Dân Việt

Có căn cứ để khởi tố vụ việc một nhóm làm giả thông tin "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ"?

Đ.Việt 11/08/2021 12:18 GMT+7
Luật sư đã có những phân tích pháp lý xung quanh vụ "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ mang song thai" đang gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.

Tại cuộc họp báo về cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Nguyễn Đức Thọ đã thông tin về vụ việc "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ mang song thai".

Có căn cứ để khởi tố vụ "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ"? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM. Ảnh: Thu Hằng/Zing.vn

Theo ông Thọ, ngày 9/8, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook và xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin sai sự thật.

Đề cập về dấu hiệu lừa đảo trong vụ việc, ông Thọ cho biết bước đầu, Sở nhận định có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật.

Ông Thọ cũng khẳng định, Sở TT&TT đang phối hợp với Công an để tiếp tục điều tra xem nhóm nào dựng lên tin giả này, để xử lý theo quy định.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với đặc thù của mạng xã hội là không gian ảo, việc tiếp xúc giữa những con người với nhau là gián tiếp, những cái tên, những bức ảnh trên Facebook chưa chắc đã phải là thật.

Điều đáng buồn trong vụ việc này là các thông tin lan tỏa từ lúc đầu lại từ những người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội. 

Nhưng rất may cơ quan chức năng và cộng đồng mạng kịp thời phát hiện ra những yếu tố bất thường và kết luận đây là tin giả trước khi nhiều người mất tiền cho với các đối tượng.

Theo vị luật sư, sự việc diễn ra vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, rất nhiều bác sĩ, lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh vất vả, hy sinh cuộc sống cá nhân mà lại có những thông tin giả mạo, gian dối như thế này khiến cho thật giả lẫn lộn, gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của con người vào lòng trắc ẩn.

Có căn cứ để khởi tố vụ "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ"? - Ảnh 3.

Vụ "bác sĩ Khoa" đã được xác định là thông tin giả mạo. Hình ảnh giả mạo bác sỹ Khoa là của một người ở Singapore. Có 2 chủ tài khoản Facebook đã bị xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin sai sự thật. Ảnh chụp màn hình.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năn, nhóm đối tượng này có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người.

Với sức lan tỏa nhanh chóng của câu chuyện có thể nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng này. Bởi vậy cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 để tiếp tục điều tra làm rõ. Khi có đầy đủ thông tin về nhóm đối tượng sẽ khởi tố bị can, bắt tạm giam để xử lý.

Đồng thời đăng thông tin công khai về phía cơ quan điều tra để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án.

Luật sư Cường phân tích, theo quy định, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo. 

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 Bộ luật hình sự 2015. 

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Thông tin gian dối của các đối tượng là thông tin về người đang gặp hoạn nạn, về sự việc hoạn nạn để đánh vào lòng thương, sự chắc ẩn trong mỗi con người, để những người nhẹ dạ chuyển tiền, tài sản cho nhóm đối tượng.

Sự việc bị bại lộ làm cho người ta nghi ngờ vào lòng tốt và sự tử tế trong con người, làm cho con người trở nên hoài nghi lẫn nhau, những người gặp khó khăn hoạn nạn thực sự sẽ ít có cơ hội được người khác giúp đỡ.

Chính vì thế việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, ngành y tế và lực lượng chống dịch.

Các đối tượng trong vụ án này sẽ phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội; Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội... nên chế tài đối với nhóm đối tượng này sẽ rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân theo Điều 174 Bộ hình sự năm 2015.