVT, nhưng đếu không được đồng ý, chấp thuận.
Đề xuất này cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cho rằng, áp giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh phát triển của các hãng hàng không, tước bớt quyền lựa chọn của hành khách và cản trở phục hồi nền kinh tế.
Theo Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật Cạnh tranh nêu rõ: "Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng tại Điều 5, Luật Hàng không quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng: Cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.
Nếu lý do của Vietnam Airlines có thể đem lại lợi ích cho các hãng hàng không và người tiêu dùng thì tại sao các hãng hàng không tư nhân khác lại không đề xuất áp giá sàn vé máy bay?.
Trao đổi với PV Dân Việt về việc có cạnh tranh công bằng, sòng phẳng giữa các hãng hàng không khi Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất áp giá sàn vé máy bay, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng: "Nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ tước bỏ cơ hội đi máy bay giá rẻ của người dân".
"Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá kỹ lưỡng đề xuất của Vietnam Airlines, việc áp giá sàn vé máy bay ai là người được hưởng lợi, liệu có cạnh tranh lành mạnh và giết chết hàng không tư nhân hay không?", PGS, TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi.
Theo PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành hàng không và du lịch đang có nhiều kế hoạch kích cầu du lịch, kích cầu đi máy bay, thì việc áp giá sàn vé máy bay sẽ không còn vé 0đ nữa thì sẽ thu hút được hành khách.
Hiện nay, mỗi hãng hàng không đều có kế hoạch, chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh riêng biệt, nên việc áp giá sàn sẽ thực hiện thế nào cho công bằng. Nếu áp dụng giá sàn đều nhau, sẽ mất tính cạnh tranh và hàng không sẽ không phát triển được. Giá sàn bằng nhau, không có sự chênh lệch về giá quá nhiều nên hành khách không dại gì mà chọn đi hàng không giá rẻ, chính lúc này đã xảy ra việc không bình đẳng giữa hàng không nhà nước và hàng không tư nhân.
Bình luận về việc áp giá sàn vé máy bay, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính đánh giá: "Việc áp giá sàn vé máy bay có thể là những biểu hiện triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh".
PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, hiện nay, chúng ta chưa có sự cạnh tranh lành mạnh về thị trường hàng không và thị trường xăng dầu. Tại sao lại chưa cạnh tranh lành mạnh? Vì do có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%.
Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn vé máy bay, bởi việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Long nói.